| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Phát triển chăn nuôi trâu, bò miền núi

Thứ Tư 19/02/2020 , 13:15 (GMT+7)

Miền Tây Nghệ An có lợi thế về phát triển chăn nuôi trâu, bò, do đất rộng người đông, nguồn thức ăn tự nhiên khá dồi dào, khí hậu thích hợp.

Nhờ nuôi bò nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững.

Nhờ nuôi bò nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững.

"Đề án phát triển cây và con miền Tây Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020" là một hướng đi đúng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần giải quyết nhu cầu nguồn thực phẩm cho xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Điển hình Tân Kỳ

Trang trại chăn nuôi trâu, bò của ông Võ Văn Khả ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ được xây dựng ngoài đồng cách xa làng 700 - 800m.

Theo ông Khả, trại có diện tích 2ha, ông dành 5.000m2 làm chuồng nhốt trâu, bò, diện tích còn lại trồng cỏ voi, cỏ sữa. Những năm trước đây gia đình ông chăn nuôi 4 - 5 con bò tại nhà. Nhưng do đất chật không nuôi được nhiều và mùi hôi thối gây ra làm ảnh hưởng môi trường, tiền lãi không đáng kể.

Năm 2018 thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi và đưa chuồng trại ra xa các khu dân cư do UBND xã phát động, gia đình ông Khả mở trang trại nuôi từ 20 - 30 con bò vỗ béo, mỗi năm xuất bán 3 lứa, thu về 400 - 500 triệu đồng. Năm 2020, ông Khả hy vọng doanh thu sẽ nhiều hơn do giá thịt hơi có xu hướng tăng.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Kỳ cho biết, toàn huyện có 21 xã đều có đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò dưới hình thức trang trại được xây dựng cách xa bản làng để không gây ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư tập trung.

Hiện 7 xã có mô hình chăn nuôi trâu, bò cách xa bản làng hoạt động rất tốt như: Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Tân Phú… Đặc biệt hầu hết các xã đã thành lập các HTX và tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò đàn tập trung với quy mô từ 50 con trở lên.

Hiện tại toàn huyện có 80 hộ chăn nuôi trâu, bò đã liên kết với các doanh nghiệp đảm bảo khép kín từ đầu vào đến đầu ra cho người chăn nuôi (trừ thức ăn thô tự sản xuất lấy). Bằng cách làm này, trung bình các hộ chăn nuôi thu về từ 700.000 - 1.200.000 đồng/con/tháng.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Trung, nhờ phát triển mạnh trang trại chăn nuôi trâu, bò đàn tập trung,  toàn huyện đã có 56.000 con trâu, bò, sản lượng thịt khoảng 33.000 tấn/năm, doanh thu ước đạt 650 tỉ đồng, chiếm 70% tổng giá trị ngành chăn nuôi của huyên.

Phát triển mạnh giống bản địa

Vùng miền núi Nghệ An có nhiều giống trâu, bò khá nổi tiếng về trọng lượng lớn, thân hình to khỏe như: Bò vàng của người Mông ở Kỳ Sơn. Dân bản gọi là bò Mông, giống bò này to, cao, có trọng lượng bình quân từ 250 - 350 kg/con, điển hình có những con trọng lượng lên đến trên 400kg.

Trâu Quỳ Châu, Quỳ Hợp vừa to, vừa khỏe, có trọng lượng bình quân 400 - 450 kg/con, có con lên đến 470 - 480 kg/con. Nhưng dân bản ở các huyện miền núi có sở thích chăn nuôi bò nhiều hơn trâu.

Tại huyện Quỳ Châu, năm 2016 triển khai dự án "Phát triển chăn nuôi trang trại giai đoạn 2016 - 2020". Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Châu Phong đầu tư tiền tỉ để xây dựng trang trại chăn nuôi bò với quy mô 200 con bò. Trong số bò nói trên, ông nuôi 100 con bò lai Sind và 100 con bò vàng giống địa phương.

Sau 3 năm chăn nuôi cho thấy bò lai Sind không thích ứng với điều kiện khí hậu và môi trường sống ở đây, lại thường bị dịch bệnh. Trong khi đó bò vàng địa phương vừa dễ nuôi, vừa kháng bệnh tốt, lại mau to, chóng lớn, chất lượng thịt ăn thơm ngon nên được thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng.

Sau 3 năm nuôi thử thấy không hiệu quả bằng bò ta, ông Hùng đã chuyển sang nuôi 100% giống bò vàng bản địa.

Để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi trâu, bò trong toàn huyện phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, tính đến hết năm 2019 toàn huyện Quỳ Châu đã xây dựng được 14 trang trại và 69 gia trại chăn nuôi bò tập trung ở một số xã như Châu Hạnh, Châu Phong, Châu Bình… Đồng thời đầu tư hỗ trợ gần 3 tỉ đồng xây dựng được 1.736 chuồng trại, thuốc vacxin tiêm phòng, mua con giống…

Còn tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong - một trong những xã có tổng đàn trâu bò hơn 5.000 con, trong đó có tới 99% là giống bò Mông.

Ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Mỗi một hộ dân ở các thôn, bản xa trung tâm xã, có đất đồi núi, đất rừng nhiều, xã khuyến khích mở trang trại chăn nuôi và được phép khoanh một vùng diện tích đồi núi tự nhiên khoảng 10 - 15ha để chăn thả trâu bò và trồng cỏ. Riêng những bản ở vùng trung tâm xã, điều kiện về đất đai không có nhiều phải chăn nuôi bò nhốt tại chuồng như bản Xan, Yên Sơn, Ná Ca… thì được cấp đất để trồng cỏ voi, cỏ sữa.

Với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của xã, đồng bào dân tộc Mông ở đây đã thi nhau mở nhiều trang trại chăn nuôi bò đàn chăn thả, bò nuôi nhốt. Đã có nhiều hộ như gia đình ông Thò Giống Nù ở bản Pà Khốm, ông Lỳ Nỏ Dó ở bản D1, ông Thò Bá Thông ở bản Mường Lống… đều có quy mô chăn nuôi từ 50 - 100 con bò Mông bản địa. Tất cả các hộ chăn nuôi xuất bán ra thị trường, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, nhiều gia đình đã giàu lên.

Cũng theo ông Lữ Văn Cương, giống bò Mông ở đây rất tốt, chăn nuôi dễ dàng, thân hình to khỏe, ít bị bệnh tật, thịt ngon thơm… nên bán ra thị trường dễ dàng.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò ở các huyện miền núi là một chủ trương đúng của tỉnh Nghệ An và tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ về con giống, vốn, thuốc thú y; trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại. Phấn đấu đến hết năm nay tổng đàn trâu bò trên địa bàn toàn tỉnh đạt 780.000 con, đưa tỉ trọng chăn nuôi trâu bò trong ngành chăn nuôi chiếm từ 22 - 25%, trong đó trâu 330.000 con, bò 450.000 con.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất