| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Vĩnh Phúc gặp khó ló khôn: [Bài 1] Nuôi lợn chuẩn '5 không' ở Bồ Lý

Thứ Bảy 19/10/2024 , 15:41 (GMT+7)

VĨNH PHÚC Anh Năng Văn Hiệp ở thôn Trại Mái, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo là người đầu tiên trong xã nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học.

Đối mặt với nhiều bài toán của ngành chăn nuôi liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, tư duy manh mún nhỏ lẻ, tuy nhiên ở Vĩnh Phúc đang xuất hiện những mô hình “trong cái khó ló cái khôn”.

Chăn nuôi nông hộ theo hướng hứu cơ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Chăn nuôi nông hộ theo hướng hứu cơ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Giải pháp của chăn nuôi nông hộ

Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025 đặt mục tiêu tập trung phát triển những loại vật nuôi chủ lực có lợi thế như lợn, bò, gia cầm, chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, nâng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 tăng bình quân 3%/năm. Trong đó, đàn trâu, bò có mặt thường xuyên 16.500 con, đàn bò thịt 105.000 con, đàn bò sữa 16.500 con, đàn lợn 585.000 con, đàn gia cầm 12,5 triệu con…

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc phân tích: Đất đai chính là rào cản lớn của ngành chăn nuôi tỉnh, có lẽ cũng là thực trạng chung của các địa phương “đất chật người đông” ở Đồng bằng sông Hồng.

Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi quy định điều kiện chăn nuôi của các địa phương Đồng bằng sông Hồng với mật độ chăn nuôi là 1,84 đơn vị vật nuôi trên mỗi ha, thế nhưng thời điểm này đã vượt mốc 2,84, gây khó khăn cho các địa phương về ban hành quy định mới.

“Chăn nuôi vẫn đang đóng góp chủ lực vào ngành nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ đang là sinh kế, cơm ăn áo mặc của người dân, nên tìm giải pháp phát triển hài hoà đang rất khó khăn. Cơ chế đất đai thì không thể thay đổi, nên Vĩnh Phúc buộc phải tìm các hướng phát triển “mềm” là các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững”, ông Công khẳng định.

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của anh Năng Văn Hiệp, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Ảnh: Văn Việt.

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của anh Năng Văn Hiệp, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Ảnh: Văn Việt.

Bồ Lý là xã vùng cao từng được biết đến với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Đời sống của hơn 1.200 hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Sán Dìu chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồ Lý chia sẻ: Chủ trương của cấp trên là xóa bỏ chăn nuôi nông hộ manh mún, nhỏ lẻ, tuy nhiên với người dân Bồ Lý, con lợn con gà, con trâu con bò không chỉ là sinh kế mà còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội.

Nghề nuôi lợn là thế mạnh của Bồ Lý, khổ nỗi giống như nhiều địa phương khác ở Vĩnh Phúc, bài toán đất đai, môi trường trong chăn nuôi luôn là vấn đề nhức nhối.

“Bao nhiêu gia đình mất tình làng nghĩa xóm, bao nhiêu bức xúc ở cơ sở cũng vì nhà này nuôi lợn, nuôi gà tra tấn nhà kia, để tìm được mô hình chăn nuôi vừa hài hòa được kinh tế và môi trường thật không hề đơn giản”, ông Việt tâm sự.

Năm 2021, thời điểm mà Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Bồ Lý gọi là “cột mốc lịch sử” với nghề chăn nuôi lợn ở xã vùng cao tỉnh Vĩnh Phúc khi xuất hiện mô hình Chăn nuôi lợn thịt hữu cơ an toàn sinh học, kinh tế tuần hoàn. Người tiên phong ấy là anh Năng Văn Hiệp ở thôn Trại Mái, người đầu tiên ở Bồ Lý xoá bỏ lời nguyền nuôi lợn ô nhiễm môi trường.

Khởi nghiệp từ chăn nuôi, đã từng trải qua hết mọi hỉ nộ ái ố của nghề “dễ mất hết tình làng nghĩa xóm”, 3 năm trước, qua tìm hiểu báo đài anh Hiệp bàn với vợ chuyển từ chăn nuôi công nghiệp sang mô hình nuôi lợn thịt hữu cơ.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, hai vợ chồng liên kết với Tập đoàn Quế Lâm chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học theo tiêu chuẩn "5 không" là: Không sử dụng chất tạo nạc, chất kháng sinh, không sử dụng nước tưới, không gây ô nhiễm môi trường, không dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học phù hợp trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi và lở mồm long móng vẫn còn hoành hành. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học phù hợp trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi và lở mồm long móng vẫn còn hoành hành. Ảnh: Hoàng Anh.

Ban đầu, thí điểm trên đàn lợn 20 con, chỉ sau lứa đầu tiên vợ chồng anh Hiệp quyết định chuyển toàn bộ hệ thống chuồng trại với quy mô khoảng 600 đầu lợn sang hướng mới. Hiệu quả lập tức thấy rõ. Nhờ được chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, toàn bộ 600 đầu lợn của gia đình anh Hiệp vẫn an toàn mặc dù năm nay dịch tả Châu Phi và lở mồm long móng tiếp tục hoành hành.

Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, phân thải được xử lý đem chăm bón vườn na 600 gốc, vườn bưởi 80 gốc và 70 gốc hồng xiêm đang cho thu hoạch đã trở thành mô hình kinh tế tuần hoàn của xã Bồ Lý.

Mỗi năm, riêng nuôi lợn gia đình anh Hiệp lãi bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con. “Mặc dù so với nuôi quy mô công nghiệp mức lãi này chưa phải lớn nhưng đổi lại là sự ổn định và bền vững. Đây chắc chắn là mô hình tốt nhất đối với chăn nuôi nông hộ hiện nay”, anh Hiệp khẳng định.

3 bài toán, kinh tế, xã hội, môi trường

Từ thành công của mô hình Bồ Lý, hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai 10 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, kinh tế tuần hoàn tại xã Minh Quang (huyện Tam Đảo), Tam Hồng (Yên Lạc), Đạo Đức (Bình Xuyên)…

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mới đây, người chăn nuôi và cán bộ địa phương chia sẻ: Việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn tại Việt Nam (VietGAHP chăn nuôi lợn) và Quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học đã tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học không chỉ đảm bảo mục tiêu xử lý triệt để chất thải trong chăn nuôi lợn mà còn tái sử dụng đệm lót thành phân bón cho cây trồng, cây rau màu....thay vì như trước việc nuôi lợn xử lý chất thải bằng hệ thống biogas, không những chất thải xử lý chưa triệt để mà còn lãng phí nguồn phân bón cho cây trồng.

Mô hình chăn nuôi '5 không' giúp giải quyết 3 bài toán là kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình chăn nuôi "5 không" giúp giải quyết 3 bài toán là kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc: Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý môi trường tại 105 xã, phường, thị trấn với tổng số 15.363 hộ gia đình tham gia. Áp dụng quy trình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học trên 21,5 triệu con gà, 350.000 con lợn, 5.000 con bò sữa và 2.800 con bò thịt với tổng số chế phẩm sinh học là 267.000 kg và 2.520 tấn đệm lót sinh học…

Đặc biệt, mô hình chăn nuôi nông hộ an toàn sinh học đã góp phần quan trọng và tạo sự lan tỏa, khuyến khích, giúp các hộ chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác xử lý chất thải chăn nuôi. Từ đó góp phần phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững và thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc tính toán, việc thực hiện hỗ trợ chế phẩm sinh học đạt được hiệu quả rõ rệt trên 3 khía cạnh: hiệu kinh tế, hiệu quả các chỉ tiêu kỹ thuật và hiệu quả về môi trường.

Xem thêm
Quảng Ninh không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi sau bão

Sau bão số 3, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã chủ động hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhờ đó, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch.

Vai trò đầu mối của khuyến nông cộng đồng trong Đề án 1 triệu ha lúa

AN GIANG Tổ khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong việc chuyển giao công nghệ, kiến thức mới cho nông dân và đầu mối liên kết với doanh nghiệp.

Nghiên cứu, phát triển hàng loạt sản phẩm chế biến từ trái vú sữa

SÓC TRĂNG Huyện Kế Sách đang hỗ trợ HTX nông nghiệp Trinh Phú nghiên cứu, phát triển hàng loạt sản phẩm chế biến, khai thác giá trị từ lá, hạt, thịt của trái vú sữa.

Bình luận mới nhất