Khởi nghiệp từ 10 con thỏ giống
Tám năm khởi nghiệp với nhiều gian truân, thử thách, thế nhưng bằng ý chí, vượt khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng thanh niên Nguyễn Văn Trước xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, đã thành công với mô hình nuôi thỏ, cho thu nhập ổn định 500 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Trước, sinh năm 1989, trong một gia đình thuần nông, nơi miền quê chiêm trũng của Hưng Yên, cuộc sống luôn “chìm” trong cái khó, cái nghèo. Không cam chịu, năm 2010, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trước nuôi hoài bão làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
“Khi xác định về quê lập nghiệp từ đồng ruộng, ngày đầu tôi cũng nản lắm, nhìn tụi bạn làm ở thành phố, không thì cũng công nhân ở các khu công nghiệp họ ăn mặc sạch đẹp, có tiền lương hàng tháng mình cũng ham muốn như vậy, nhưng được sự động viên từ gia đình, cùng với bản lĩnh của một người lính không ngại gian khổ, khiến mình tự tin hơn trong phát triển kinh tế”, anh Trước chia sẻ.
Ngày đầu, anh Trước khởi nghiệp bằng nghề trồng cây cảnh tuy nhiên vốn đầu tư ít lại không am hiểu thị trường, anh thất bại sau 2 năm bươn trải. Năm 2012, tình cờ đi ăn đám cưới người bạn bên tỉnh Hải Dương, thấy trong mâm cỗ có món thịt thỏ mọi người ăn ai cũng khen ngon, từ đây anh nảy ra ý tưởng nuôi thỏ, một vật nuôi hoàn toàn mới lạ tại quê hương anh.
Vốn ít lại chưa có kinh nghiệm, anh Trước chỉ giám đầu tư nuôi thử 10 con thỏ giống Newzealand với 8 con thỏ cái 2 con thỏ đực. Vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm, không ngờ cái nghề nuôi thỏ lại gắn bó với anh đến bây giờ.
Trở thành “thủ lĩnh” hội nuôi thỏ
Nhờ sự chịu khó, cần cù, quyết đoán, sau 8 năm gây dựng và phát triển, đến nay trang trại của anh Trước có hơn 300 con thỏ sinh sản giống Newzealand và Ấn Độ, duy trì thường xuyên 1.000 con thỏ thương phẩm trên tổng diện tích nuôi gần 500m2.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong nuôi thỏ anh Trước vui vẻ nói: “Thỏ là động vật dễ nuôi, để thỏ luôn khỏe mạnh, người nuôi cần chú ý xây dựng chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Thỏ là loại ưa sạch, nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân khiến thỏ dễ mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần tiêm phòng định kỳ, cân đối lượng thức ăn và cho thỏ uống nước sạch thì sẽ phòng được bệnh này”.
Theo anh Trước, đối với thỏ sinh sản thì khâu chọn giống đặc biệt quan trọng, phải chọn được những con thỏ đực khỏe mạnh, thân hình to, ngực nở, tai dáng chữ V, thỏ không bị dị tật bẩm sinh, chọn thỏ cái thân hình vừa phải, không chọn con quá mập và chọn con có từ 8 vú trở lên, có được đàn thỏ bố mẹ tốt sẽ là tiền đề cho ra những con thỏ thương phẩm chất lượng.
Với số lượng hiện tại, trung bình mỗi tháng, trang trại của anh Trước xuất bán 500 con thỏ con giá bán 60 nghìn đồng một con 30 ngày tuổi, xuất thỏ thương phẩm khoảng 5 tạ với giá bán 70 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó anh còn ký kết hợp đồng dài hạn, cung cấp thỏ thương phẩm cho một số khách sạn, cơ sở kinh doanh, cơ sở thịt thương phẩm, trong đó có nhiều hợp đồng đạt giá trị 150 triệu đồng. Trừ chi phí, mô hình cho thu nhập ổn định 500 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Nguyễn Văn Trước còn được biết đến là “thủ lĩnh” hội nuôi thỏ. Năm 2019, được sự hướng dẫn của Huyện đoàn Phù Cừ (Hưng Yên), anh đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) thanh niên chăn nuôi thỏ.
Với vai trò là chủ nhiệm CLB, anh Trước luôn chia sẻ nhiệt tình kinh nghiệm, tư vấn xây dựng chuồng trại hợp lý cho các thành viên cùng chung khát vọng làm giàu. Anh Trần Đăng Đạt, Phó bí thư Huyện đoàn Phù Cừ cho biết: “Hiện nay, CLB thanh niên chăn nuôi thỏ huyện Phù Cừ quy tụ 22 đoàn viên thanh niên tham gia với tổng đàn hơn 5 nghìn con. Hàng tháng, hội xuất bán trên 1 tấn thịt thỏ thương phẩm và hàng nghìn con thỏ giống. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với mức thu nhập 5 triệu động/người/tháng. Phát triển của CLB có sự đóng góp tích cực của đoàn viên Nguyễn Văn Trước, người tiên phong nuôi thỏ tại địa phương”.
Không bằng lòng với thành công hiện tại, anh Trước cũng như các thanh viên trong CLB nuôi thỏ cùng có một mục tiêu, trong thời gian tới phát triển mô hình nuôi thỏ quy mô lớn trong chuồng lạnh, theo hướng an toàn sinh học, đưa thịt thỏ trở thành thực phẩm phổ thông ngoài thị trường và xa hơn thịt thỏ của CLB sẽ được xuất khẩu.