Thăng trầm
Nghề nuôi thỏ từng nở rộ ở Hải Dương. Nhiều trang trại phá sản, trắng tay, nhưng có những hộ trở thành tỷ phú. Dù không chính thức, hơn 40 hộ chăn nuôi thỏ ở Hải Dương đã thành lập hội nhóm để giúp nhau làm giàu.
Anh Nguyễn Văn Cẩm, chủ trại thỏ tại xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ được tín nhiệm bầu làm hội trưởng. Trại thỏ của gia đình anh Cẩm được đánh giá là quy mô, hiện đại nhất nhì tỉnh Hải Dương.
Do dịch Covid-19, giá thỏ giống giảm nhẹ, còn 90 - 95 nghìn đồng/kg. Riêng giá thỏ thương phẩm giảm một nửa, chỉ còn 60 - 65 nghìn đồng/kg.
Anh Cẩm cho biết, từ năm 2012 bắt đầu nhập giống thỏ ta về nuôi. Sau một năm thấy hiệu quả, anh tìm mua thêm gần 100 con thỏ giống New Zealand từ Ninh Bình để nuôi.
Nhưng nuôi được 4 tháng, đàn thỏ có dấu hiệu bị nấm. Do không có thuốc chữa, đàn thỏ yếu dần và chết, buộc anh phải hủy cả đàn. Riêng tiền giống thiệt hại khoảng 25 triệu đồng, mà theo anh Cẩm, đây có lẽ là khoản “học phí” phải trả cho việc thiếu kinh nghiệm lựa chọn con giống.
Không nản chí, vài tháng sau, anh tìm về huyện Thanh Hà (cùng tỉnh Hải Dương) mua 120 thỏ giống New Zealand. Do tìm được nguồn giống đảm bảo, đàn thỏ này được duy trì qua nhiều thế hệ, trong vòng 7 năm qua nhưng chưa hề bị nấm bệnh.
Mở rộng chăn nuôi, anh Cẩm mua được gần 10 sào ruộng, rồi xin chuyển đổi thành trang trại thỏ. Riêng diện tích chuồng nuôi thỏ đạt 1.300 mét vuông. Ba năm trở lại đây, anh Cẩm luôn duy trì đàn thỏ gần 1.000 nái, 200 con đực. Đỉnh điểm như năm 2019, trại của anh Cẩm xuất ra thị trường gần 6.000 thỏ giống.
Anh Cẩm bảo, làm nghề gì cũng phải đặt cái tâm nên đầu, đặc biệt là với nghề tạo ra con giống, cung ứng cho người dân. Thỏ con sau khi sinh 1 tháng, bắt đầu tiến hành tách đàn. Tuy nhiên, anh không xuất bán ngày mà tiếp tục nuôi thêm khoảng 2 tháng thành thỏ hậu bị. Trong quá trình này, thỏ được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng trước khi người dân tới mua.
Cũng theo anh Cẩm, năm 2019, giá thỏ hậu bị tăng cao (120 nghìn đồng/kg), nhu cầu mua lớn nên những người nuôi thỏ trúng đậm. Trung bình mỗi tháng, trại thỏ của anh Cẩm xuất bán 3 tấn thỏ giống. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng.
Không nên phá đàn
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Cẩm cũng như nhiều hộ nuôi thỏ khác gặp nhiều khó khăn trong đầu ra. Riêng thỏ giống, khoảng 3 tháng nay, gần như không bán được con nào. Để ứng phó, anh Cẩm đã ngừng tiến hành phối giống, hạn chế thỏ sinh sản trong giai đoạn này.
Toàn bộ thỏ giống, hậu bị, anh Cẩm chuyển sang nuôi thành hàng thương phẩm. Việc mua bán chậm lại, tháng nào nhiều cũng chỉ xuất bán được 1 tấn, bằng 1/3 so với trước dịch Covid-19.
Theo anh Cẩm, lo lắng nhất hiện nay là đã qua 2 tháng, số thỏ thịt trong trại còn tồn khoảng 4 tấn. Từ đây kéo theo một loạt chi phí như thức ăn, điện, nước, công chăm sóc… Trong khi, giá cám liên tục tăng, mỗi bao 25kg tăng khoảng 10 nghìn đồng. Mỗi tháng, anh Cẩm đang phải bù thêm 120 triệu đồng cho lượng thỏ tồn trong trại.
Anh Nguyễn Văn Lợi, chủ trại thỏ 130 nái cùng xã Đại Sơn cho biết, do không chịu được áp lực dịch bệnh nên đã phá đàn. Việc gây dựng được đàn nái sinh sản ổn định rất vất vả, nhưng do không bán được con giống, chi phí lại tăng cao nên anh Lợi cắn răng xóa sổ trại thỏ.
Anh Lợi dự tính, nếu dịch Covid-19 được khống chế, thị trường ấm lại, từ tháng 6 sẽ nhập lại đàn hậu bị để sản xuất con giống. Theo tính toán, từ tháng 10 trang trại sẽ có thỏ giống để bán.
Là người nuôi thỏ lâu năm, anh Cẩm bảo, với vai trò lại Hội trưởng Hội Nuôi thỏ Hải Dương, anh luôn khuyên các hội viên cần bình tĩnh, kiên trì. Đặc biệt phải giữ được đàn thỏ nái, không nên phá đàn. Bởi sau khi thị trường sôi động trở lại, chắc chắn giá thỏ giống cũng như thương phẩm sẽ tăng cao. Nếu phá đàn, sẽ bị lỡ nhịp sản xuất, trong khi việc gây dựng đàn nái không hề đơn giản. Sẽ phải mất 1 – 2 lứa đầu, thỏ mới có thể sinh sản ổn định và con giống đạt chất lượng.
“Nếu hộ nào trót phá đàn hoặc thỏ đang bị nấm, cũng có thể nhân cơ hội này để làm lại từ đầu. Quan trọng nhất là phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại. Nếu trại bị nấm, sau khi tổng vệ sinh, cần để trống 1 – 2 tháng mới nên tái đàn”, anh Cẩm chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Cẩm tâm sự, bảo dù nghề nuôi thỏ đã và đang mang lại thu nhập cao, tuy nhiên chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng. Việc người dân chăn nuôi vẫn là tự phát, học hỏi lẫn nhau chứ chưa hề được bất cứ cơ quan chuyên môn nào hướng dẫn. Đặc biệt khi dịch bệnh, mà điển hình là bệnh nấm, phải tiêu hủy cả đàn, thiệt hại kinh tế nặng nề. Dẫu vậy, người chăn nuôi không được hỗ trợ cả về mặt kinh tế lẫn kỹ thuật xử lý dịch bệnh.