Chuyển trại heo nuôi 3.000 con gà
PV NNVN đã tìm gặp ông Nguyễn Phi Long, ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, người được dân trong vùng đặt biệt danh dí dỏm “Long heo” bởi trang trại heo do ông Long sở hữu có quy mô lớn nhất nhì huyện.
Với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, ông Long tiên phong áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo công nghệ cao, nhờ đó trong quá trình sản xuất, ông đã vượt qua rất nhiều đợt dịch trên đàn gia súc.
Thế nhưng trước đại dịch tả heo châu Phi ông đành bất lực. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng từ khi khi dịch tả heo châu Phi bùng phát tại địa phương, hơn 1.000 con heo nái sinh sản và heo thịt của gia đình lần lượt đổ bệnh buộc tiêu hủy 100%.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại mới ngày nào đó là đàn heo chen chúc đã được cải tạo thành trang trại nuôi gà Tam Hoàng quy mô 3.000 con, ông Long phấn khởi nói: “Giá heo thịt cao nhưng giá heo giống bây giờ cũng cao, trong đó vắc xin phòng ngừa hữu hiệu dịch tả heo vẫn chưa có, tái đàn trong thời điểm này chắc gì đảm bảo được đàn heo sinh trưởng tốt".
Nhưng không vì thế gia đình buông xuôi, nhờ số tiền hỗ trợ của nhà nước, trước mắt tận dụng chuồng heo, trang thiết bị kỹ thuật sẵn có cùng bề dày kiến thức kinh nghiệm trong chăn nuôi, gia đình chuyển hướng sang nuôi gà sinh học. Gia đình đã mua đất tại khu vực xa dân cư, dự định sẽ xây trang trại nuôi heo (lạnh) khép kín quy mô 1.000 con để đảm bảo quá trình sản xuất an toàn, tránh xa vùng dịch…”.
Còn tại HTX chăn nuôi - dịch vụ Phú Giáo, công tác tái đàn cũng đang được tiến hành. Trước đây HTX có 22 thành viên với quy mô trên 22.000 con heo. Đợt dịch vừa qua chỉ có 2/22 thành viên đứng vững trước dịch, số lợn buộc tiêu hủy gần 18.000 con. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau về kinh nghiệm, chia sẻ con giống, cùng với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của nhà nước, HTX đang dần hồi phục.
Là một trong 2 thành viên không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn, ông Trần Văn Phú - Phó chủ nhiệm HTX cho biết, việc dịch xảy ra tại địa phương là do tập quán bà con thường tổ chức chăn nuôi trong khu dân cư, liền kề nhau, khi dịch bùng phát rất khó kiểm soát và ngăn chặn, dịch lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nói về việc tái đàn ông Phú chia sẻ, ngay lúc này cần phải được thực hiện từng bước, ban đầu nuôi thử vài con rồi lấy mẫu đi xét nghiệm, khi bảo đảm đàn heo đang nuôi không bị dịch bệnh mới nhập số lượng lớn. Tút kinh nghiệm sau dịch, HTX đã thống nhất mua quỹ đất chung rộng hơn 10.000 m2 để xây dựng chuồng trại, tiếp tục phát triển theo hướng an toàn sinh học.
Quyết liệt kiểm soát tái đàn
Ông Trần Minh Đức - Trưởng trạm thú y Phú Giáo cho biết, huyện Phú Giáo được coi là thủ phủ nuôi heo của Bình Dương. Đợt dịch vừa qua địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề với số heo buộc tiêu hủy gần 35.000 con.
Hiện đã qua 4 tháng không phát sinh ổ dịch bệnh mới, huyện đang khuyến khích các trang trại lớn chia sẻ con giống chất lượng cho các trại nhỏ.
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Bình Dương, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đến tháng 2/2020 là trên 736.000 con (đàn heo nái là 32.240 con).
Mặc dù tổng đàn heo toàn tỉnh hiện nay có giảm khoảng 5,79% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số lượng heo chỉ giảm nhiều ở đàn heo chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ (giảm 59,97%).
Đối với chăn nuôi trang trại tập trung và ở các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng đàn heo tăng 1,35% và chỉ giảm đàn đối với đàn heo nái.
Theo ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, trong thời gian qua UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn chăn nuôi heo; chỉ khuyến khích tái đàn chăn nuôi đối với các trại chăn nuôi tập trung theo hình thức trại kín (trại lạnh) và đảm bảo an toàn sinh học.
Kết quả đến nay việc tái đàn nuôi heo sau dịch tả heo châu Phi đã được tập trung thực hiện tại các công ty chăn nuôi gia công và các trang trại đảm bảo an toàn sinh học, rất ít các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ tái đàn, mặc dù dịch bệnh cơ bản đã được khống chế.
Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, tỉnh Bình Dương có gần 1.400 hộ/trại chăn nuôi tại 83 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố đã xảy ra bệnh dịch. Tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy lên đến hơn 87.000 con, chiếm 13% tổng đàn heo của tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế của địa phương cũng như người chăn nuôi. Hiện cả công tác tái đàn sau dịch đang được tỉnh Bình Dương chỉ đạo triển khai quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực.