Sau 3 năm làm công nhân tại TP.HCM, thấy cuộc sống bấp bênh, thu nhập không ổn định, anh Hồ Văn Tri (sinh năm 1990) ở ấp Giồng Lực, xã Tân Lợi Thạnh (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) quyết định về quê, chọn nuôi dê để khởi nghiệp. Được sự hỗ trợ của gia đình, đầu năm 2015, anh xây chuồng, mua 10 con dê sinh sản về nuôi.
Ban đầu, với nguyên tắc “nông dân dạy nông dân”, anh đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi dê, tham gia các lớp tập huấn và tìm hiểu thêm kiến thức trên sách báo, mạng xã hội nên đàn dê của anh dần phát triển tốt. Những thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăng cao, anh còn mua dê thịt của nông dân trong tỉnh về nuôi vỗ béo. Từ 10 con dê ban đầu, hiện đàn dê của anh đã tăng lên 600 con.
Anh Tri chia sẻ: Chuồng dê phải làm cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, có nắng để dê không bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Nếu là dê sinh sản, khi nuôi cần chú trọng đến khâu mang thai, chăm sóc. Dê thịt vỗ béo cần chú trọng nguồn thức ăn và thuốc bổ. Thức ăn của dê chủ yếu là cỏ, lá, kết hợp với thức ăn hỗn hợp. Đặc biệt, để dê phát triển tốt, phải chú ý đến khâu chọn giống. Hiện giống dê anh Tri đang nuôi là dê Boer.
Anh Tri cho biết, dê sinh khoảng 3 lứa trong vòng 2 năm. Dê con sau gần 1 năm có trọng lượng từ 35 - 45 kg sẽ cho xuất chuồng. Mỗi năm anh xuất bán trung bình từ 2 - 3 lứa với hàng trăm con dê thịt, giá bán cao nhất 148.000 đồng/kg, thấp nhấp 70.000 đồng/kg, cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Anh dự định sắp tới sẽ tiếp tục phát triển đàn dê với số lượng trên 600 con.
Tân Lợi Thạnh là xã thuần nông. Hiện mô hình nuôi dê đã khẳng định tính bền vững, tận dụng được thời gian nhàn rỗi của bà con, cho thu nhập ổn định. Hiện toàn xã có 2.488 con dê, đang có chiều hướng phát triển tốt.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lợi Thạnh, bà Lê Thị Nhịn cho biết: Từ mô hình nuôi dê của anh Hồ Văn Tri, xã đã vận động thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi dê tại ấp Giồng Lực, hiện có 25 thành viên tham gia. Thành viên trong Tổ đã tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng số lượng đàn dê.
Hội cũng phối hợp với các đơn vị thường xuyên mở các lớp tập huấn, dạy nghề vể kỹ thuật chăn nuôi dê cho nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn hỗ trợ người chăn nuôi dê trên địa bàn. Đồng thời tìm hướng giúp người chăn nuôi dê trên địa bàn liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhất là các thị trường lớn ở TP.HCM. Hiện xã cũng đang củng cố hồ sơ mở lò giết mổ dê ở ấp Giồng Lực giúp tiêu thụ nhanh sản phẩm từ dê.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Trôm, ông Nguyễn Văn Hoàng đánh giá: Nuôi dễ rất thuận lợi do thức ăn tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như cỏ, chuối cây... Từ mô hình phát triển đàn dê tại xã Tân Thành Lợi, trên địa bàn huyện đã nhân rộng ra rất nhiều. Hiện nay, Hội Nông dân huyện có 10 dự án nuôi dê từ nguồn hỗ trợ của các chương trình khác nhau.
Hướng tới, Hội Nông dân huyện sẽ vận động, thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, tiến tới đề xuất Phòng NN-PTNT huyện thành lập hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ dê.