| Hotline: 0983.970.780

'Bơm' chính sách giúp dân phát triển, cải tạo đàn dê

Thứ Sáu 22/04/2022 , 13:36 (GMT+7)

Mỗi năm huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trích ngân sách hàng trăm triệu đồng hỗ trợ người dân xây dựng mô hình, mua dê đực giống để phát triển và cải tạo đàn dê.

Những năm gần đây huyện miền núi Hương Sơn 'bơm' nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi dê. Ảnh: Thanh Nga.

Những năm gần đây huyện miền núi Hương Sơn "bơm" nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi dê. Ảnh: Thanh Nga.

Nhắc đến huyện miền núi Hương Sơn người ta nhớ ngay đến hươu sao và lộc nhung. Tuy nhiên, ngoài đối tượng nuôi chủ lực trên, địa phương này còn rất nổi tiếng với các món ăn đặc sản từ dê, ngặt nỗi nguyên liệu cung hạn chế nên các nhà hàng phải nhập dê từ các địa phương khác về để chế biến.

Theo ông Phan Xuân Đức, Phó Trưởng phòng nông nghiệp –PTNT huyện Hương Sơn, việc nhập dê từ các địa phương khác về chế biến vừa tăng giá thành vừa không kiểm soát được chất lượng.

Thống kê đến cuối năm 2019, tổng đàn dê của huyện chỉ mới đạt trên dưới 7.000 con, chủ yếu nuôi dê cỏ địa phương, trọng lượng thấp, hiệu quả kinh tế hạn chế, trong khi điều kiện chăn nuôi dê thuận lợi từ diện tích đồi núi rộng lớn đến thức ăn tự nhiên, đất trồng cỏ dồi dào.

“Nhận thấy nghề nuôi dê trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng nên từ năm 2020 chúng tôi “bơm” một số chính sách hỗ trợ người dân mua dê đực giống cải tạo đàn và phát triển mô hình, nâng cao tổng đàn”, ông Đức nói.

Tiền đề để huyện ban hành chính sách là hiệu quả của dự án hỗ trợ cải tạo đàn dê do Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp thực hiện vào năm 2019, 2020.

Tầm vóc đàn dê được nâng cao nhờ việc phối với các giống dê đực lai. Ảnh: Thanh Nga.

Tầm vóc đàn dê được nâng cao nhờ việc phối với các giống dê đực lai. Ảnh: Thanh Nga.

Lúc bấy giờ, mỗi năm Trung tâm khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 4 hộ dân của 2 xã Sơn Hàm và Quang Diệm mua 1 con dê đực và 10 con nái/hộ. Kết quả đàn dê phát triển tốt, trọng lượng và chất lượng thịt dê đều đáp ứng kỳ vọng.

Để tăng đàn và cải tạo đàn, huyện Hương Sơn quyết định những hộ có từ 10 con dê nái trở lên hoặc 3 – 4 hộ có từ 20 nái trở lên, hỗ trợ mua 1 con dê đực, tối đa không quá 6 triệu đồng/con.

Hỗ trợ 100 triệu đồng đối với mô hình nuôi từ 50 con dê trở lên; 200 triệu đồng với mô hình nuôi từ 100 con…

“Năm 2020 tổng nguồn lực huyện hỗ trợ cho ngươi dân đạt trên 120 triệu đồng, đến năm 2021 tăng lên hơn 530 triệu đồng. Thông qua các chính sách kích cầu hiện tổng đàn dê của Hương Sơn đã tăng lên đạt gần 15.000 con.

Chúng tôi đang phấn đấu thời gian tới tăng đàn tầm 5.000 – 7.000 con/năm. Khi có đàn dê ổn định sẽ phát triển thương hiệu dê đồi Hương Sơn, để thương hiệu này không chỉ bó hẹp trong tỉnh mà còn mở rộng ra toàn quốc”, ông Đức chia sẻ thêm.

Tháng 10 năm 2021, khi được chính quyền vận động, hỗ trợ một phần kinh phí, anh Bùi Xuân Trường, thôn Hương Thủy, xã Kim Hoa đầu tư hơn 1 tỷ đồng đồng xây dựng chuồng trại, thả nuôi 97 con dê cái và 4 con dê đực.

Quá trình nuôi đàn dê phát triển rất tốt, hiện đã có hơn 10 con nái sinh sản. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa hơn 80 con nái còn lại sẽ bổ sung thêm hơn 100 con dê con, nâng tổng đàn lên hơn 200 con.

Anh Trường cho biết, toàn bộ dê con anh sẽ chọn lọc một phần bán giống, số còn lại nuôi vỗ béo để bán thương phẩm.

Diện tích đất đồi núi và đồng cỏ rộng lớn là lợi thế để Hương Sơn nhân rộng nghề nuôi dê. Ảnh: Thanh Nga.

Diện tích đất đồi núi và đồng cỏ rộng lớn là lợi thế để Hương Sơn nhân rộng nghề nuôi dê. Ảnh: Thanh Nga.

Khi được hỏi về nguồn thức ăn, cách phòng dịch bệnh, anh Trường bảo: “Đất đồi rừng của chúng tôi hàng nghìn ha nên sáng nào tôi cũng thả dê lên đồi kiếm thức ăn, tối đến lùa về cho ăn cỏ và các loại lá cây tận dụng ngoài tự nhiên, cũng vừa đủ.

Dê cũng ít dịch bệnh, chủ yếu là theo sát nó để biết khi nào nó đau bụng hoặc viêm phổi mà điều trị thôi”.

Hiện tổng đàn dê của Hương Sơn đang trải đều trên toàn huyện, trong đó, một số xã chăn nuôi lớn là Sơn Tiến, Sơn Hà, Sơn Lễ, Quang Diệm, Sơn Hàm, An Hòa Thịnh…, bình quân mỗi xã từ 500 – 600 con.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất