Ấp ủ với dưa lưới từ khi làm thuê
Tiếp chuyện tôi tại nhà màng trồng dưa lưới, anh Võ Văn Hậu (sinh năm 1993) ở xã Nghĩa An (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) kể: Trong quá trình làm thợ sửa chữa máy móc cho các nhà vườn trồng dưa lưới ở miền Nam, anh thấy nhà nào trồng dưa lưới cũng giàu lên rất nhanh. Lân la hỏi chuyện, Hậu quyết định bỏ giữa chừng nghề cơ khí để đến làm công cho những nhà vườn trồng dưa lưới ở Bình Phước, Bình Dương.
Với mưu cầu làm và học cho tương lai, Hậu đã rất chăm chỉ, theo dõi, ghi nhớ tỷ mỉ từng công đoạn từ gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch dưa lưới. Anh nhận thấy dưa lưới là loại quả sạch, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khi ăn vào rất mát và bổ dưỡng. Bởi vậy đến kỳ thu hoạch, dân thành phố đánh ô tô đến mua hết cả vườn.
Trồng dưa lưới cái khó nhất là tiền đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng mỗi năm lại trồng được 2 đến 3 vụ. Hậu bảo: "Khi em đã nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, lại nghĩ mình là dân nông thôn có đất đai rộng, nên trở về quê lập nghiệp từ nghề này chắc chắn là sẽ thắng...".
Năm 2017, Hậu hăm hở mang theo ước mơ từ miền Nam trở về quê, quyết tâm xây dựng vườn dưa lưới. Thế nhưng nói thì dễ, mà bắt tay vào làm thì phải mất cả một năm dài chuẩn bị. Lúc đầu là phân tích, thuyết phục gia đình. Không ai có thể tin trồng loại cây chỉ trên một sào đất, và chỉ trong một năm lại thu lãi được cả trăm triệu đồng. Ai cũng bảo Hậu mơ tưởng viễn vông.
Nghe vậy, nhưng Hậu không thể vơi nhụt ý chí. Ngược lại, anh âm thầm vay mượn vốn, rồi đến thuê thợ làm chịu tiền công nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới và làm đất, mua giống. Đến khi cả nhà thấy không thể can ngăn được việc làm của Hậu thì mọi người mới đi vay tiền cho Hậu trả những thứ gì không thể mua chịu được.
Vất vả, ngổn ngang bao nhiêu chuyện, nhưng rồi Hậu cũng đã làm xong nhà lưới rộng 500m2, kể cả lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, kinh phí hết 150 triệu đồng, chi phí khác thêm 10 triệu nữa mới có thể đưa được hạt giống vào bầu ươm.
Đất chẳng phụ công người, nhờ thực hiện tốt việc chăm sóc dưa lưới bài bản, đúng kỹ thuật, cộng thêm kinh nghiệm thực tế do chính anh đã thu được trong thời gian đi làm thuê cho nhà hộ trồng dưa lưới ở miền Nam nên ngay năm đầu, trên diện tích 1 sào (500m2) nhà màng trồng dưa lưới, Hậu đã làm được 2 vụ, mỗi vụ thu được 1,8 tấn quả. Gíá bán năm ấy tư thương mua đến 45.000 đồng/kg, tổng tiền lãi coi như đã hoàn vốn cho công tác đầu tư ban đầu làm nhà lưới.
Kể từ năm thứ hai, cũng trên 500m2 nhà màng, Hậu đã thu lãi về hơn 100 triệu đồng từ việc trồng dưa lưới. Dưa lưới cứ tới kỳ thu hoạch là tư thương đến mua sỉ hết cả vườn. Nắm chắc phần thắng lợi, sang năm 2019, Hậu đã đầu tư làm nhà màng, mở rộng thêm các vườn dưa lên hơn 1ha.
Thấy Hậu trồng dưa lưới đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân trong và ngoài huyện liên tiếp đến tham quan và học hỏi mô hình. Không giấu giếm điều gì, mỗi lần thấy người dân đến Hậu đều bộc bạch tâm sự hết về cách làm kinh tế từ dưa lưới.
Lãi trăm triệu đồng không khó
Tháng 10/2019, thực hiện chủ trương của UBND huyện và xã, Hậu đã đứng ra thành lập Hợp tác xã dưa lưới Hậu Nguyên do Hậu làm giám đốc. Bước đầu đã có 32 thành viên trong huyện tham gia và diện tích trồng dưa lưới do các thành viên đăng ký là 4ha. Tất cả các thành viên của hợp tác xã đều được Hậu hướng dẫn cách làm nhà màng, tập huấn kỹ thuật tuần tự các bước từ làm đất, ươm giống và chăm sóc dưa lưới.
Hậu cho biết, trước hết nhà màng phải làm chắc chắn, màng lưới tứ bề khép kín để ngăn côn trùng bay vào, nhưng phải đảm bảo ánh sáng để cây đủ điều kiện quang hợp. Công tác làm đất phải sạch sẽ, tơi xốp, trộn đều phân hữu cơ vi sinh, luống đất cao ráo, thoát nước tốt. Trồng cây cách cây 40cm, luống cách luống 2m. Hệ thống tưới nhỏ giọt được dẫn tới từng gốc cây. Khi cây ra hoa, cùng với việc ngắt lá, bấm ngọn, sẽ đưa các tổ ong mật vào vườn để thụ phấn, và mỗi cây chỉ chọn lựa để lại một quả để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Hậu cho biết, đến nay, vườn dưa lưới của gia đình đã tăng lên 1,5ha, cùng với 4ha của các thành viên trong hợp tác xã đều phát triển tốt. Kinh phí làm nhà lưới ban đầu 300 triệu đồng/1.000m2 (trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 50 triệu đồng). Nhà màng sử dụng tới 10 năm sau mới phải làm lại.
Hàng năm, Hậu đều tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên sản phẩm của Hợp tác xã dưa lưới Hậu Nguyên sản xuất đến đâu đều được các siêu thị và tư thương thu mua hết, năm nay giá xuất tại vườn là 30.000 đồng/kg. Theo tính toán, 1 sào (500m2) đạt 1,8 tấn quả/vụ, có gia đình một năm thu hoạch được 3 vụ là đã có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu, hộ nào một năm trồng và thu hoạch 2 vụ thì chỉ mất một năm rưỡi là hoàn vốn. Các năm sau đó các nhà vườn chỉ việc mua giống, chăm sóc và thu tiền lãi. Với năng suất và giá cả như hiện tại, khiêm tốn tính mỗi năm thu 2 vụ, hiệu quả đem về từ 1ha dưa lưới là không hề nhỏ.
Hậu cho biết hiện anh đang dồn toàn tâm toàn lực phục vụ Hợp tác xã dưa lưới Hậu Nguyên đi lên, ngoài ra anh còn phải xuôi về huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), rồi đến cả huyện Thiệu Sơn (Thanh Hóa) để chuyển giao công nghệ và hướng dẫn nông dân trồng dưa lưới theo nhu cầu của bà con.
Ông Lê Viết Xường, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn) dẫn tôi đi thăm vườn dưa lưới của anh Bùi Trường Sơn, thành viên của Hợp tác xã dưa lưới Hậu Nguyên, anh Sơn bảo: "Cũng nhờ Hậu hướng dẫn kỹ thuật canh tác và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm mà tôi đã sản xuất thành công 1.000m2 dưa lưới, mỗi vụ trồng 2.500 cây, mỗi cây chỉ để 1 quả nặng 1,5 - 1,8kg. Vừa qua đã bán được 45.000 đồng/quả. Mỗi năm tôi làm 2 vụ, cũng thu lãi được hơn 200 triệu đồng. Có nhiều hộ trong Hợp tác xã còn thu lãi cao hơn vì làm được 3 vụ/năm. Mỗi lứa trồng dưa lưới chỉ mất 75 - 80 ngày.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Đàn, ông Lâm Văn Thắng phấn khởi: Dưa lưới của HTX Hậu Nguyên là mô hình rất hiệu quả, tuy nhiên không phải ở đâu và ai cũng làm được bởi công tác đầu tư lớn, đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao. Hơn nữa, nếu phát triển ở quy mô quá lớn, có thể khiến giá cả hạ thấp. Thế nên huyện cũng đã có quy hoạch cho từng xã, từng vùng tập trung sản xuất những mô hình phát triển kinh tế riêng.
“Anh Võ Văn Hậu, Giám đốc Hợp tác xã dưa lưới Hậu Nguyên thực sự là điển hình thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, đã được huyện và tỉnh khen ngợi. Hậu là một đảng viên trẻ, là Đại biểu HĐND huyện Nghĩa Đàn khóa XX nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã được huyện lựa chọn đi báo cáo điển hình sản xuất giỏi ở cấp tỉnh", ông Lâm Văn Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Đàn chia sẻ.