Không thua kém giống "dưa ngoại"
Hiện nay, sản xuất rau ở Việt Nam lệ thuộc đến 90% vào nguồn giống rau lai F1 nhập khẩu từ nước ngoài, riêng hạt giống dưa lưới gần như phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu do các công ty giống phân phối.
Trước thực trạng ấy, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ phải tập trung công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống rau, đặc biệt các giống rau lai F1 để giảm phụ thuộc vào nguồn giống nhập từ nước ngoài.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2015 đến nay, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) đã tập trung nguồn lực vào công tác chọn tạo các giống rau lai F1, trong đó có giống dưa lưới Hoàng Ngân. Việc ASISOV chọn tạo thành công giống dưa lưới Hoàng Ngân có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay giống dưa lưới sản xuất ở Việt Nam hầu hết lệ thuộc vào nguồn giống ngoại nhập.
Năm 2018, trên cơ sở nguồn vật liệu đã có, ASISOV bắt đầu nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo giống dưa lưới lai F1. Đến năm 2021, tổ hợp lai F1 Hoàng Ngân hoàn tất. Từ đó đến nay, ASISOV đã sản xuất hạt lai F1 giống dưa lưới Hoàng Ngân và tiến hành trồng khảo nghiệm tại một số địa phương trên địa bàn các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên như Ninh Thuận và Gia Lai, tập trung nhiều nhất tại Bình Định.
Theo ông Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, sau thời gian trồng khảo nghiệm, giống dưa lưới Hoàng Ngân đã cho kết quả rất khả quan. Dưa lưới Hoàng Ngân có thể trồng liên tục 3 vụ/năm. Dưa lưới Hoàng Ngân trồng trong nhà lưới trên giá thể trong túi bầu hoặc trồng trực tiếp trên nền đất, trong điều kiện nào cũng có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Giống dưa lưới Hoàng Ngân đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Định, chống chịu rất tốt với sâu bệnh hại.
“Giống dưa lưới Hoàng Ngân có hoa cái to, dễ đậu quả, quả đồng đều. Quả có dạng hình elip, chiều dài quả trung bình 22cm, đường kính quả 14cm; vỏ quả có màu vàng sáng đậm khi chín, lưới thưa; khối lượng trung bình quả dao động từ 1,6 - 2kg; ruột quả màu cam nhạt, rất giòn, ngọt; độ Brix phần thịt quả ăn được trung bình đạt 13,5% ºBrix, phần ruột quả từ 15 - 17% ºBrix.
Sau khi trồng từ 70 - 75 ngày, dưa lưới Hoàng Ngân cho thu hoạch. Năng suất trong điều kiện nhà màng đạt bình quân từ 3,5 - 4 tấn/1.000m2/vụ. Trong phân khúc dưa lưới vỏ vàng đang phổ biến trên thị trường, giống dưa lưới Hoàng Ngân không thua kém”, ông Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV chia sẻ.
Cho lãi 70 - 80 triệu đồng/1.000m2/vụ
Tại Bình Định, giống dưa lưới Hoàng Ngân của ASISOV được trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương, từ đồng bằng đến trung du. Từ năm 2021 đến nay, dưa lưới Hoàng Ngân được ASISOV liên tục trồng tại khu nhà lưới của Viện với diện tích trung bình 1.000m2/năm. Mô hình dưa lưới trồng tại Viện cho kết quả khả quan, khối lượng quả đạt từ 1,5 - 2kg/quả, năng suất bình quân đạt từ 3,5 - 4 tấn/1.000m2/vụ.
Đến năm 2022, ASISOV tiếp tục trồng thử nghiệm dưa lưới Hoàng Ngân trên diện tích 500m2 nhà lưới tại thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định). Mô hình sản xuất tại Diêu Trì cho kết quả còn khả quan hơn, đạt từ 1,6 - 2,1kg/quả, năng suất bình quân đạt từ 3,8 - 4,2 tấn/1.000m2/vụ.
Cùng thời gian này, ASISOV cũng tiến hành trồng thử nghiệm giống dưa này tại Trường Đại học Quang Trung (TP Quy Nhơn, Bình Định) với diện tích 200m2 bằng phương thức trồng trên giá thể, túi bầu trong nhà lưới, trọng lượng quả đạt từ 1,4 - 1,6kg/quả, năng suất bình quân đạt từ 3,2 - 3,5 tấn/1.000m2/vụ.
Đầu năm 2023, ASISOV tiếp tục trồng thử nghiệm tại huyện Phù Mỹ khoảng 500m2 dưa lưới Hoàng Ngân trong nhà lưới, khối lượng quả của mô hình này đạt từ 1,6 - 2kg/quả, năng suất bình quân đạt từ 3,8 - 4 tấn/1.000m2/vụ. Cũng đầu năm 2023, giống dưa lưới Hoàng Ngân được SISOV trồng thử nghiệm tại huyện trung du Hoài Ân với diện tích khoảng 400m2 nhà lưới, khối lượng quả đạt từ 1,5 - 2kg/quả, năng suất bình quân đạt từ 3,5 - 4 tấn/1.000m2/vụ.
“Qua các vụ sản xuất thử nghiệm ở tất cả các mô hình, sản phẩm dưa lưới Hoàng Ngân được người tiêu dùng chấp nhận và có phản hồi rất tích cực. Doanh thu trung bình ở các điểm khảo nghiệm đạt 140 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khi trừ chi phí, người trồng còn lãi từ 70 - 80 triệu đồng/1.000m2/vụ”, ông Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV cho hay.
Cũng theo ông Khuê, qua các mô hình thử nghiệm, giống dưa Hoàng Ngân cho thấy năng suất, sản lượng ổn định và đã thuyết phục được người tiêu dùng. Thời gian tới, ASISOV sẽ tập trung sản xuất giống hạt lai F1 dưa lưới Hoàng Ngân để phân phối ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Viện sẽ trực tiếp tổ chức sản xuất dưa lưới Hoàng Ngân thương phẩm chất lượng cao; đồng thời xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc để cung ứng sản phẩm dưa lưới ra thị trường.
“Viện sẵn sàng chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác cho các nhà vườn có nhu cầu phát triển giống dưa lưới Hoàng Ngân, cũng như sẽ xây dựng các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sau dưa lưới Hoàng Ngân, ASISOV sẽ tiếp tục thương mại hóa các giống rau lai F1 khác như dưa chuột thơm, khổ qua, bí đỏ… để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu của Viện vào phục vụ sản xuất”, ông Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV cho biết.