| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng đàn giống lợn ở vùng đồng bằng sông hồng đang ngày càng đi xuống

Thứ Hai 16/05/2016 , 13:15 (GMT+7)

Bên cạnh việc làm nóng thị trường trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn kiểu “hầm bà lằng”, ưa thích lợn mỡ, lợn già và cả lợn sữa của thị trường Trung Quốc cũng đang góp phần cổ súy cho tình trạng lỏng lẻo về chất lượng giống lợn trong nước.

Là một doanh nghiệp có thâm niên chăn nuôi lợn lâu năm, ông Trần Hồng Hà, GĐ Cty Cổ phần Chăn nuôi Alpha (huyện Văn Giang, Hưng Yên) không khỏi ái ngại trước tình trạng người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn từ đầu năm 2016 trở lại đây khi thị trường thịt lợn XK sang Trung Quốc tăng đột biến.

Theo ông Hà, thời gian qua, do thương lái Trung Quốc thích loại lợn mỡ cỡ lớn (trên 100kg/con) nên nhiều trang trại đã ồ ạt tăng đàn, bất kể giống lợn gì.

Một số công ty trước đây vốn không hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thậm chí đang chăn nuôi gia cầm cũng phá đàn, chuyển sang nuôi lợn.

Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm 2016 đến nay, tổng đàn lợn cả nước đã tăng nóng thêm ít nhất 2 triệu con. Trong số này, khó có thể khẳng định nguồn giống đảm bảo chất lượng.

“Nuôi lợn khác với nuôi gia cầm, ngoài vốn lớn, việc kiểm soát chất lượng con giống phải là một chu trình khép kín, không phải thích tăng đàn là được ngay.

Vì vậy với các trang trại đã trót vào nuôi các giống lợn mỡ, không đảm bảo chất lượng, tỉ lệ nạc thấp, trong bối cảnh Trung Quốc ngừng thu mua, sẽ vô cùng tai hại, bởi thị trường trong nước rất khó tiêu thụ loại lợn này”,  vị này cảnh báo.

Ông Lê Bá Lịch, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, ngoài tác dụng chỉ làm sốt thị trường chăn nuôi trong ngắn hạn, đặc thù thị hiếu tiêu thụ thịt lợn qua thị trường Trung Quốc quá dễ dãi như thích lợn mỡ, lợn già, lợn cỡ to trên 100kg/con đang góp phần cổ vũ cho sự lỏng lẻo trong quản lí chất lượng đàn lợn giống trong nước.

Theo ông Lịch, vùng ĐBSH là minh chứng rõ nhất cho điều này. Bởi đây từng là vùng có chất lượng đàn giống lợn tốt nhất nước, nhưng cùng với trào lưu thường xuyên cung cấp lợn để XK sang thị trường Trung Quốc, chất lượng đàn giống lợn của vùng này đang ngày càng đi thụt lùi một cách rất đáng ngại.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tính đến năm 2015, cả nước đang phải duy trì tới hơn 75 nghìn con lợn đực giống, trong đó riêng vùng ĐBSH có gần 11 nghìn con. Trong số này, số lợn đực giống khai thác tinh để phục vụ thụ tinh nhân tạo chỉ có hơn 1.000 con, chiếm chưa đầy 10%, còn lại 90% số lợn đực giống của vùng này là nhảy trực tiếp.

Trong khi đó, các tỉnh phía Nam như vùng ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ hiện nay đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thụ tinh nhân tạo.

Cụ thể vùng Đông Nam Bộ hiện là vựa chăn nuôi lợn của cả nước, nhưng vùng này chỉ có khoảng hơn 4.000 lợn đực giống (bằng 40% so với vùng ĐBSH), trong đó tỉ lệ lợn đực khai thác tinh chiếm tới 88% (tỉ lệ này của vùng ĐBSCL là 45% và vùng Tây Nguyên là 33,6%).

Theo ông Lịch, một số tỉnh vùng ĐBSH có đàn lợn lớn trước đây như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… từng là vùng có tỉ lệ thụ tinh nhân tạo hàng đầu cả nước, thì nay lại đang là các tỉnh thuộc nhóm bét bảng về thụ tinh nhân tạo.

Cụ thể, một số tỉnh có “truyền thống” nuôi lợn mỡ để XK đi Trung Quốc cũng là các tỉnh có tỉ lệ thụ tinh nhân tạo gần như “zê-rô” như: Hà Nam chỉ có 24/724 con đực khai thác tinh, đạt 3,3%; Nam Định có 80/1.700 con đực khai thác tinh, đạt 4,7%; Thái Bình đạt 21%; Hải Dương đạt 12%; Ninh Bình 10%...

Do năng suất sinh sản của đàn nái rất thấp, các tỉnh ĐBSH cũng là địa bàn phải duy trì số lượng lợn nái vào tốp đầu cả nước. Cụ thể chỉ 5 tỉnh gồm Hà Nam, Nam Định, Thái Bình Ninh Bình và Bắc Giang hiện có tổng cộng tới gần 17% tổng đàn nái cả nước với gần 680 nghìn con.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.