| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng vải thiều vượt trội, thị trường rộng mở

Thứ Tư 25/05/2022 , 18:34 (GMT+7)

Cam kết hỗ trợ tối đa nguồn lực, đảm bảo các dịch vụ hậu cần, tỉnh Bắc Giang mong muốn đưa vải thiều đến nhiều thị trường quốc tế hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ hai từ phải) cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương cắt băng xuất hành tiêu thụ vải thiều năm 2022. Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ hai từ phải) cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương cắt băng xuất hành tiêu thụ vải thiều năm 2022. Ảnh: Đức Minh.

Coi trọng tất cả thị trường

Ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và một số cơ quan chức năng nước ngoài tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều. 

Trước hơn 60 điểm cầu trong và ngoài nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn nhấn mạnh về chất lượng vải thiều năm nay. Theo ông Tuấn, năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng, chất lượng vải thiều có thể xem là cao nhất từ trước đến nay.

So với vụ 2021, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm khoảng 40.000 tấn. Thay vào đó, tỉnh chú trọng chất lượng, nâng cao giá trị cho quả vải cũng như đời sống của bà con nông dân.

"Tỉnh Bắc Giang coi trọng tất cả các thị trường. Thị trường nào cũng quan trọng, cả trong nước lẫn xuất khẩu. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành và địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, đến kết nối tiêu thụ", ông Tuấn nói.

Vụ vải thiều sớm cho thu hoạch rộ từ ngày 20/5, trên diện tích khoảng 6.750 ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn. Vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6, với khoảng 21.250 ha và sản lượng khoảng 120.000 tấn. Ông Tuấn cho rằng đây là con số lớn, đòi hỏi các bên liên quan sẵn sàng với phương châm: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều chất lượng cao, vượt trội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương phát biểu kết luận hội nghị xúc tiến vải thiều. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương phát biểu kết luận hội nghị xúc tiến vải thiều. Ảnh: Bảo Thắng.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận xét, hội nghị xúc tiến là hoạt động thường niên, cần duy trì, bởi đây là cơ hội nâng cao hình ảnh, quảng bá cho vải thiều trên trường quốc tế.

Dựa trên đà thành công của năm 2021, khi Bắc Giang tiêu thụ được hơn 200.000 tấn vải với giá từ 20.000 - 25.000 đ/kg, ông Hải lưu ý tỉnh chú trọng hơn nữa đến các kênh thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

"Bắc Giang đã có nhiều bài học từ các mùa vụ thành công, nhất là năm 2021. Tôi hoàn toàn tin tưởng, rằng tỉnh sẽ có phương án tiêu thụ vải thiều hợp lý, sát thực tiễn. Bộ Công thương hứa hỗ trợ nguồn lực tối đa trong việc cập nhật thông tin, thị hiếu tiêu dùng của thị trường các nước xuất khẩu", Thứ trưởng Hải bày tỏ.

Ông Lý Thạc, Phó Giám đốc Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cam kết phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh biên giới Việt Nam về việc liên tục cập nhật các phương án thông quan hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện hiệu quả thông quan tại 7 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị xúc tiến ngày 25/5 được ông Lý xem là một dịp thúc đẩy tình hữu nghị giữa các địa phương biên giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại song phương giữa hai nước. Lãnh đạo tỉnh Quảng Tây hy vọng, giá trị xuất khẩu vải thiều năm 2022 sẽ vượt năm ngoái (139 triệu tệ vải tươi, và 152 triệu tệ vải sấy).

Ngoài ra, ông Lý Thạc đề nghị Việt Nam có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nhất là chế biến sâu. Với tỉnh Bắc Giang, ông đề nghị tăng cường quản lý chất lượng vải thiều, và có những hướng dẫn doanh nghiệp để phân luồng xuất khẩu vải thiều, tránh gây ùn tắc, đảm bảo chuỗi cung ứng thương mại xuyên biên giới thông suốt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Thế Thi tại vườn vải xã Nam Dương. Ảnh: Đức Minh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Thế Thi tại vườn vải xã Nam Dương. Ảnh: Đức Minh.

Hỗ trợ tối đa nguồn lực

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phi Thoàn, Giám đốc điều hành Công ty JV Solutions tại Nhật Bản cho biết, vải thiều Bắc Giang có vị ngọt, hương thơm đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Ngoài ra, vải thiều là loại trái cây được mong đợi nhất vào mùa hè tại Nhật Bản, theo ông Thoàn. Ngay từ dịp tết Nguyên đán, một số đơn vị xuất khẩu vải thiều vào thị trường này đã lên kế hoạch nhập hàng và chào bán.

Hội nghị xúc tiến vải thiều 2022 là lần thứ 3 Bắc Giang tổ chức theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương khẳng định, chất lượng là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, canh tác mở rộng các vùng trồng vải. Các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP và chứng nhận hữu cơ ngày càng mở rộng.

Ông Dương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước khi tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ vải thiều. Ngoài ra, những dịch vụ hậu cần liên quan như nguồn vốn, điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, kho bãi, các điểm cân, mua vải thiều tập trung... cũng đồng loạt được đầu tư, nâng cấp.

“Để đưa nông sản đi xa hơn, chúng ta cần nâng chất lượng cao hơn; song song với xây dựng thương hiệu là bảo vệ thương hiệu. Đó là trách nhiệm chung của địa phương, người dân và doanh nghiệp", ông Dương kết luận.

Song song với hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh Bắc Giang chủ trương tăng cường quảng bá, phát triển du lịch dựa trên lợi thế sẵn có từ những vườn vải. Tại huyện Lục Ngạn - vựa vải chính của tỉnh - UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình du lịch với chủ đề “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022, diễn ra từ giờ đến hết tháng 7.

Du khách đến các vườn vải được liên kết trong chương trình sẽ trải nghiệm du lịch sinh thái cùng nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, huyện phối hợp với các địa phương lân cận tại Bắc Ninh, Hải Dương xây dựng các tour du lịch nhằm thu hút khách tham quan nhân dịp nghỉ hè.

Một số nhà vườn trên đảo, ven các hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, Bầu Lầy, Làng Thum sẽ được ưu tiên trong thời gian tới. 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.