Xoay sở đủ nghề sau mất việc
Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, đơn hàng gia công sản xuất cho thị trường nước ngoài bị sụt giảm, dẫn đến một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP.HCM buộc phải cắt giảm lao động khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, chật vật mưu sinh để có thể trụ lại ở “hòn ngọc Viễn Đông”.
Trong đợt cắt giảm đầu năm 2023, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) đã chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận với 2.358 công nhân do đơn hàng bị sụt giảm. Ngoài ra, có khoảng 3.000 công nhân hợp đồng từ 1 - 3 năm hết hạn và Công ty sẽ không tái ký hợp đồng lao động, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của hàng ngàn gia đình lao động.
Đối với nhóm lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, PouYuen hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc. Tổng số tiền chi trả cho số lao động này là 275 tỷ đồng. Trong khi đó, khoảng 3.000 công nhân không tái ký hợp đồng lao động sẽ không nhận được khoản trợ cấp này.
Chị Hoàng Thị T. L. (45 tuổi, quê ở Đồng Tháp) đã có hơn 20 năm kinh nghiệp trong ngành da giày và gắn bó với PouYuen Việt Nam suốt mấy chục năm nay, thế nhưng trong đợt cắt giảm hồi cuối tháng 2 vừa qua, chị là một trong số những người bị cho thôi việc.
“Tôi nằm trong số những người lớn tuổi bị cho thôi việc. Cùng đợt với tôi có tới 83% là nữ, trong đó khoảng 54% trên 40 tuổi như tôi; có khoảng 39% ở độ tuổi 30 - 40 tuổi và đa số là những người có thâm niên từ 10 - 15 năm, thậm chí là 15 năm trở lên”, chị L. cho hay.
Chia sẻ về dự định sắp tới, chị L. cho biết, hơn một tháng nay chị nhận làm bất cứ việc gì, miễn có tiền mà không phạm pháp để trang trải tiền trọ, tiền ăn và còn gửi về quê cho gia đình.
“Có lúc thì rửa bát thuê tại các quán nhậu, phụ quán cơm, giúp việc nhà, ai kêu gì làm nấy, không nề hà chi cả. Tôi cũng định xin vào một công ty về may mặc vì mình đã có tay nghề, nhưng từ bữa tới giờ chưa tìm được nơi nào phù hợp vì nhiều nơi không chịu thuê mướn lao động lớn tuổi như tôi. Trong đợt nghỉ việc này, tôi được Công ty hỗ trợ 132 triệu đồng, nếu cộng với tiền nhận bảo hiểm thất nghiệp thì cũng có một chút vốn gửi tiết kiệm.
Nếu xin được việc, tôi sẽ đóng tiếp bảo hiểm xã hội, còn không xin được việc thì tôi dự tính sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần, cùng với số tiền Công ty hỗ trợ và tiền trợ cấp thất nghiệp làm vốn về quê làm ăn để gần con cái và cha mẹ già. Chứ ở đây, cái gì cũng phải chi mà không có việc làm ổn định thì không thể nào cáng đáng nổi”, chị L. nhìn xa xăm nói.
Chúng tôi tìm đến xóm trọ công nhân tại Khu phố 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân vào một buổi tối đầu tháng 4 thì gặp chị Lê Thị H. (48 tuổi) đang sắp xếp lại quầy hàng nhu yếu phẩm phục vụ những công nhân cùng xóm trọ.
Vừa làm, chị H. vừa nói kể: “Trước đây, tôi cũng làm việc tại PouYuen, nhưng đã nghỉ việc sau lần cắt giảm lao động từ 3 năm nay. Lúc đầu cũng làm thêm nhiều việc khác, sau đó tôi rút bảo hiểm xã hội một lần rồi ra mở tiệm tạp hóa con con này kiếm đồng ra đồng vào. Tiết kiệm lắm thì mới đủ chi tiêu. Xóm này công nhân ai cũng nghèo cả. Nhiều người vừa bị công ty cho nghỉ việc cũng rất khó khăn, thường đến đây mua chịu”, H. nói.
Năm 2022, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (ScocialLife) đã tiến hành khảo sát 1.200 người lao động và cho thấy, có tới hơn 50% có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi ngưng việc để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Lợi trước mắt, nhưng tuổi già về đâu?
Là một trong những doanh nghiệp có số công nhân lớn nhất TP.HCM, Công đoàn Công ty PouYen Việt Nam cũng đã nhiều lần tuyên truyền cho người lao động về cái được và mất của việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho biết, dù tuyên truyền nhiều, nhưng nhiều công nhân khi đã làm việc từ 19 - 20 năm vẫn có ý định xin nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó sẽ tìm công việc mới.
“Số lượng này ở PouYuen mỗi tháng cũng khoảng 500 - 600 người (chiếm 1 - 1,2% tổng số lao động). Nhiều người thấy lợi trước mắt mà không nghĩ đến lâu dài. Về già có lương hưu vẫn tốt hơn là phải phụ thuộc con cái”, ông Nghiệp nói và cho biết thêm, nhiều người có thời gian đóng bảo hiểm từ 19 - 20 năm với mức lương cơ bản hơn 10 triệu đồng, nếu rút bảo hiểm xã hội một lần thì được khoảng 130 - 140 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu ở lại làm việc thì tiền lương và tiền thưởng các ngày Lễ Tết cũng nhiều hơn con số đó. Mặt khác, không phải người nào cũng có thể tìm được công việc mới phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, từ nửa cuối năm ngoái, nhiều công ty bắt đầu giảm đơn hàng, cắt giảm lao động. Những trường hợp này sẽ đủ điều kiện để rút bảo hiểm từ nửa cuối năm nay.
Nhìn vào số người rút bảo hiểm một lần có thể thấy được tình hình kinh tế một năm trước đó. Như giai đoạn năm 2020 - 2021, khi dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, số lao động chấm dứt hợp đồng tăng cao, từ đó dẫn đến số người nhận bảo hiểm ở cùng kỳ năm sau tăng theo. Còn nửa đầu năm 2022, khi kinh tế phục hồi tốt, số người mất việc ít nên đầu năm nay số người nhận trợ cấp cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, theo ông Hà, việc rút bảo hiểm xã hội một lần không phải là giải pháp tối ưu. Để hạn chế được tình trạng số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến sửa đổi Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, qua đó khuyến khích người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại, bất lợi khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến độ bao phủ bảo hiểm xã hội và gia tăng số lao động đến tuổi nghỉ hưu không có lương hưu.
Nỗ lực kết nối, tìm việc mới cho người lao động mất việc
Theo bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM), ngay tại thời điểm có thông tin cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp, được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm phối hợp với các đơn vị có liên quan đã triển khai công tác tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vẫn hỗ trợ học nghề cho người lao động, hướng dẫn các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo sự thuận lợi cho người lao động.
Trong trường hợp người lao động có nhu cầu về quê sinh sống thì hướng dẫn cho người lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương để hưởng trợ cấp. Việc mời doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng phù hợp đến kết nối việc làm ngay tại đơn vị cắt giảm lao động số lượng lớn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người lao động.
“Hoạt động này bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lao động đã nhận được việc làm và sẽ chuyển sang nơi làm việc mới ngay khi kết thúc hợp đồng lao động, không gián đoạn thời gian. Đây sẽ là hoạt động được Trung tâm chú trọng đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn tới”, bà Kiều Phượng cho hay.