| Hotline: 0983.970.780

Châu Âu loay hoay chống Covid-19: Lựa chọn khó của chính phủ Anh

Thứ Năm 19/03/2020 , 09:35 (GMT+7)

Thay đổi chiến lược hay 250.000 người dân sẽ chết vì “đại dịch thảm khốc” Covid-19, đây là câu hỏi mà chính phủ Anh đang phải đối mặt.

Bệnh viện Hoàng gia Victoria ở Newcastle-upon-Tyne, nơi các bệnh nhân nCoV đầu tiên của Anh được điều trị. Ảnh: AFP.

Bệnh viện Hoàng gia Victoria ở Newcastle-upon-Tyne, nơi các bệnh nhân nCoV đầu tiên của Anh được điều trị. Ảnh: AFP.

Thông điệp được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu Anh đang mô hình hóa dịch bệnh để trả lời các câu hỏi Covid-19 đang lây lan như thế nào, Bộ Y tế sẽ trở nên quá tải ra sao trước cuộc khủng hoảng và bao nhiêu người sẽ chết vì nCoV nếu chính phủ không có phương pháp đối phó phù hợp, theo BBC.

Tình hình dịch bệnh tại Anh đang thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng tiêu cực khi mà số ca nhiễm nCoV mới không ngừng gia tăng trong những ngày gần đây. Anh tính đến ngày 18/3 ghi nhận hơn 1.900 ca nhiễm và 71 ca tử vong. Tuy nhiên, từ trước đó rất lâu, các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng có thể gặp phải nếu các nước không dốc toàn lực chống dịch.

Bằng chứng mới nhất về sự nguy hiểm của Covid-19 được các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London (ICL) đưa ra. Họ là những người đầu tiên nhận ra quy mô vấn đề ở Trung Quốc và những lời khuyên, đánh giá từ họ luôn có tác động mạnh mẽ tới chính phủ Anh.

Theo ICL, Covid-19 là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nguy hiểm nhất được thấy ở một loại virus hô hấp kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến nay.

Các nhà khoa học ICL đã đánh giá ba chiến lược đối phó với dịch bệnh gồm: Đàn áp (phá vỡ chuỗi lây nhiễm, lần theo dấu vết lây lan để chặn đứng virus và đưa số ca nhiễm giảm xuống thấp nhất có thể, như cách Trung Quốc đã thực hiện); Giảm thiểu (chấp nhận rằng không thể ngăn chặn hoàn toàn virus, vì thế tìm cách làm chậm tốc độ lây lan và tránh để dịch bệnh đạt đỉnh quy mô gây quá tải cho hệ thống y tế, đồng thời bảo vệ những người có nguy cơ tiến triển nặng nhất, như cách Anh thực hiện hồi tuần trước) và không làm gì để virus lây lan tự nhiên trong dân số.

Phải đến hôm 13/3, cố vấn khoa học cho chính phủ Anh Patrick Vallance mới giải thích về kế hoạch giảm thiểu với BBC.

Thủ tướng Anh Borris Johnson trong một cuộc họp báo về Covid-19 ở London, ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Borris Johnson trong một cuộc họp báo về Covid-19 ở London, ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

“Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng làm giảm đỉnh dịch, không triệt tiêu hoàn toàn”, ông nói. “Mặt khác, vì đại đa số người dân đều chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ, chúng tôi muốn xây dựng cái gọi là miễn dịch cộng đồng để có nhiều người miễn dịch với căn bệnh này hơn”.

Nếu chiến lược giảm thiểu của chính phủ phát huy tác dụng, Anh sẽ tránh được việc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa diện rộng mà nhiều quốc gia đang thực hiện và xây dựng khả năng miễn dịch cho cộng đồng, giúp hạn chế đáng kể sự lây lan của virus.

Chiến lược giảm thiểu có sử dụng một số biện pháp cách ly xã hội, trong khi chiến lược đàn áp đẩy mạnh sử dụng chúng, bao gồm hạn chế đi lại và mở rộng thời gian cách ly.

Đánh giá của ICL chỉ ra rằng nếu chính phủ Anh không làm gì, 81% dân số sẽ bị nhiễm nCoV và 510.000 người sẽ chết vì virus, tính đến tháng 8/2020. Chiến lược giảm thiểu cho kết quả khả quan hơn nhưng vẫn sẽ khiến khoảng 250.000 người chết và gây quá tải cho hệ thống y tế.

Những gì diễn ra ở Italy kết hợp với tình trạng các ca nhiễm đầu tiên ở Anh đã dẫn tới nhận thức rõ ràng này.

Phân tích từ ICL ước tính số ca cần chăm sóc tích cực sẽ “vượt giới hạn ít nhất 8 lần” ngay cả trong kịch bản chiến lược giảm thiểu phát huy tác dụng tích cực nhất.

“Ngay cả với các biện pháp can thiệp đã được lên kế hoạch và công bố tuần trước, vẫn có nguy cơ những đơn vị chăm sóc tích cực sẽ bị quá tải”, giáo sư Neil Ferguson từ ICL cho hay.

Báo cáo kết luận “đàn áp là chiến lược khả thi duy nhất ở thời điểm hiện tại” với hy vọng số người chết vì nCoV sẽ dừng lại ở vài nghìn hoặc vài chục nghìn người.

Chính phủ luôn tuyên bố họ làm theo khoa học và khoa học đã thay đổi về cơ bản, cây bút James Gallagher từ BBC đánh giá. “Vậy nên, chúng ta nên tạm biệt các quán rượu, câu lạc bộ và rạp hát, chuyển sang làm việc ở nhà và cách ly toàn bộ hộ gia đình nếu có bất cứ ai trong nhà nhiễm bệnh”, ông nói.

Tuy nhiên, biện pháp đàn áp cũng đi kèm một số vấn đề. Nó đòi hỏi phải đóng cửa nhiều phần của xã hội và không có chiến lược thoát ra.

Khi số người nhiễm ít, đồng nghĩa khả năng miễn dịch của cộng đồng cũng giảm và số ca nhiễm sẽ tăng trở lại sau khi các biện pháp giới hạn được xóa bỏ.

Báo cáo của ICL cho rằng vaccine chống nCoV sẽ được sản xuất đại trà trong vòng 18 tháng nữa nhưng không có gì chắc chắn về điều này. Một điều cần lưu ý là những nhận định ICL đưa ra tất cả đều dựa trên các mô hình toán học. Họ đề xuất các giả định và chúng chắc chắn không hoàn hảo.

nCoV chỉ mới xuất hiện và thế giới vẫn đang cố gắng tìm hiểu nó. Tuy nhiên, tiến sĩ Adam Kucharski, người cũng tham gia mô hình hóa Covid-19 nhưng không thuộc đội ngũ ICL cho rằng dịch bệnh hiện nay “không có giải pháp đơn giản” để giải quyết nó. “Đây là dịch bệnh khó khăn nhất mà tôi từng phân tích”, ông nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.