Là một trong những tỉnh có lực lượng tàu cá lớn nhất nước nên vướng mắc lớn nhất của Bình Định trong việc gỡ "thẻ vàng" là vấn nạn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra.
Từ năm 2020 đến nay, Bình Định có 34 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Riêng 9 tháng đầu 2022, Bình Định có thêm có 7 tàu cá vi phạm. Ngành chức năng đã xử phạt 18 trường hợp với số tiền 16,2 tỷ đồng và tịch thu xung công quỹ 2 tàu cá.
Một vướng mắc khác là hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá tàu cá chưa ổn định, nhiều tàu bị mất kết nối, hoặc gián đoạn kết nối khi đang đánh bắt ngoài khơi, nhiều tàu vượt ranh giới bị ngành chức năng cảnh báo. Công tác quản lý tại cảng cá còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực trầm trọng, trong khi mỗi mùa trăng, tàu cá cập bờ bán sản phẩm nườm nượp nên chưa giám sát được sản lượng toàn bộ tàu thuyền cập cảng…
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, nguyên nhân còn xảy ra tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm IUU do một số ngư dân vì lợi ích kinh tế cá nhân đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nhiều chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển tàu và tự tổ chức đánh bắt nên thuyền trưởng cố tình xâm phạm vùng biển các nước khác để khai thác hải sản bất hợp pháp để nhanh đạt sản lượng.
Đặc biệt, tất cả chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến tại các cảng cá ngoài tỉnh, tập trung ở miền Nam, nhiều năm liền không đưa tàu cá về địa phương nên ngành chức năng không thể tiếp cận để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định.
Trước khi Ðoàn Thanh tra của EC sang làm việc tại Việt Nam, dù không biết phía EC có chọn Bình Định để kiểm tra hay không, nhưng UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở NN-PTNT tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể từng vấn đề mà EC khuyến nghị nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Từ nay đến ngày 10/10, ngành chức năng Bình Định sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, hoàn tất việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tất cả các tàu cá của ngư dân trong tỉnh. Tính đến nay, Bình Định đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 4.841/5.815 tàu cá, còn lại 974 tàu chưa cấp giấy phép.
Ngành nông nghiệp Bình Định cũng đồng thời rà soát lại toàn bộ thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá có chiều dài trên 15m, tăng cường theo dõi tín hiệu của các thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá để xác định vùng biển tàu đang đánh bắt, vị trí tàu đang neo đậu, nắm bắt chặt chẽ thông tin của các tàu cá đang hoạt động trên biển.
Trên bờ, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo ban quản lý các cảng cá phải tăng cường quản lý tàu cá ra vào cảng, kiểm tra chặt chẽ việc bốc dỡ hải sản lên cảng, giám sát và xác nhận nguồn gốc sản phẩm tại cảng đúng quy định.
Các Tổ IUU trong và ngoài tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cập bến, xuất bến. Tăng cường kết nối thông tin với các tỉnh phía Nam, nơi có tàu cá Bình Định hoạt động để phối hợp quản lý tốt đội tàu cá “lưu vong” tại các cảng cá ở đây, tiếp nhận nhanh và kịp thời các vấn đề phát sinh để xử lý.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT Bình Định cùng các Sở, ngành liên quan và các địa phương ven biển có tàu cá đánh bắt xa bờ tập trung vào những giải pháp thật cụ thể, nỗ lực tối đa để khắc phục những vướng mắc còn tồn đọng trong công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
“Chúng tôi đã chỉ đạo Sở NN-PTNT Bình Định thành lập các tổ kiểm tra đi về các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều tàu cá vi phạm như xã Cát Minh, thị trấn Cát Tiến của huyện Phù Cát để phối hợp, triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU. Tăng cường công tác tuyên truyền giúp ngư dân nhận biết được việc đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài vừa chuốc hại cho bản thân, gia đình còn làm ảnh hưởng đến kinh tế và hình ảnh của đất nước”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, cho hay.