| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn đánh bắt vi phạm IUU

Gặp gỡ ngư dân Bình Định 'lưu vong'

Thứ Hai 26/09/2022 , 08:16 (GMT+7)

Theo đoàn liên ngành Bình Định vào miền Nam, chúng tôi có dịp gặp gỡ những ngư dân đang tá túc tại các cảng cá ở đây và được nghe nhiều tâm sự trải lòng…

Tìm kiếm ngư trường nhiều nguồn lợi thủy sản

Để gặp gỡ ngư dân Bình Định đã lâu không cho tàu về địa phương, đoàn công tác liên ngành của tỉnh phải chọn thời điểm rằm tháng 7 âm lịch để thực hiện chuyến “hành phương Nam” gặp gỡ ngư dân nhằm tuyên truyền, vận động bà con “nói không” với đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Thời điểm này các tàu cá đánh bắt xa bờ sẽ cập bờ để bán sản phẩm.

Tàu của ngư dân Bình Định neo đậu ken dày trên sông Tiền (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Tàu của ngư dân Bình Định neo đậu ken dày trên sông Tiền (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác liên ngành Bình Định là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có hơn 1.000 tàu cá của ngư dân Bình Định thường xuyên lấy các cảng cá làm nơi “tá túc” để hoạt động nghề biển. Tại đây, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Bình Định đã cùng Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cuộc gặp mặt những ngư dân “lưu vong”. Lòng tôi nghĩ, đa số những tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt xâm phạm vùng biển bị nước ngoài bắt giữ trong thời gian qua đều xuất phát tại đây, chưa chắc cuộc gặp mặt đã có người tham dự bởi… mặc cảm. Thật không ngờ, hàng trăm ngư dân đến ngồi chật kín cả hội trường háo hức chờ đợi buổi làm việc của ngành chức năng 2 tỉnh.

Tại Bến Đình (TP Vũng Tàu), hầu hết những ngư dân chúng tôi hỏi thăm đều ở huyện Phù Cát, nhiều nhất là ở xã Cát Minh. Hỏi vì sao phải chọn Vũng Tàu làm nơi “tá túc” để hoạt động, các ngư dân đều cho rằng do nguồn lợi thủy sản của ngư trường vùng biển phía ngoài ngày càng cạn kiệt, vào Vũng Tàu hoạt động để tiện đánh bắt tại ngư trường Đông Nam bộ, nơi còn phong phú các loài cá. Khi hỏi vì sao những trường hợp đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài thường xuất phát tại Vũng Tàu, nhiều ngư dân bộc bạch, trong thời gian gần đây, lực lượng tàu giã cào đã “cào” hết nguồn lợi thủy sản của vùng biển Đông Nam bộ, thậm chí phá vỡ cả những rạn san hô, nơi trú ngụ, sinh sôi của các loài cá nên nguồn lợi thủy sản trên vùng biển ở đây cũng đã dần cạn kiệt.

Ngư dân Đỗ Văn Trinh (44 tuổi) ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn) thuyền trưởng tàu cá BĐ 96927 TS trò chuyện với đoàn công tác liên ngành tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Đỗ Văn Trinh (44 tuổi) ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn) thuyền trưởng tàu cá BĐ 96927 TS trò chuyện với đoàn công tác liên ngành tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Trong quá trình đánh bắt, có tàu gặp luồng cá theo con nước từ vùng biển Việt Nam kéo sang vùng biển nước ngoài, do ham cá, tàu của ngư dân Việt Nam đuổi theo đánh bắt nên xâm phạm vùng biển nước ngoài lúc nào không biết. Cũng có ngư dân bộc bạch, hiện vẫn có nhiều chủ tàu chủ động cho tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt để đạt sản lượng. Vùng biển Đông Nam bộ giáp với Malaysia và Indonesia nên tàu cá của ngư dân Bình Định thường bị lực lượng chấp pháp trên biển của 2 nước này bắt giữ.

Theo tâm tư của nhiều chủ tàu cá Bình Định hoạt động tại đây, sự quyết liệt của các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác chống khai thác IUU cũng đã khiến nhiều chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá nếu trong đầu manh nha ý tưởng muốn làm liều cho tàu đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài để kiếm nhiều cá cũng phải chờn. Nhất là khi Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan lập chuyên án điều tra một số vụ việc liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài để đưa ra truy tố.

Vợ của ngư dân Đỗ Văn Trinh, thuyền trưởng tàu BĐ 96927 TS, vào thăm chồng đang dọn dẹp chiếc tàu cá. Ảnh: V.Đ.T.

Vợ của ngư dân Đỗ Văn Trinh, thuyền trưởng tàu BĐ 96927 TS, vào thăm chồng và dọn dẹp chiếc tàu cá. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ cực đời ngư phủ “lưu vong”

Ở Tiền Giang, tại điểm neo đậu phường Tân Long (TP Mỹ Tho), lúc chúng tôi đến đã nhìn thấy hàng chục tàu cá mang biển kiểm soát Bình Định neo đậu san sát nhau. Theo cán bộ ngành thủy sản Tiền Giang hướng dẫn đoàn công tác Bình Định đi thực địa, đây là thời điểm tàu cá sẽ liên tục cập bờ vì đã đến mùa trăng.

Leo lên chiếc tàu cá mang số hiệu BĐ 96927 TS (450CV), chúng tôi gặp anh Đỗ Văn Trinh (44 tuổi) ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn) là thuyền trưởng, tài công đang cùng vợ dọn dẹp boong tàu. Anh Trinh cho biết, chủ tàu BĐ 96921 TS là ngư dân Lý Hoài Si ở phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn), anh Trinh là 1 trong 3 phần hùn để đóng chiếc tàu cá này.

Anh Trinh tâm sự: Sở dĩ tàu BĐ 96927 TS chọn vùng biển Đông Nam bộ để hoạt động là do ngư trường trong này dễ làm, tàu hành nghề lưới vây, thường hoạt động phía dưới đảo Côn Sơn khoảng hơn 100 hải lý, vùng biển này phong phú nguồn lợi thủy sản, gồm cá bạc má, cá nục, cá tráo, cá ngừ, cá thu, mực đất, cá trác, cá ngân, cá chim, cá sòng… đánh giác lưới lên có đủ các loại cá, mỗi thứ một ít nên tàu có thu nhập. Hơn nữa, từ Tiền Giang ra ngư trường đánh bắt chỉ khoảng 200 hải lý, còn nếu xuất bến từ Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) ra đến ngư trường Trường Sa phải hơn 300 hải lý, tốn chi phí nhiên liệu cao hơn.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trò chuyện cùng ngư dân “lưu vong” tại Tiền Giang trên sông Tiền. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trò chuyện cùng ngư dân “lưu vong” tại Tiền Giang trên sông Tiền. Ảnh: V.Đ.T.

Trước khi tàu cập bờ vào ngày 8/8, thuyền viên trên tàu BĐ 96927 TS liên lạc cho vợ biết thời gian tàu sẽ về đến Tiền Giang, thế là các bà vợ lập tức lên xe “Nam tiến” để thăm chồng. Sau khi bán sản phẩm, 13 thuyền viên đi bạn trên tàu BĐ 96927 TS có người đã cùng vợ về căn nhà thuê để nghỉ ngơi, có người lên xe về quê thăm gia đình, riêng anh Trinh cùng vợ ở lại trông coi tàu, vợ cũng theo anh xuống tàu dọn dẹp, nấu ăn hàng ngày.

“Từ tết đến giờ chuyến biển này có thu nhập khá nhất. Những mẻ lưới đầu chúng tôi bán hết ngoài biển cho thương lái đi tàu hậu cần ra thu mua, chỉ những mẻ cá cuối chuyến biển chúng tôi mới ướp mang về bờ bán. Nếu muối hết, cá mang về bờ bán sẽ mất chất lượng, bán giá rẻ. Chuyến này chúng tôi bán ngoài biển khoảng 13 tấn, mang về bờ 2 tấn, giá bình quân 20.000 đồng/kg. Những chuyến trước đánh bắt được ít hơn, vừa đủ bù phí tổn mỗi chuyến biển khoảng 200 triệu đồng”, anh Trinh cho hay.

Vợ của ngư dân Bình Định vào Tiền Giang thăm chồng. Ảnh: V.Đ.T.

Vợ của ngư dân Bình Định vào Tiền Giang thăm chồng. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Trinh, hầu hết ngư dân Bình Định theo tàu vào Tiền Giang hoạt động sau mỗi chuyến biển đều thuê phòng trọ để ở tạm trong những ngày tàu neo bờ. Người khá thì thuê căn phòng có máy lạnh giá 1 triệu đồng/tuần, người ít tiền thuê căn phòng không có máy lạnh 500 - 700 ngàn đồng/tuần. Đến mùa mưa bão, tàu không đi đánh bắt được thì chủ tàu chở lưới về quê thuê vá lưới chuẩn bị cho mùa đánh bắt năm sau. Họ cũng có thể thuê những người ở quê vào Tiền Giang vá lưới, 1 ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ được trả 220 ngàn đồng, tiền xe ra vào chủ chịu. Mùa bão lũ, tàu cá được neo lại bến Tân Long sẽ được các chủ tàu thuê người trông coi, 1 tháng chủ tàu phải trả 2,5 triệu đồng, ăn tết xong mới bắt đầu mở chuyến biển đầu năm mới.

“Do tôi có trách nhiệm coi ngó tàu nên trong những ngày tàu neo bờ, ban ngày vợ chồng tôi ở dưới tàu để dọn dẹp, ban đêm về phòng trọ ngủ nghỉ. Những ngày vợ tôi vào đây, mấy đứa con gửi cho bà nội trông coi dùm”, anh Trinh chia sẻ.

Thuyền trưởng tàu cá BĐ 98161 TS Hồ Văn Sanh ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) kiểm tra máy móc khi tàu về cập bờ trên sông Tiền thuộc TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Thuyền trưởng tàu cá BĐ 98161 TS Hồ Văn Sanh ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) kiểm tra máy móc khi tàu về cập bờ trên sông Tiền thuộc TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Chuyển qua tàu mang số hiệu BĐ 98161 TS (725CV) cũng đang neo đậu tại bến Tân Long, chúng tôi gặp thuyền trưởng Hồ Văn Sanh ở khu phố Thiện Đức Đông, phường Hoài Hương. Năm nay Sanh mới 47 tuổi mà đã có 31 năm lênh đênh trên biển theo nghề “ăn đằng sóng, nói đằng gió”, riêng vào Tiền Giang làm ăn đã hơn 20 năm. Chủ tàu BĐ 98161 TS là chị Nguyễn Thị Thư, vợ anh Sanh. Cũng không ngoại lệ, trước khi tàu BĐ 98161 TS cập bờ, vợ anh Sanh là chị Thư đã có mặt tại bến Tân Long để đón chồng. Khoảng 7 ngày sau, tàu BĐ 98161 TS mở chuyến biển mới thì chị vợ lại về quê với mấy đứa con.

“Làm nghề biển phần lớn cuộc đời của ngư dân là ở ngoài biển, nếu tàu đánh bắt ngư trường gần quê thì sau mỗi chuyến có thể đoàn tụ với vợ con cho đến khi tàu mở chuyến biển mới, nếu tàu đánh bắt ngư trường xa quê thì phải chấp nhận cảnh đoàn tụ với vợ con ở xứ người. Vất vả, bất tiện, nhưng những người làm nghề biển đành phải chấp nhận vì chuyện làm ăn. Đến xứ người chúng tôi lo chí thú làm ăn chứ không dám nghĩ đến chuyện đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài đâu”, anh Đỗ Văn Trinh, thuyền trưởng tàu cá BĐ 96927 TS tâm sự.

Xem thêm
Xử lý lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm trên sông Tắc, sông Quán Trường

UBND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chỉ đạo xử lý tình trạng tái lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm không đúng quy định trên sông Tắc, sông Quán Trường.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất