"Đây là vụ cháy rừng lớn nhất tại Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2000, khi Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS) bắt đầu thống kê dữ liệu", phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Balazs Ujvari cho biết hôm 29/8.
Ông Ujvari cho biết thêm rằng EU đã điều 11 máy bay thả bom nước và một máy bay trực thăng chữa cháy đến hỗ trợ Hy Lạp chống lại đám cháy rừng ở phía Bắc thành phố Alexandroupoli, cùng với 407 lính cứu hỏa.
Cơ quan cứu hỏa Hy Lạp hôm 29/8 cho biết vụ cháy rừng "vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát" tại Công viên Quốc gia Dadia ở khu vực phía đông bắc Hy Lạp.
Panagiota Maragou, lãnh đạo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Hy Lạp, cho biết ít nhất 30% Công viên Quốc gia Dadia, nơi cư trú của nhiều loài chim săn mồi, đã bị hủy diệt.
"Dadia có tính đa dạng sinh học cao và là một trong những khu vực được bảo tồn quan trọng nhất ở Hy Lạp cũng như ở châu Âu", bà Maragou cho biết.
Ông Jiri Nemcik, chỉ huy đội cứu hỏa từ Cộng hòa Czech cho biết công tác dập lửa vẫn đang khẩn trương diễn ra, nhưng thời tiết hanh khô và gió mạnh khiến đám cháy bùng lên rất mạnh và nguy hiểm. "Các nhóm cứu hỏa đang cố gắng ngăn ngọn lửa lan ra phần còn lại của vùng Evros", Nemcik nói.
Đám cháy bùng phát từ ngày 19/8 ở khu vực gần thành phố Alexandroupolis, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp vùng Evros, đông bắc Hy Lạp, và khu vực gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, buộc một số ngôi làng phải sơ tán. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Copernicus của EU cho biết thảm họa tàn phá ít nhất 808,7km2, lớn hơn cả thành phố New York (778,2km2).
Vụ cháy rừng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 18 người di cư. Thi thể của họ được tìm thấy ở khu vực thường được dùng làm điểm nhập cảnh từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới chức địa phương cho rằng sẽ có thêm nhiều thi thể được tìm thấy khi ngọn lửa được dập tắt, vì Evros là điểm vượt biên phổ biến vào EU của hàng nghìn người di cư mỗi năm.