UBND huyện Ba Vì (TP Hà Nội) vừa tổ chức lễ công bố chứng nhận nhãn hiệu “Chè Ba Vì” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp phép. Đây là tin vui lớn với người trồng chè Ba Vì.
Với lợi thế đất đai và khí hậu thuận lợi để phát triển cây chè, huyện Ba Vì nhiều năm nay đã cố gắng xây dựng thương hiệu chè Ba Vì với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây nông nghiệp chính của huyện. Diện tích chè của toàn huyện hiện đã tăng lên gần 1.700 hecta. Trong đó diện tích chè từ 10 đến 20 tuổi chiếm tỉ lệ lớn nhất (trên 50%); chè từ 3 đến 10 tuổi chiếm trên 25%, còn lại chè trồng mới và chè trên 20 tuổi chiếm diện tích nhỏ.
Các giống chè chủ yếu được trồng tại Ba Vì hầu hết là chè trung du lá nhỏ (chiếm trên 60% diện tích), chè PH1, chè Ô long, chè LĐP1 và chè Kim tuyên. Năng suất chè búp tươi đạt bình quân 76 tạ/ha/năm. Tổng sản lượng chè toàn huyện đạt gần 13 nghìn tấn/năm. Trong đó lượng chè dùng XK chiếm khoảng 50 – 60%, chủ yếu là sang thị trường Nhật Bản, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông... với các sản phẩm chính là chè xanh và chè đen.
Theo kế hoạch năm 2010, Ba Vì sẽ nâng diện tích chè lên 1.800 ha, năng suất bình quân chè búp tươi đạt 10 – 15 tấn/ha, nâng giá trị SX lên 60 – 135 tỉ đồng. Đến năm 2020, huyện này đề ra chiến lược xây dựng 3 vùng chè lớn mạnh gắn liền với các vùng du lịch sinh thái trong huyện gồm vùng chè Ba Trại, Vân Hòa – Yên Bài và Minh Quang – Khánh Thượng, đưa sản lượng chè lên 3 vạn tấn chè búp tươi, XK 4.000 tấn chè các loại mỗi năm...Ở “thủ phủ chè” xã Ba Trại hiện có khoảng 80% số hộ dân SX chế biến chè búp khô với diện tích trồng chè gần 500ha, chiếm 1/3 diện tích cây chè toàn huyện. Xã có 9/9 thôn được công nhận là làng nghề chế biến chè búp khô.
Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép đăng lý nhãn hiệu, UBND huyện Ba Vì (TP Hà Nội) là cơ quan duy nhất quản lý nhãn hiệu “Chè Ba Vì” và có trách nhiệm cùng với các DN trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và quản lý chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ chè trong và ngoài nước.
Cây chè đang trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo, đưa lại nguồn thu nhập chính cho nông dân tại đây. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì ông Hà Xuân Hưng cho biết sẽ ưu tiên hàng đầu cho thủy lợi và giao thông để phát triển cay chè trong thời gian tới.Đi đôi với quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, huyện Ba Vì đang khuyến khích DN vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cũng như công nghệ chế biến chè thương phẩm. Ngoài lượng chè được sấy khô tại các hộ dân, hiện đã có 6 NM thu mua và chế biến chè đầu tư vào Ba Vì với tổng sản lượng trên 2.000 tấn/năm.
Một số DN hiện đã xây dựng được vùng nguyên liệu và NMSX chè có quy mô lớn như Cty CP Thái Hà, Cty TNHH Chè Đại Hưng...,đặc biệt phải kể đến Cty CP Việt Mông (tiền thân là Nông trường quốc doanh Ba Vì, sau này là Cty CP Giống gia súc Việt Mông). Cty này hiện đã xây dựng được vùng nguyên liệu hàng nghìn hecta, nhận bao tiêuêchf tươi cho nông dân và lắp đặt NMSX chè đen CTC, chè mạn với công suất chế biến trên 40 tấn chè/ngày. Dự tính, Cty sẽ nâng diện tích chè lên thêm 500 ha, bổ sung thêm 2 dây chuyền SX các loại chè đóng chai và chè túi lọc với tổng công suất 70 tấn/ngày. Động thái này cho thấy tiềm năng phát triển của vùng chè Ba Vì trong tương lai sẽ là rất lớn.