| Hotline: 0983.970.780

Chè mới ở làng mới Phú Nam

Thứ Năm 16/04/2020 , 09:24 (GMT+7)

Giao thông bất thuận, Phú Đô được coi là một trong những xã nghèo nhất của huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Xóm Phú Nam 1 lại được coi là xóm trũng của xã.

Tư duy mới mang lại giá trị mới cho chè Phú Nam 1.

Tư duy mới mang lại giá trị mới cho chè Phú Nam 1.

Vậy nhưng chỉ trong ba năm trở lại đây, Phú Nam 1 đã bứt tốc trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội so với mặt bằng chung cả huyện.

Phát huy nội lực

Cụm từ phát huy nội lực đã không còn sáo rỗng đối với Phú Nam 1. Từ một bản làng heo hút, mưa lầy, nắng bụi, bỗng chốc thay hình đổi dạng.

Người dân Phú Nam 1 hôm nay khoác lên thôn xóm của mình chiếc áo mới với phong cảnh làng quê trù phú. Đường bê tông uốn luợn khắp các ngõ xóm,  giữa các nương chè xanh ngát. Hai bên lối đi là những hàng hoa nối dài.

Bí thư chi bộ xóm Phú Nam 1, chị Đàm Thị Châm cho biết, 3 năm trước, nhờ vào chương trình hỗ trợ xây dựng làng Saemauil (Làng mới), lãnh đạo địa phương và bà con trong xóm lần lượt được tài trợ đi thăm mô hình xây dựng làng tại Hàn Quốc. Chức danh chủ chốt của xóm không chỉ được tham quan mà còn được học tập cách làm với gần 2 tháng ở xứ Kim chi.

Chương trình không tài trợ bằng tiền nhưng điều khiến nữ Bí thư chi bộ trẻ cũng như đồng bào Phú Nam 1 hào hứng là cái cách mà người dân nông thôn Hàn Quốc vượt khó vươn lên. Những ngôi làng trù phú được dựng lên từ bãi đổ nát bởi bão biển. Cũng có những ngôi làng chênh vênh bên núi, không có tư liệu sản xuất vậy mà người dân lại có thu nhập cao.

Làng Phú Nam 1 có một lối ra duy nhất, một cửa mở sống còn đó là cây chè. Cả làng độc canh, chuyên canh cây chè với 47 ha. Chè Phú Nam 1 những năm trước thôi thì thập cẩm các loại giống, các kiểu chăm sóc, chế biến của người dân. Và cũng hổ lốn thương hiệu, tư thương của chè vùng lõm, thị trường ê hề mạnh ai nấy lo.

Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Phú Nam 1 đã họp dân thông qua kế hoạch hành động. Việc đầu tiên là hưởng ứng việc xây dựng đường bê tông thôn xóm về các ngõ xóm, các hộ gia đình. Nhà nước đã đầu tư toàn bộ một tuyến đường trục chính từ xã về trung tâm xóm thì nay người dân phải đối ứng để nối dài huyết mạch về nhà, ra nương.

Rất nhanh, qua hơn 1 năm, toàn bộ đường giao thông trong xóm Phú Nam 1 đã được hoàn thiện. Công việc quan trọng nhất là thống nhất toàn xóm chung một ý chí thực hiện cải tạo, phát triển nương chè theo hướng an toàn, bền vững. Không có người dân nào phản đối quan điểm nói trên.

Chuyên canh cây chè đã mang lại diện mạo mới cho làng quê Phú Nam 1.

Chuyên canh cây chè đã mang lại diện mạo mới cho làng quê Phú Nam 1.

Làm chè an toàn, chè VietGAP, chè hữu cơ

Dân xóm Phú Nam 1 đã thống nhất thành lập HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Phú Nam 1. Bà Nguyễn Thị Hoàng (nguyên Phó chủ tịch UBND xã Phú Đô) được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX.

Bà Hoàng từng chỉ đạo sản xuất ở cấp xã, đã về hưu nhưng thấy lòng dân trong xóm lên cao nên lại sắn áo cùng dân vật lộn với nương chè.

Trăn trở bấy lâu có cơ hội giải thoát, bà Hoàng yêu cầu các thành viên tham gia HTX phải thực hiện ngay việc triển khai phương thức thực hành nông nghiệp tốt. Chọn 11 hộ với 15 ha chè tập trung cho áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP.

Bà Nguyễn Thị Nương (xóm Phú Nam 1) cho biết, gia đình bà có 1 ha đăng ký tham gia sản xuất theo quy trình mới. Lúc đầu, hăng hái, hồ hởi nhưng bắt tay vào làm thì thấy nhiều điều khó thực hiện.

Làm miết cũng vơi dần bỡ ngỡ, rồi quen, lại thấy những việc mình trước đây cứ làm vì tập thể, vì uy tín, trách nhiệm thì nay mới thấu hết tác dụng của nó.

Ông Nguyễn Thanh Hải (một người dân có 1 ha chè VietGAP) ví dụ, những việc như ghi chép sổ sách, nhật ký sản xuất, lấy mẫu đất phân tích... ban đầu chúng tôi làm vì đáp ứng yêu cầu của tổ hợp tác chứ không hiểu để làm gì.

Một số yêu cầu bắt buộc về trồng, chăm sóc với tỷ lệ phân hữu cơ, thuốc BVTV nghe cứ là lạ. Nhưng những nguyên tắc trong thu hái, chế biến thì bà con chấp hành rất nghiêm túc. Bởi ai cũng hiểu làm sạch, làm an toàn thì phải hướng đến những yêu cầu rõ rệt.

Ông Đỗ Quang Hiếu cũng có 1 ha chè VietGAP cho biết, giá chè Phú Nam 1 cứ nhích dần lên, đến cuối năm 2018 thì tiệm cận với giá mặt bằng chung của toàn huyện với 130.000 – 160.000 đồng/kg.

Năm 2019, chè Tết đặc biệt của HTX có giá 400.000 – 500.000 đồng/kg. Xóm Phú Nam 1 được công nhận là làng nghề xuất sắc của huyện tại Lễ vinh danh các làng nghề. Xóm cũng vinh dự được đón nhận đanh hiệu xóm nông thôn mới tiêu biểu.

Nguyễn Thị Hoàng cho biết, nhiệm vụ của HTX là tiếp tục duy trì và phát triển sự ổn định về giá trị, chất lượng của sản phẩm chè Phú Nam. Trước mắt, HTX đã xây dựng lộ trình để sản xuất chè hữu cơ, dần dần đưa toàn bộ diện tích độc canh cây chè của xóm sang canh tác an toàn, bền vững. Phú Nam phấn đấu trở thành điểm đến trong các tour du lịch sinh thái trải nghiệm đồi chè hình mẫu tại địa phương.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.