Vốn quê gốc ở Bắc Giang nhưng lại sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chè Thái Nguyên, năm 1996 chị Nguyễn Kim Đương tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên rồi về công tác tại Trạm Chuyển giao Kỹ thuật cây trồng Nông - Lâm nghiệp Gia Sàng đơn vị trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên.
Sau một thời gian chị được phân công về làm việc tại phòng thông tin đào tạo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đây là nơi có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền và đào tạo giúp nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông mới ra trường.
Chị Đương trải lòng: “Trong quá trình công tác tại đây tôi luôn trăn trở về quá trình đào tạo nên lúc nào cũng có suy nghĩ làm sao tham mưu cho cơ quan đơn vị về các nội dung đào tạo cán bộ cũng như triển khai các lớp tập huấn để chất lượng đào tạo được đáp ứng tốt nhất”.
Đồng thời tham mưu kỹ năng về viết tin bài cho cán bộ khuyến nông, kết nối cho người nông dân trên địa bàn tiếp cận khoa học kỹ thuật thông qua việc triển khai các mô hình nông nghiệp. Ban đầu khi mới ra trường chị Đương được giao về phụ trách lĩnh vực sản xuất cây lâm nghiệp. Do là cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và tiếp xúc thực tiễn nên chị gặp phải rất nhiều khó khăn.
Khó khăn về kiến thức và kỹ năng khuyến nông đặc biệt là kỹ năng truyền đạt cho bà con chưa có. Nhưng dần dần do chịu khó học hỏi, tự rèn luyện bản thân, đi sâu vào thực tiễn cùng sự giúp đỡ của đồng nghiệp nên chỉ sau khoảng một năm chị đã hoàn toàn tự tin tiếp xúc với bà con nhân dân rồi từng bước vượt qua khó khăn.
Chị Đương tâm sự: Là cán bộ khuyến nông phải thật sự giỏi, ngoài làm tốt công tác chuyên môn còn phải là người giảng viên làm tốt công tác đào tạo, người truyền đạt kinh nghiệm đầy nhiệt huyết. Để làm được điều đó, phải có kiến thức sâu rộng để truyền tải thông tin thuyết phục đến người nông dân, phải có sự tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu nghề thôi thúc, phải khẳng định cho người dân thấy mình thật sự giúp họ để họ tin tưởng, do đó phải là người dân vận khéo thì mới có thể thành công được.
Ngoài ra chị may mắn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đào tạo về kỹ thuật cũng như các kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc nên chị đã đem những kiến thức này truyền đạt lại cho những cán bộ khác.
Cách đây 2 năm, chị được giao về phụ trách tại trạm chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông. Bắt đầu từ đây chị có cơ hội tiếp xúc với bà con nông dân thường xuyên hơn thông qua các dự án, các mô hình nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông triển khai. Trong quá trình làm công tác khuyến nông tại Trạm, chị đã thực hiện thành công nhiều mô hình như trồng hoa mua tím, trồng dưa lưới trong nhà kính ở Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên, mô hình trồng cây ba kích ở Vinh Sơn, Sông Công…
Một trong những dự án mà chị Đương cảm thấy tâm huyết và dành nhiều thời gian nhất cũng chính là dự án đầu tiên do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên làm chủ dự án. Đó là dự án phát triển chè hữu cơ theo hướng bền vững được triển khai tại xóm 9, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ với sự tham gia của 6 tỉnh bạn.
Ban đầu khi mới triển khai mô hình, theo chị Đương gặp phải rất nhiều khó khăn do người dân lúc này không còn mặn mà với chè bởi chi phí cao mà lợi nhuận lại ít, hơn nữa tiến bộ khoa học kỹ thuật lại không có. Chính vì thế mà trung tâm xác định công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Có thời điểm người dân chán nản chặt phá chè đi để trồng keo nhưng nhờ sự động viên thường xuyên, sát sao, đôn đốc bà con và tư vấn kỹ thuật nhiệt tình của cán bộ trung tâm khuyến nông nên dần dần người dân đã hiểu và làm theo.
Đến thời điểm này, sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã thực sự thành công, góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người dân, giá trị cây chè và sản lượng chè tăng lên đáng kể.
Nhờ những thành công bước đầu mà bà con nhân dân càng thêm tin tưởng vào những cán bộ khuyến nông tâm huyết như chị Đương. Chị cho biết đó là niềm vui khích lệ, động viên to lớn cho những người làm công tác khuyến nông như chị.
“Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi đó là sau khi triển khai thành công mô hình chè hữu cơ, vào đúng chiều 30 tết năm 2018 một người dân trong vùng dự án đã gọi điện cho tôi ngỏ ý muốn tặng tôi cây đào về chơi tết. Nhưng do tôi bận công việc chưa về được nên anh này đã đợi đến tận đêm khuya và sau đó thuê taxi chở cây đào đến tận cổng nhà tôi để tặng và cảm ơn khiến tôi vô cùng cảm kích và xúc động”. Chị Đương tâm sự.
Là một người phụ nữ gắn bó với công tác khuyến nông đã nhiều năm, có những lúc phải đi vào với bà con thôn bản vùng sâu, vùng xa nên điều quan trọng với chị Đương là phải trang bị cho mình sức khỏe thật tốt, mà hơn cả là tình yêu nghề nghiệp, trách nhiệm với người dân phải được đặt lên hàng đầu. Xác định đến với nghề này nếu không có nhiệt huyết và sự yêu nghề thì sẽ không thể nào làm được. Bởi thời gian dành cho công việc đôi khi nhiều hơn thời gian dành cho gia đình, thường xuyên phải đi sớm về muộn.
Do đó ngoài sự nỗ lực gấp đôi để chu toàn giữa công việc và gia đình, chị may mắn nhận được sự ủng hộ, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ từ phía chồng con của mình nên mới có thể hoàn thành tốt mọi công việc.
Ngoài công việc chuyên môn, những lúc rảnh rỗi chị còn ngồi tâm sự với chị em trong cơ quan và chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con cái, kỹ năng chăm sóc gia đình... Chính vì thế mà chị được đồng nghiệp quý mến, bà con nông dân tin tưởng, trân trọng.