| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề có 'Búp chè vàng'

Thứ Sáu 23/08/2019 , 08:45 (GMT+7)

Sự khác biệt của hương chè làng Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là sự kết tinh của sắc, hương, vị.

Chính cái đặc trưng ấy giúp sản phẩm chè nơi đây đoạt cúp đồng “Búp chè Vàng” tại Festival chè Thái Nguyên.

08-49-01_1
Chè đặc sản được người dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào thu hái thủ công theo chuẩn “1 tôm, 2 lá”.

Những cụ già ở Vĩnh Tân kể rằng, cây chè có mặt ở đất này hơn 40 năm qua. Từ một vài hộ trồng ban đầu, đến nay thôn có có 105/110 hộ trong thôn trồng chè, với tổng diện tích 180 ha. Nâng cao chất lượng cây chè, người dân Vĩnh Tân đã chuyển đổi từ những giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp bằng hơn 40 ha giống chè đặc sản có năng suất cao như giống chè O25, Ngọc Thúy, Bát Tiên…

Nhờ trồng chè, đã giúp gia đình ông Phạm Văn Đáng có cuộc sống ấm no, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Ông Đáng cho biết, với 1 ha chè của gia đình, vào thời điểm chè rộ mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, sau khi xuất bán trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mỗi lứa chè tuỳ từng giống, từng thời tiết mà kéo dài khoảng 25-32 ngày thì được thu hái. Muốn chè được ngon, cần hái ngay khi búp vừa đến lứa, trong vòng từ 1-3 ngày, chè quá lứa chất lượng giảm, mất giá ngay. 

Ở Vĩnh Tân một năm có 9 tháng thu hoạch chè, từ tháng 4 đến tháng 12. Chè thường được thu hoạch vào thời điểm khi ánh nắng đã lên cao để đảm bảo có được độ ẩm phù hợp. Với những vườn chè đặc sản, đảm bảo chất lượng thơm ngon hầu hết những búp chè đều được hái bằng tay, với quy chuẩn “1 tôm, 2 lá”.

Để có được mẻ chè thơm ngon, đòi hỏi người làm chè nắm chắc các công đoạn như chè xanh phải được hái vào ngày không mưa. Búp chè sau khi hái để ráo nước nhưng không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Chè xanh chia làm nhiều loại dựa theo cách chế biến, như chè xanh sao suốt, chè xanh sấy khô bằng hơi nóng, chè xanh phơi nắng, chè xanh hấp...

Dù chè sản xuất theo phương pháp thủ công hay cơ giới thì người làm chè đều phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của từng công đoạn, từ diệt men, vò, sàng tơi, sấy chè, phân loại chè và đánh hương.

08-49-01_2
Sản phẩm của làng nghề chè Vĩnh Tân được đóng gói có truy xuất nguồn gốc.

Chị Nông Thị Viết, người có nhiều năm kinh nghiệm làm chè ở Vĩnh Tân cho biết, một mẻ chè ngon khi đem ra pha phải có màu xanh tươi mát, vị chát đượm, hương thơm dịu tự nhiên và có vị ngọt hậu. Hiện tại gia đình chị có trên 1,5 ha chè, mỗi năm cho thu hoạch 6 lần, trừ các khoản chi phí đầu tư phân bón, thuê nhân công gia đình chị còn lãi trên 100 triệu đồng.

Năm 2014, thôn Vĩnh Tân trở thành thôn đầu tiên được tỉnh Tuyên Quang công nhận làng nghề chè. Đây là bước tiến quan trọng giúp thúc đẩy nghề chè của địa phương phát triển. Cũng trong năm này chè Vĩnh Tân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa, nhờ đó sản phẩm chè đã có giá trị gấp ba lần so với trước đây.

Với phương thức sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, năm 2015 HTX chè Vĩnh Tân được thành lập. Bảo vệ được thương hiệu, HTX vận động xã viên thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất sạch. Với những hộ không tuân thủ điều này sẽ không thực hiện thu mua; không thu mua chè bị dập nát, ôi thiu.

Vùng nguyên liệu của HTX hợp đồng với người dân trong làng nghề Vĩnh Tân với diện tích gần 100 ha. HTX đang có 2 xưởng chế biến chè với tổng diện tích trên 1 ha, vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, công suất tiêu thụ đạt 30 tấn/ngày. Từ năm 2015, HTX đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm chè Vĩnh Tân lên sàn giao dịch, vào các trung tâm thương mại, siêu thị ở các tỉnh thành trong cả nước...

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX chè Vĩnh Tân cho biết, sản phẩm của HTX xuất theo 2 hướng chính là nội tiêu và xuất khẩu đi Trung Đông. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu sang Trung Đông được 100 tấn, phấn đấu đến cuối năm sẽ xuất khẩu thêm 200 tấn. Với sản phẩm chè nội tiêu, HTX chủ yếu làm chè đặc sản Kim Tuyên, Ngọc Thúy có đóng bao bì, truy xuất nguồn gốc. Trung bình mỗi năm xuất xưởng được 2 tấn đặc sản.

Vì làm chè sạch lại có thương hiệu, nên chè Vĩnh Tân có giá trung bình từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Cao hơn so với sản phẩm chè cùng loại không có thương hiệu đang bán ngoài thị trường. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất