Công nghệ này ra đời dựa trên cơ sở lý luận là một vật thể hay một sản phẩm thực phẩm như quả táo, hạt gạo, con cá hay một chất khoáng như silic luôn luôn chứa đựng trong bản thân nó 2 nguồn năng lượng: Năng lượng hóa học và năng lượng điện.
Các nguồn năng lượng này muốn chuyển từ môi trường này sang môi trường khác hay chuyền vào cơ thể của động và thực vật, cần có sự giúp đỡ của một tác nhân khác, tác nhân này được coi như chất mang.
Trong ngành điện tử có chất mang thông tin (Infomation Carier-IC) đã được ứng dụng theo nguyên lý này. Trong sinh vật học, đó là Penergetic.
Penergetic được coi như chất mang thông tin (information Carier-IC hay Carier subctances). Tư duy này thoạt đầu được Roland Plocher suy nghĩ, tạo ra. Về sau các hậu thế của ông tiếp tục phát triển rộng rãi cho đến ngày nay.
Việc chế biến để tạo ra sản phẩm như vậy dựa theo nguyên lý là biến một vật thể có khả năng chứa đựng được toàn bộ các thông tin có trong vật thể gốc (Original substance) để chuyền năng lượng từ vật thể gốc vào cơ thể cây trồng hay vật nuôi, trong môi trường lỏng.
Nhờ vậy, Penergetic giúp làm tăng hiệu quả của nước và các chất dinh dưỡng khác cho cây trồng và vật nuôi. Các chế phẩm tạo ra theo công nghệ này được đặt tên là Penac-P, Penac-K, G và T. Về sau tác giả còn tạo ra nhiều loại Penac khác.
Chế phẩm Penac-P dùng cho thực vật (lấy ký tự "P" của Pflanzen là thực vật). Nhóm tác giả đã sử dụng các chế phẩm trên để khảo nghiệm cho cây trồng (Penac-P), gia súc (Penac-T), chế biến phân hữu cơ (Penac-K), xử lý môi trường (Penac-G) và đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Bài này tác giả chỉ xin được đề cập đến Penac-P mà thôi.
Những kết quả đã ứng dụng ở nước ngoài: Ernestfried Prade, trong cuốn sách dưới tựa đề “A Vision becomes Reality” đã giới thiệu khá nhiều thành tựu về việc áp dụng các chế phẩm Penac trong SX. Ví dụ, ở Thái Lan, áp dụng Penac-P trên cây nho tăng năng suất 1,5 tấn (25%) mà giá bán lại tăng cũng khá cao (20%).
Tại Brazil xử lý Penac-P làm năng suất mía tăng bình quân trên nhiều loại đất là 8%, trên cây ngô bón Penac-P năng suất tăng 70%. Ở Phần Lan, sử dụng cho táo làm năng suất tăng 10 - 20%. Tác giả cũng cho biết riêng việc sử dụng chế phẩm Penac-P có thể giảm được lượng phân bón đến 20%.
Những kết quả đã ứng dụng ở Việt Nam: Năm 1994, Cty Plocher Energiesysteme và Cty Penac Trading AG (Thụy Sĩ) đưa các loại Penac vào khảo nghiệm trên cây trồng, xử lý môi trường, xử lý phân hữu cơ đã được Sở NN-PTNT Hà Nội và Viện Nông hóa thổ nhưỡng áp dụng trên nhiều cây trồng đã mang lại kết quả khá tốt, được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật mới theo QĐ số 860QĐ/BNN-KHCN ngày 6/3/1998.
Từ năm 1999 - 2000, Cty Thái Sơn đã tổ chức mạng lưới khảo nghiệm trên nhiều cây trồng như lúa, ngô, bông và chè. Kết quả được nêu tóm tắt như sau:
Trên lúa: Vụ HT 1999, tại Viện lúa ĐBSCL bón liều lượng 2 -3 kg Penac-P/ha, năng suất lúa tăng 24%. Tại huyện Ô Môn (Cần Thơ) năng suất lúa tăng 19,4%. Tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) năng suất tăng 25%. Tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tăng 21%. Tại huyện Tịnh Biên (An Giang) tăng 9,7%... Vụ xuân 2000, tại Ninh Bình năng suất lúa tăng 12,5%. Vụ mùa 2000 tại Thái bình năng suất lúa tăng 8,2%.
Trên ngô: Tại Nghệ An năm 2007, năng suất tăng 33,7%, lời ròng trên 10,6 triệu đ/ha.
Trên cây bông vải: Tại xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) năm 2002 năng suất bông tăng 11%. Tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa (Gia Lai) 2001, phun Penac-P năng suất bông tăng 11%, bón Penac-P năng suất bông tăng 37% (tăng 621 kg/ha).
Trên cây chè: Năm 2001, tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) năng suất chè búp tăng 25 - 30%. Khảo nghiệm trên các cây rau, đậu, cũng như cà phê cũng đều mang lại các kết quả tăng hơn đối chứng rõ rệt.
Cty CP Phân bón Bình Điền đã ứng dụng Penac-P như thế nào? Ngay từ năm 2003 Bình Điền đã phối trộn Penac-P vào các chủng loại phân NPK Đầu Trâu Lúa 1 và 2 (L1 và L2), Ngô 1 và Ngô 2 với tỷ lệ 0,2%, sử dụng trình diễn cho lúa và ngô ở miền Bắc. Bón lượng phân ít nhưng vẫn cho năng suất cao hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng sử dụng phân bón do nông dân quản lý.
Ngoài những chủng loại phân nói trên, Penac-P cũng đã được phối trộn với các chủng loại phân NPK Đầu Trâu khác như Đầu Trâu tăng trưởng, Đầu Trâu chắc hạt, Đầu Trâu TE-01, TE-02, Đầu Trâu TE A1, TE A2 và NPK 16-16-8-6S cũng giúp nông dân mang lại hiệu quả rõ rệt. |
Cụ thể, sử dụng phân L1 và L2 bón cho lúa ở Thái Bình năm 2005. Nền phân của Đầu Trâu là 78 kg N - 50 kg P205 - 37 kg K20, nền phân của nông dân bón 102 kg N - 89 kg P205 - 100 kg K20.
So với nền phân Đầu Trâu nông dân đã bón cao hơn 24 kg N (tăng 24%), 39 kg P205 (tăng 44%) và 63 kg K20 (tăng 63%). Nhưng năng suất lúa ở ruộng bón phân Đầu Trâu vẫn tăng hơn 1.000 kg/ha, lời ròng cũng cao hơn 2.244.400 đ/ha.
Sử dụng phân Đầu Trâu Ngô 1, Ngô 2 bón cho ngô ở Thanh Hóa năm 2006: Phân của Đầu Trâu bón 146 kg N - 85 kg P205 - 87 kg K20/ha, nền phân của nông dân bón 204 kg N - 92 kg P205 - 117 kg K20/ha, cao hơn nền phân Đầu Trâu là 58 kg N (tăng 28%), 7 kg P205 và 30 kg K20 (tăng 26%).
Nhưng năng suất ngô ở nền bón phân Đầu Trâu vẫn cao hơn đối chứng 640 kg/ha, tiền lời cũng cao hơn 2.279.600 đ/ha.
Tiếp nối cho dòng sản phẩm trước đó cho thị trường phía Bắc, Bình Điền đã tiếp tục sử dụng công nghệ mới (ure hóa lỏng) SX bộ sản phẩm cho các loại cây trồng như Đầu Trâu bón lót, Đầu Trâu bón thúc và Đầu Trâu bón đòng -nuôi củ quả có hàm lượng Penac-P thích hợp giúp cho nông dân tiện sử dụng.
Trên cây cà phê, Penac-P được phối trộn vào phân NPK Đầu Trâu cà phê mùa khô, không những giúp cây cà phê tăng tính chịu hạn tốt hơn mà cũng giúp cây khỏe, do đó bón phân NPK Đầu Trâu cho cà phê với số lượng ít hơn, song năng suất cao hơn so với nền phân của bà con sử dụng.