| Hotline: 0983.970.780

Chế phẩm sinh học xử lý xác động vật thành thức ăn bổ sung, phân bón

Thứ Tư 07/12/2022 , 19:50 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Nếu sản xuất chu trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi, người dân có thể dùng chế phẩm sinh học để thủy phân xác động vật thành thức ăn bổ sung, phân bón.

Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ các kiến thức về nền nông nghiệp xanh. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ các kiến thức về nền nông nghiệp xanh. Ảnh: Bảo Thắng.

Chia sẻ tại Diễn đàn "Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - Nuôi trồng thủy sản" chiều 7/12 tại Hải Dương, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, bộ sản phẩm vừa được nghiên cứu thành công là các chế phẩm vi sinh đa chức năng, sử dụng được cả trong chu trình chăn nuôi lẫn nuôi trồng thủy sản.

Theo bà Minh, bộ chế phẩm sinh học có thể sử dụng theo chuỗi giá trị từ thức ăn đầu vào, khử mùi hôi chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho đến xử lý chất thải. "Sản phẩm đem lại tác dụng tổng hợp và đã thực hiện thành công tại các mô hình thí điểm chăn nuôi an toàn sinh học", bà Minh nói.

Điểm hay của chế phẩm, được PGS.TS. Nguyễn Thị Minh chỉ rõ, là người dân có thể dùng để xử lý xác động vật chết vì dịch bệnh trong chu trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi. Thay vì tiêu hủy, kèm theo hệ lụy gây ô nhiễm, phát tán mầm bệnh, bà con có thể thuỷ phân, để tạo thành nguồn thức ăn bổ sung cho vật nuôi hay phân bón cao đạm, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Sau gần 3 tháng sử dụng chế phẩm tại 3 hộ: ông Nguyễn Xuân Chuyển nuôi gà, bà Nguyễn Thị Tươi nuôi lợn và ông Bùi Quang Cảnh nuôi cá, cùng tại xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, kết quả khả quan. Người dân không những tiết kiệm thức ăn, khử tới 90% mùi hôi chuồng trại và 100% vật nuôi không phải sử dụng kháng sinh và hoá chất.

"Năng suất và chất lượng thịt, trứng của đàn vật nuôi được nâng cao, giúp tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ tốt môi trường, xử lý triệt để chất thải và cả xác vật nuôi", đại diện một hộ dân chia sẻ.

Một điểm lợi nữa khi sử dụng chế phẩm là chất thải chăn nuôi được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nếu được thực hiện đúng theo chu trình khép kín, ứng dụng này được dự báo hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái tại địa phương.

Hộ ông Nguyễn Xuân Chuyển chuyên nuôi gà, tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương nằm trong số sử dụng chế phẩm sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Hộ ông Nguyễn Xuân Chuyển chuyên nuôi gà, tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương nằm trong số sử dụng chế phẩm sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đánh giá: "Nhờ sự hỗ trợ các giải pháp vượt trội, đồng thời tư vấn trực tiếp cho nông dân, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giúp địa phương có phương án hữu hiệu để vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vừa giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng thịt".

Cùng với Hải Dương, bộ chế phẩm sinh học đã được sử dụng và thể hiện tính vượt trội tại các mô hình thí điểm chăn nuôi an toàn, nuôi trồng thủy sản tại Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng và Ninh Bình. Trong năm 2023, chương trình dự kiến triển khai tiếp tại Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên...

Nhằm nhanh chóng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cam kết tiếp tục hướng dẫn người dân một cách chi tiết trong thời gian tới. Ngoài ra, các vấn đề phát sinh cũng sẽ được tư vấn cụ thể để họ đủ sức thực hiện thành công gói giải pháp kỹ thuật đồng bộ.

Chủ trương phối hợp địa phương để xây dựng nền chăn nuôi bền vững được PGS.TS. Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh. Bà bày tỏ: "Dù là chương trình đầu tiên thực hiện với các tỉnh, chúng tôi hưởng niềm vui tiếp xúc với bà con, được bà con tin tưởng, tiến tới sản xuất nông sản hàng hoá, gia tăng chuỗi giá trị cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, và tạo ra các sản phẩm OCOP cho địa phương".

Trong khuôn khổ diễn đàn, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận, chuyển giao sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ, bộ chế phẩm dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.