| Hotline: 0983.970.780

Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành 'thuốc bổ' cho đồng ruộng

Thứ Sáu 27/09/2024 , 07:26 (GMT+7)

Thái Nguyên Ruộng bị mất trắng sau mưa lũ được hỗ trợ chế phẩm vi sinh để xử lý đồng ruộng, biến tàn dư thực vật thành 'thuốc bổ' cho ruộng để sản xuất cây vụ đông.

Sau mưa bão, lũ lụt, xuất hiện lượng lớn tàn dư thực vật trên đồng ruộng. Điều này gây cản trở lớn cho việc làm đất sản xuất cây trồng vụ đông, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều loại sâu, bệnh hại.

Trước bối cảnh trên, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp cùng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (đại diện dự án Xanh Việt Nam) cùng đơn vị tài trợ SASAKI-ORGEN triển khai chương trình hỗ trợ các vùng khó khăn bị ảnh hưởng của bão số 3 nhằm phục hồi sản xuất tại xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Nông dân xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) hồ hởi đón nhận chế phẩm vi sinh Emuniv. Ảnh: Quang Linh.

Nông dân xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) hồ hởi đón nhận chế phẩm vi sinh Emuniv. Ảnh: Quang Linh.

Chương trình được thực hiện từ 23/9 – 5/10, hỗ trợ bà con 361kg giống ngô CP511 và 400 gói chế phẩm vi sinh Emuniv. Ngoài hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp, chương trình còn tập huấn kỹ thuật phát triển cây vụ đông; áp dụng công nghệ vi sinh để xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng, giảm thiểu sâu bệnh hại và làm phân bón hữu cơ; kỹ thuật làm đất trồng ngô giúp giảm thiểu công lao động, đơn giản, dễ thực hiện và cho năng suất cao.

Đợt mưa bão, lũ lụt vừa qua, xã Phủ Lý thiệt hại gần 18 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực. Về nông nghiệp, ghi nhận 104ha lúa và hoa màu bị ngập úng, phần lớn diện tích không thể khắc phục. Vụ lúa mùa năm nay, nhiều nông dân tại xã Phủ Lý coi như mất trắng. Do đó, bà con đều dồn cả hi vọng vào ngô vụ đông sắp tới.

"Thuốc bổ" cho đồng ruộng

Từ sáng sớm, rất đông người dân đã tới Trung tâm Học tập cộng đồng tại UBND xã Phủ Lý để được chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật xử lý rơm rạ, ruộng đồng sau mưa lũ bằng chế phẩm vi sinh.

Gặp bà con nông dân xã Phủ Lý, phóng viên không khỏi bất ngờ về nhận thức rất rõ của bà con đối với nguy cơ sâu bệnh hại trên ruộng đồng sau khi lũ rút.

Ông Bùi Quang Hữu, trú tại xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý hồ hởi đề xuất các chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ hướng dẫn tại thửa ruộng của mình ngay vào buổi chiều.

Phối trộn chế phẩm vi sinh. Ảnh: Quang Linh.

Phối trộn chế phẩm vi sinh. Ảnh: Quang Linh.

“Trong xã có hộ đã dùng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rồi, hiệu quả thấy tốt lắm, gần như không phải bón phân và dùng ít thuốc bảo vệ thực vật. Người ta làm ruộng nhàn tênh, còn tôi cứ đầu tắt mặt tối. Hôm nay có các chuyên gia từ Hà Nội về, đây là cơ hội để tôi thay đổi cách làm”, ông Hữu tâm sự.

Vụ lúa mùa năm nay, ông Hữu mất trắng 4 sào ruộng do lũ, giờ chỉ chờ cải tạo đất để gieo trồng ngô vụ đông. Khi được hỏi về tiền sử sâu bệnh hại, ông Hữu cho biết: “Thửa ruộng này thường xuyên xuất hiện sâu ăn lá. Tôi thường ra tiệm vật tư nông nghiệp mua thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu. Có đợt tôi phun 4 - 5 lượt thuốc nhưng sâu không hết. Tôi chán nên cũng bỏ đó”.

Cầm trên tay gói chế phẩm sinh học Emuniv, bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ hướng dẫn ông Hữu và bà con nông dân có mặt cách phối trộn, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh Emuniv.

Cụ thể, bà con thực hiện rắc đều chế phẩm vi sinh lên mặt ruộng với liều lượng 1 gói Emuniv 200g trộn với 3 - 5kg đất bột (cát hoặc phân chuồng), làm ẩm rồi rắc đều lên 500m2 mặt ruộng. Sau đó, chạy máy vùi rơm rạ và tiến hành lấy nước làm đất bình thường.

Ngoài ra, bà con có thể phun trực tiếp chế phẩm vi sinh lên mặt ruộng với liều lượng 1 gói Emuniv 200g hòa với nước sạch phun đều lên 500m2 mặt ruộng. Sau đó, chạy máy vùi rơm rạ và tiến hành lấy nước làm đất bình thường.

Chuyên gia nông nghiệp lưu ý, quá trình rắc chế phẩm vi sinh nên được thực hiện nhanh, rắc đều tay để tránh lãng phí. Nông dân nên rải hoặc phun khi trời râm mát, hiệu quả nhất là trước khi mưa.

Bà Hà cho biết, so sánh với đối chứng, đất ruộng sử dụng chế phẩm Emuniv nhuyễn mịn, màu đất nâu sáng, không hôi thối. Rơm rạ còn lại trong ruộng mềm và không thối đen. Do ruộng để lại toàn bộ rơm rạ che phủ và được xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh nên không cần dùng thuốc trừ cỏ và vun xới, bà con chỉ cần quản lý các cây cỏ cao có tranh chấp dinh dưỡng và ánh sáng với cây ngô.

Ông Bùi Quang Hữu thực hiện rắc chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng sau khi được chuyên gia hướng dẫn. Ảnh: Quang Linh.

Ông Bùi Quang Hữu thực hiện rắc chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng sau khi được chuyên gia hướng dẫn. Ảnh: Quang Linh.

Bà Bùi Thị Hồng Hà cho biết: “Xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng bằng công nghệ vi sinh vừa an toàn, thân thiện với môi trường, hạn chế sâu bệnh hại, lại chuyển hóa được rơm rạ làm phân bón, cải tạo môi trường đất. Đất xốp, không quá nhão vào mùa mưa và không quá cứng vào mùa khô”.

Khi sử dụng chế phẩm sinh học Emuniv để xử lý rơm rạ trên ruộng, các vi sinh vật trong chế phẩm sẽ tiết ra các enzyme phân giải mạnh các chất hữu cơ, đặc biệt là các chất hữu cơ khó tiêu thành dạng khoáng hữu cơ giúp cây trồng dễ dàng hấp thu, kích thích sinh trưởng và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh hại.

Rơm rạ sau thu hoạch sẽ được chế phẩm vi sinh phân hủy ngay trên mặt ruộng thành các loại khoáng hữu cơ tan để cây trồng dễ dàng hấp thụ hàng ngày, ngăn chặn tình trạng thối đất và xử lý phèn tốt.

Từ đó, cùng với hệ vi sinh vật đất ưu việt, chế phẩm giúp đất hồi phục sau mỗi chu kỳ canh tác mà không cần sử dụng các loại phân hóa học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ không chỉ giúp nông dân cải tạo đất ruộng mà còn thúc đẩy người dân hướng tới canh tác xanh, bền vững, giảm phát thải.

Về kỹ thuật chuẩn bị đất trồng ngô vụ đông, chuyên gia khuyến cáo ngay khi thu hoạch lúa, toàn bộ lượng rạ để lại ruộng dùng để che phủ đất (có tác dụng giảm lượng nước bốc hơi, giữ ẩm cho ruộng, đồng thời hạn chế cỏ dại).Tạo rãnh trên ruộng bằng cách áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí công lao động.

Tùy thuộc điều kiện cụ thể, nếu ruộng dễ thoát nước thì cứ 5 - 6 hàng tạo 1 rãnh; với ruộng khó thoát nước 3 - 4 hàng tạo 1 rãnh thoát nước và làm rãnh xung quanh ruộng. Độ sâu của rãnh thoát từ 18 - 20cm, bề mặt rãnh từ 15 - 20cm.

Bà Bùi Thị Hồng Hà (bên phải) hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh. Ảnh: Quang Linh.

Bà Bùi Thị Hồng Hà (bên phải) hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh. Ảnh: Quang Linh.

Thay đổi nhận thức nông dân

Sau khi được nghe tận tai, xem tận mắt cách xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh, nhiều nông dân xã Phủ Lý không khỏi tiếc nuối vì bây giờ mới biết tới cách làm này.

Ông Phạm Quang Tựa tự “thú nhận” bản thân năm nào cũng đốt đồng. Đợt lũ vừa qua rút, ông Tựa cũng chuẩn bị đốt đồng, nhưng may mắn được hướng dẫn kịp thời cách xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh. “Sao tôi không biết tới sớm hơn. Hứa với các chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ là tôi không đốt đồng nữa”, ông Tựa tiếc nuối.

Ông Bùi Phương Thảo, Chủ tịch xã Phủ Lý đánh giá cao sự tham gia của các chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ và nhà tài trợ trong bối cảnh người dân địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra.

Ông Thảo mong muốn: “Việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh, quy trình sản xuất lúa cải tiến cần được thực hiện rộng rãi và dài hạn. Từ đó thay đổi nhận thức của người dân về canh tác giảm phát thải, giúp tăng năng suất, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Theo bà Đỗ Phương Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm phân tích và Chuyển giao công nghệ môi trường (Viện Môi trường nông nghiệp), rơm rạ ngâm trong nước lũ lâu ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh hại khi bà con gieo cấy vụ mới nếu không xử lý nền đất tốt. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tại đồng ruộng, ngoài việc xử lý các chất hữu cơ còn giúp phục hồi nền vi sinh vật trong đất.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.