| Hotline: 0983.970.780

Chết dở vì hành tây

Thứ Tư 01/02/2012 , 10:31 (GMT+7)

Thay vì niềm vui đầu Xuân, lại là nỗi buồn rười rượi vì giá hành tây rẻ như bèo.

Nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội) thu hoạch hành tây sau Tết trong nỗi buồn rớt giá thê thảm

Ngay sau Tết, nông dân trồng hành tây ở Hà Nội đang tất tưởi xuống đồng thu hoạch đại trà. Tuy nhiên, thay vì niềm vui đầu Xuân, lại là nỗi buồn rười rượi vì giá hành tây rẻ như bèo. 

Giữa cái rét như cắt da cắt thịt, chị Vũ Thị Luyến, một nông dân tại vùng rau Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) vừa thu dọn nốt những gốc hành tây thải loại trên khu ruộng vừa thu hoạch, vừa buồn bã kể: “Từ mồng 4 tết, cả gia đình tôi đã phải lăn ra ruộng thu hoạch hành tây vụ đông để kịp thời giải phóng đất, lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ ĐX. Âý thế mà giá hành tây lại rẻ như bèo. Hiện tại, hành tây loại đẹp, củ to, thương lái tới ruộng mua nhỏ giọt với giá chỉ khoảng 3 nghìn đồng/kg (so với giá các năm trước từ 7 – 9 nghìn đồng/kg). Những loại hành củ nhỏ, mẫu mã xấu thậm chí chỉ có giá dưới 1 nghìn đồng/kg nhưng chẳng ai mua. Nguyên nhân vì sao năm nay giá hành tây lại rẻ như thế thì chúng tôi chịu, chỉ nghe thương lái nói do thị trường sau tết tiêu thụ kém”. 

Dọc QL 23 từ huyện Đông Anh ngược lên vựa hành tây tại khu vực xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội), hành tây chất đống như núi hai bên đường chờ xe tải đến rước đi, nhưng dưới ruộng, nông dân cũng đang khóc ròng vì hành. Anh Đặng Văn Công, một “đại gia” hành tây ở thôn Do Hạ, xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) đang huy động cả gia đình thu hoạch hơn một mẫu hành tây tại khu vực đồng đất xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Mọi năm, giá hành tây lúc rẻ nhất cũng phải 6 – 7 nghìn đồng/kg, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán thậm chí leo lên tới 8 – 9 nghìn đồng. Vì thế, trồng hành tây đã giúp nhiều nông dân xã Tiền Phong hái ra tiền. Mấy năm nay, đất nông nghiệp ở Tiền Phong bị thu hồi phần lớn để làm công nghiệp nên nông dân ở Tiền Phong còn ào ào sang xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) thuê đất trồng hành với giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/sào/năm. Thế nhưng năm nay nhiều nhà lỗ sặc tiết.  

Ngoài hành tây bị rớt giá mạnh, các loại rau khác sau Tết Nhâm Thìn mặc dù giảm giá nhẹ so với trước tết, song vẫn giữ được mức giá tương đối ổn định. Tại chợ rau đầu mối Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), giá su hào giảm nhẹ so với trước tết, duy trì ở mức 2.000 – 2.300 đ/kg, cần tây 5.000 đ/kg, khoai tây 6 – 7 nghìn đồng/kg, cải dưa 2.500 đ/kg….

Anh Công nói như mếu: “Hành giống năm nay đắt nên riêng tiền giống đã phải chi hơn 1 triệu đồng/sào. Công với tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê đất… thì chi phí bình quân phải 2,5 triệu đồng/sào. Với năng suất hành năm nay chỉ khoảng 1,5 tấn/sào, bán với giá trung bình 3 nghìn đồng/kg, như gia đình tôi thì không lỗ, nhưng chỉ có công chứ không có lãi. Còn nhiều hộ trồng hành tây ở Tiền Phong, thu hoạch hành từ hôm mồng 3 tết, bán giá còn chưa tới 3 nghìn đồng/kg, không những không có công mà trừ tiền đầu tư còn lỗ 3 – 5 trăm nghìn đồng/sào”.

Không chỉ giá quá bèo bọt, mà năm nay người trồng hành tây còn lỗ chổng vó vì năng suất hành tây bị tụt nghiêm trọng. Theo khảo sát, năng suất hành tây bình quân tại vựa SX hành ở khu vực Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) năm nay chỉ dao động từ 1,3 – 1,4 tấn/sào, cao nhất chỉ khoảng 1,6 tấn/sào. Trong khi đó, những năm trước năng suất hành tây tại đây thường lên tới 1,7 – 2 tấn/sào. Nguyên nhân của tình trạng này, theo nông dân là do mùa đông năm nay đến quá muộn. 

Cụ thể, thời vụ đưa cây hành con ra ruộng (sau khi gieo giống 1 tháng) thường vào cuối tháng 9 – đầu tháng 10 (âm lịch). Thông thường các năm, từ tháng 10 trở đi các đợt không khí lạnh đã bắt đầu xuất hiện nên rất thuận lợi cho hành tây phát triển. Thế nhưng năm nay, mãi tới cuối tháng 11, đầu tháng 12, các đợt không khí lạnh mới xuất hiện. Do đầu vụ xuống giống thời tiết ấm, trong khi hành tây lại là cây ưa lạnh nên tỉ lệ hành con bị chết đầu vụ rất cao, có khu vực hành con bị chết từ 20 – 30%, thậm chí phải trồng lại hoàn toàn. Đây chính là nguyên nhân khiến năng suất hành tây năm nay bị giảm mạnh.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.