Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 707.300 đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 711 tỉ đồng.
Đến ngày 17/5, toàn tỉnh đã có 409.932 người được nhận tiền hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 627 tỉ đồng, đạt 88% kế hoạch. Dự kiến, Thanh Hóa sẽ kết thúc chi trả đợt này vào ngày 20/5.
Ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành chức năng đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương kiểm tra, rà soát đối tượng để cấp phát nhằm hỗ trợ kịp thời, giải quyết khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch covid-19.
Trong quá trình cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ, có khoảng 4 nghìn người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, dành số tiền này trả lại ngân sách Nhà nước để giúp đỡ những người khó khăn hơn.
Sở LĐTB&XH đã cử 3 đoàn công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh xuống các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Quảng Xương để kiểm tra, giám sát trực tiếp tại một số xã và đối thoại trực tiếp với một số người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.
Các đoàn công tác ghi nhận, tại một số huyện có tình trạng cán bộ xã tự ý in sẵn mẫu đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ; hoặc có nơi cán bộ thôn đến vận động người dân không nhận hỗ trợ.
Ngay sau đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hỏa tốc gửi đến các địa phương để chỉ đạo và đã chấn chỉnh ngay việc này.
Theo đó, trong quá trình cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân, huyện nào, xã nào, thôn nào mà vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ là không đúng với quan điểm, chủ trương của tỉnh.
Đối với những trường hợp người dân bị cán bộ cơ sở vận động không nhận tiền hỗ trợ, trong khi người dân không tự nguyện, phòng LĐTB&XH huyện và cán bộ UBND xã phải mời số người dân này lên xã để trả lại tiền hỗ trợ cho dân.
Số tiền người dân tự nguyện không nhận, sau khi kết thúc đợt chi trả này, các địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh để hoàn trả lại ngân sách Nhà nước.