Tỉnh Hưng Yên hiện có 32/390 HTX có trụ sở làm việc riêng (chiếm 8,2%), 136/390 HTX ở nhờ, ở tạm tại trụ sở UBND xã, còn lại 222/390 HTX phải lấy nhà riêng của lãnh đạo HTX làm trụ sở nên có nhiều bất tiện vì còn liên quan đến sinh hoạt của gia đình. Thiếu trụ sở cũng ảnh hưởng đến việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng như giao dịch vay vốn ngân hàng của các HTX.
Không chỉ vậy, đội ngũ cán bộ của các HTX ngày càng lâm vào tình trạng già hóa khi không thu hút được những người trẻ tuổi, có trình độ tham gia vào quản lý, điều hành do thu nhập thấp, điều kiện lao động nông nghiệp vất vả. Các nguyên nhân đó khiến cho các HTX chủ yếu vẫn hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, chỉ tham gia vào một số khâu cơ bản, truyền thống nhất, chưa đa dạng hóa về dịch vụ, chưa mạnh dạn ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất theo chiều sâu từ trồng trọt, chăn nuôi đến sơ chế, chế biến đồng thời kinh doanh luôn sản phẩm. Nếu có những HTX ứng dụng công nghệ cao thì cũng chỉ dám đầu tư từng phần, thiếu đồng bộ nên hiệu quả kinh tế chưa được tốt, tính lan tỏa chưa được rộng.