| Hotline: 0983.970.780

Chỉ thị đặc biệt của Chính phủ về phát triển bền vững ngành chế biến gỗ

Thứ Hai 01/04/2019 , 15:35 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp đặc thù phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025.

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gỗ 2025 đạt 20 tỷ USD

Ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện thu hút khoảng 4.500 doanh nghiệp cùng hàng vạn công nhân

Số liệu thống kê cho thấy, gỗ và lâm sản ngoài gỗ là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam, liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010 - 2018.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 9,38 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu các ngành hàng thuộc ngành nông nghiệp. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,909 tỷ USD, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm 2018 đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu.

Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu đã góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng nông thôn miền núi, thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.Với khoảng 4.500 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn công nhân và trên một triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại khó khăn, vượt qua những thách thức nhằm tạo bứt phá phát triển nhanh bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt các nội dung sau.

Thứ nhất, quan điểm và mục tiêu của Chính phủ là phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu. Sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.

Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD, năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD. Quá đó, từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
 

Hỗ trợ tối đa cho ngành công nghiệp chế biến gỗ hợp pháp

Để hoàn thành mục tiêu trên, Thủ tưởng Chính phủ yếu các các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017 với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và phát triển lâm nghiệp bền vững.

Tiếp tục các chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung (bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ), Nhà nước bố trí nguồn vốn đầu tư hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng 01 Trung tâm nhập khẩu, phân phối gỗ quy mô lớn (Chợ đầu mối gỗ nguyên liệu) làm nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn kết với các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu, đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt, tăng cường năng lực thiết kế, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao mang thương hiệu Việt, xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam làm động lực tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong thời gian tới.

Đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cao của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ.

Chỉ thị 08 yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước. Chú trọng xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm xuất khẩu, sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu thị trường quốc tế, phấn đấu có ít nhất một sản phẩm của ngành lâm nghiệp là sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia.
Chỉ thị 08 sẽ Ban hành chính sách mua sắm công ưu tiên sử dụng các sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp và bền vững môi trường từ gỗ rừng trồng trong nước, được sản xuất ở Việt Nam để thúc đẩy phát triển thị trường gỗ nội địa

Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam. Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đầu tư các trung tâm triển lãm quy mô lớn tương xứng với tiềm năng phát triển ngành chế biến gỗ, trước mắt nâng cấp Hội chợ VIFA - EXPO tại TP.HCM hiện nay thành hội chợ quốc tế ngành chế biến gỗ Việt Nam gắn với việc tôn vinh và bầu chọn các thương hiệu uy tín trong năm.

Các hiệp hội của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế; từng bước nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Chỉ thị 08 của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp và tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng gỗ từ rừng trồng. Trong đó, cần sớm ban hành chính sách mua sắm công ưu tiên sử dụng các sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp và bền vững môi trường từ gỗ rừng trồng trong nước, được sản xuất ở Việt Nam để thúc đẩy phát triển thị trường gỗ nội địa.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.