Và, muốn tăng trưởng đột biến thì phải nắm được chìa khóa thành công, đó chính là khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 900% trong 14 năm
Tại Diễn đàn ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019 diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu những vấn đề căn cốt mang tính chiến lược, định hướng sự phát triển của ngành.
Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019 diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: VV) |
Thủ tướng nhận định, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 9,4 tỷ USD. Đây là minh chứng cho sự thắng lợi trên mặt trận kinh tế. Nhưng, điều quan trọng hơn là sức mạnh nội lực của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã được củng cố vững chắc. Tỷ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước (gần như toàn bộ là gỗ rừng trồng) đạt 76,4%, nguyên liệu gỗ nhập khẩu giảm xuống ở tỷ lệ 23,4%.
Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều quốc gia phát triển. Qua đó thấy rằng, trí tuệ của con người và khoa học công nghệ đã được “thổi” vào từng cái bàn, cái ghế... để nâng giá trị gia tăng cho gỗ Việt. Tỷ lệ nguyên liệu gỗ thô, gỗ tròn xuất khẩu đã giảm mạnh, thay vào đó là gỗ thành phẩm. Đây là bước chuyển biến về chất cực kỳ quan trọng, là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng cho biết, bước đầu chúng ta đã hình thành được 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Nhiều công ty mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến gỗ kỹ thuật cao, dây chuyền tự động hóa để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, hình thức. Nhờ vậy mà khách hàng từ hơn 120 quốc gia trên thế giới đã tìm đến Việt Nam để đặt hàng. So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên 900%, chưa có ngành hàng nào tăng trưởng mạnh mẽ, đột biến như vậy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày tại diễn đàn (Ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, nhìn thị trường ngành hàng đồ gỗ toàn cầu với giá trị 430 tỷ USD, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chưa cảm thấy thỏa mãn. Bởi, một đất nước “Tam sơn, tứ hải” với diện tích rừng hơn 14 triệu hecta mà kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Như vậy là quá nhỏ bé. Phải biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất, chế biến đồ gỗ của thế giới. Chúng ta phải nâng giá trị xuất khẩu gỗ từ 10 tỷ USD lên 60 – 70 tỷ USD trong tương lai. Đây không phải là điều viển vông mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu có một hướng đi phù hợp. Muốn làm được điều đó, ngay từ bây giờ cần đầu tư thích đáng cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển đội ngũ thiết kế đồ gỗ nội thất, ngoại thất, chế tạo máy chế biến gỗ... Bởi phi khoa học bất thành ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản cao cấp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Vừa trồng rừng, vừa “trồng” người
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, chia sẻ: Số lượng kỹ sư ngành chế biến lâm sản, thiết kế nội thất ở nước ta chỉ chiếm 1 – 2%. Lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 20 – 30%, còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Chất lượng và năng suất lao động của ngành chế biến gỗ Việt Nam thấp, chỉ bằng 50% năng suất lao động so với Philipines, 40% của Trung Quốc và 20% của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc cách mạng 4.0 trong chế biến gỗ và lâm sản đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng tốt khoa học công nghệ sản xuất. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho ngành chế biến gỗ và lâm sản về đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, một “nút thắt” lớn khác của ngành gỗ chính là nguồn nguyên liệu. Nhận thức được điều đó, từ năm 2013 – 2017, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, các đơn vị nghiên cứu và chuyển giao đã ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo, phát triển các giống cây lâm nghiệp mọc nhanh (keo, bạch đàn), cây bản địa gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có lợi thế cạnh tranh cao. Đồng thời nghiên cứu các quy trình, công nghệ tiên tiến trong chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và nguyên liệu phụ trợ trong sản xuất đồ mộc; xây dựng các gói kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, ứng dụng kỹ thuật thâm canh cho các loài cây trồng rừng chủ lực và chủ yếu.
Ngành chế biến gỗ tăng trưởng đột biến trong những năm qua (Ảnh: Võ Việt) |
Đặc biệt, các cơ sở nghiên cứu cũng đã đẩy mạnh chuyển giao giống gốc, công nghệ mô – hom, công nghệ xây dựng các vườn giống cho hơn 35 đơn vị sản xuất giống với số lượng trung bình 500.000 giống gốc mỗi năm. Thông qua kết quả nghiên cứu phát triển và sự hỗ trợ của các chương trình dự án, tỷ lệ sử dụng cây vô tính trong trồng rừng, bình quân trong cả nước khoảng 30%.
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ cũng cho biết: Gỗ hợp pháp là yêu cầu đòi hỏi bắt buộc đối với thị trường xuất khẩu tiềm năng như EU, Mỹ, Nhật Bản... và thị trường quốc tế. Bởi vậy, để có được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, bắt buộc phải triển khai đẩy mạnh các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng.
Ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific, cho biết: Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 723 doanh nghiệp có chứng chỉ chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha. Theo khảo sát, các công ty thu mua gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ FSC giá cao hơn từ 12 – 15% so với rừng không được cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, rất cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện mô hình liên kết này có hiệu quả bền vững. Trong đó, cần nghiên cứu xây dựng được suất đầu tư trồng rừng đầy đủ cho 1 chu kỳ cây trồng theo từng vùng sinh thái, trong đó xác định được các chi phí công đoạn trồng rừng (xử lý thực bì, làm đất, mua cây non, trồng, chăm sóc, bảo vệ...). Xây dựng suất đầu tư trồng rừng này không phải để xin tiền ngân sách mà là căn cứ quan trọng để người dân vay ngân hàng.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến gỗ Hiện nay, các quốc gia có nền công nghiệp chế biến gỗ phát triển là nhờ nắm trong tay nhiều công nghệ tiên tiến. Bởi vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ vật liệu mới, gia công gỗ tiên tiến, biến tính gỗ, công nghệ nano, công nghệ sấy, ngâm, tẩm thân thiện môi trường; công nghệ sản xuất chất phủ bề mặt, keo dán trong chế biến và bảo quản lâm sản bảo vệ sinh thái. Cần ứng dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc xuất xứ gỗ, kiểm soát chất lượng gỗ, rô bốt thông minh, công nghệ in 3D, gia công gỗ công nghệ cao. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu phát triển nội thất thông minh, tích hợp các tiện ích trên cơ sở kết nối vạn vật, nâng cao chất lượng và mở rộng công năng cho sản phẩm đồ gỗ nội thất, ứng dụng các giải pháp thông minh trong thiết kế sản phẩm nội thất cho các không gian ở, không gian làm việc. Điển hình như bài học thành công của Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA. Nhờ đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất chất lượng hàng đầu Châu Á, khách hàng của AA là những tập đoàn điều hành khách sạn và nghỉ dưỡng 5 sao lớn trên thế giới như Starwood, Acoor, IHG, Mariott, Hilton, Hyatt và Faimont. Thậm chí, với hơn 80.000m2 diện tích nhà xưởng và gần 1.500 công nhân lành nghề, công ty này tự hào có khả năng sản xuất tất cả các món đồ nội thất với chất lượng cao nhất, từ những bàn tay giỏi giang nhất và chi tiết đường nét xuất sắc nhất. Bài học thành công của Cty CP Xây dựng Kiến trúc AA cho thấy, ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu hợp pháp ổn định bền vững trong nước, khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến gỗ chính là chìa khoá thành công, giúp Việt Nam chinh phục mục tiêu 25 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ vào năm 2025. |