| Hotline: 0983.970.780

'Chìa khóa' mở kho giải pháp giúp giảm giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL

Thứ Ba 16/11/2021 , 09:03 (GMT+7)

ĐBSCL Chìa khóa để giảm giá thành sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở ĐBSCL chính là ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với việc liên kết.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giảm giá thành 2 – 3 triệu đồng/ha

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Trong vụ hè thu 2021 ở ĐBSCL giá thành bình quân 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg so với vụ hè thu 2020 (tăng khoảng 4%). Trong khi đó, giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao nhưng nhờ áp dụng giảm chi phí hạt giống, phân bón, thuốc BVTV nên giá thành sản xuất tăng không đáng nên bà con nông dân vẫn đảm bảo được lợi nhuận cao hơn so với vụ hè thu 2020.

Điển hình một số tỉnh thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như Tiền Giang vụ hè thu năng suất ước đạt 6 tấn/ha, tổng chi phí khoảng 20 triệu/ha, thu nhập đạt 42 triệu/ha, lợi nhuận 22 triệu/ha, tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/ha so với vụ hè thu 2020. Do đó, để phát triển bền vững sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM và ICM, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa “ướt khô xen kẽ - nông lộ phơi”. Đồng thời chú trọng giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích.

Kết quả hiện nay gieo sạ tập trung 100 – 120 kg/ha, giảm đáng kể lượng giống lúa gieo sạ trên 150 kg/ha, giúp giảm chi phí đầu tư về hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khoảng 2 - 3 triệu đồng/ha. Cùng với việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng trên 75% giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là 'chìa khóa' để giám giá thành hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là "chìa khóa" để giám giá thành hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Theo số liệu công bố của Sở Tài Chính An Giang giá thành vụ hè thu 2021 tại tỉnh là 4.197 đồng/kg và qua theo dõi giá thành bình quân từ năm 2017 đến nay bình quân giá thành vụ thu đông là 4.017 đồng/kg lúa. Giá thành sản xuất sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá phân bón. Do đó, trong vụ thu đông 2021 và đông xuân 2022 nếu giá vật tư nông nghiệp (VTNN) tiếp tục tăng cao thì khả năng giá thành sản xuất/kg lúa cũng sẽ tăng theo.

Ông Thọ cho biết: Vụ lúa thu đông 2021 An Giang đang sản xuất 161 ngàn ha, ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 và giá VTNN tăng cao gây áp lực lớn cho nông dân. Chính vì vậy ngành nông đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để khuyến cáo nông dân giảm chi phí đầu tư để đảm bảo có lợi nhuận.

Trước tiên là giảm các yếu tố đầu vào có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất bao gồm chi phí phân bón, thuốc BVTV, giống và chi phí thu hoạch bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến hiện nay. Cụ thể là áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc và bón phân cho cây trồng.

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng chương trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”. Khuyến khích nông dân giảm giống, giảm lượng phân, thuốc BVTV, tưới nước tiết kiệm. Khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. Bên cạnh đó, bà con nông dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, để giảm áp lực lên nhu cầu phân bón vô cơ trong nước. Tuyên truyền mạnh mẽ vai trò của tưới ngập khô xen kẽ giúp quản lý tốt đổ ngã thuận lợi cho khâu thu hoạch.

Muốn giảm giá thành hiệu quả nhất trong thời điểm khó khăn hiện nay người nông dân cần sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập thể HTX và giảm dần sản xuất mang tính cá nhân. Chỉ có như vậy người nông dân mới tiếp cận nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và giúp giảm chi phí đầu tư từ 20-25%. (Ông Trương Kiến Thọ, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang)

Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng IPM trong sản xuất lúa, giúp giảm chi phí thuốc BVTV, đảm bảo chất lượng lúa phục vụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh An Giang đang phát triển các mô hình liên kết bao tiêu đầu ra với các DN. Trong đó chú trọng phát triển đề án liên kết tập thể của các HTX và Tổ hợp tác, đề án hỗ trợ về HTX và đề án an ninh lương thực.

Nhiều giải pháp để giảm giá thành trong sản xuất lúa

Để đảm bảo có hiệu quả trong sản xuất lúa, mới đây Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương ĐBSCL tuyên truyền rộng rãi và khẩn trương các giải pháp ứng phó với tình hình giá VTNN tăng cao. Đồng Thời chủ động giảm giá thành sản xuất lúa, tăng sức cạnh tranh ngành hàng lúa gạo trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Trước nhất chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình sản xuất và công nghệ mới, phương pháp tổ chức vào sản xuất. Sử dụng các loại vật tư mới vào sản xuất như: các loại phân bón mới, phân bón chậm tan, phân bón nano, phân hữu cơ/thuốc BVTV sinh học, vi sinh, chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả, năng suất.

Nhiều năm qua nông dân ĐBSCL đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất như sạ thưa, sạ máy, áp dụng máy cấy trong canh tác lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều năm qua nông dân ĐBSCL đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất như sạ thưa, sạ máy, áp dụng máy cấy trong canh tác lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất như sạ thưa, sạ máy, áp dụng máy cấy trong canh tác lúa. Áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp giảm chi phí, cây trồng phát triển khỏe, cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường.

Ứng dụng nhanh các các mô hình khuyến nông đã được đánh giá hiệu quả vào sản xuất như: sử dụng giống xác nhận, hạt giống F1, cơ giới hóa trong sản xuất... góp phần giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa, nâng cao tỷ lệ sử dụng các giống lúa có chất lượng trong sản xuất. Nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lai F1 trong nước, hạ giá thành. Giảm chi phí trong sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL góp phần giảm 30 - 50% lượng giống, giảm 10-15% chi phí sản xuất, giảm chi phí thuốc BVTV.

Song song với hoạt động triển khai dự án, mô hình khuyến nông là các hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông với nhiều nội dung và hình thức phong phú, giúp cán bộ khuyến nông cũng như bà con nông dân có thêm những thông tin về mô hình hay, giải pháp tiên tiến.  

Chương trình 'Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL' giúp nông dân giảm giá thành tăng thêm lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” giúp nông dân giảm giá thành tăng thêm lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó cần triển khai thực hiện Dự án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông cơ sở thông qua hình thành Tổ khuyến nông cộng đồng”. Hình thành các Tổ khuyến nông cộng đồng thuộc hệ thống khuyến nông nhằm tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ. Hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp điển hình thuộc các lĩnh vực khác nhau như: lúa gạo, cây ăn quả, chăn nuôi, lâm nghiệp.

Nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang phối hợp với Công ty CP phân bón Bình Điền triển khai Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”. Chương trình với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, Ban cố vấn sẽ tư vấn trực tiếp, gián tiếp trên các kênh thông tin khác nhau để hướng dẫn bà con nông dân quản lý dịch hại, sử dụng phân bón, thuốc BVTV phù hợp, cách sản xuất ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết hiện nay đang phát huy hiệu quả.

Xem thêm
Cà phê là mặt hàng nông sản tăng giá mạnh nhất niên vụ 2023 - 2024

Dù sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 11,3%, kim ngạch niên vụ 2023-2024 vẫn đạt kỷ lục 5,42 tỷ USD (tăng 33%), trong đó EU nhập khẩu 2 tỷ USD.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.