| Hotline: 0983.970.780

Tập trung giảm giá thành sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022

Thứ Sáu 01/10/2021 , 14:40 (GMT+7)

Vượt qua nhiều khó khăn, các tỉnh Nam bộ đã thành công trong các vụ lúa đã qua và chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân 2021-2022 với yêu cầu giảm giá thành sản xuất.

Sản lượng lúa cả năm ở Nam bộ ước tăng hơn 500 nghìn tấn so với năm 2020. Ảnh: Ngọc Trinh.

Sản lượng lúa cả năm ở Nam bộ ước tăng hơn 500 nghìn tấn so với năm 2020. Ảnh: Ngọc Trinh.

Sản xuất thành công trong bối cảnh dịch bệnh

Sáng 1/10, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết trồng trọt vụ Thu Đông và Mùa 2021, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 ở các tỉnh Nam bộ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, dù chịu ảnh hưởng lớn của tình hình dịch bệnh Covid–19, mực nước lũ ở vùng ĐBSCL thấp ..., nhưng đến nay sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa 2021 các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Cụ thể, vụ Thu Đông 2021 các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gieo sạ 714,6 nghìn ha, đạt 102% kế hoạch và giảm 9,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, giảm 22 nghìn tấn so vụ Thu Đông 2020.

Vụ Mùa toàn vùng Đông Nam bộ (ĐNB) và ĐBSCL diện tích lúa gieo sạ 258,6 nghìn ha, giảm 6 nghìn ha; năng suất ước đạt 4,97 tấn/ha, tăng 0,27 tấn/ha và sản lượng 1,286 triệu tấn, tăng 43 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo từ các Sở NN-PTNT, toàn vùng ĐNB và ĐBSCL sản xuất lúa cả năm 2021 ước diện tích đạt 4,165 triệu ha, giảm 58,7 nghìn ha; năng suất ước đạt 6,18 tấn/ha, tăng 0,21 tấn/ha và sản lượng ước đạt 25,734 triệu tấn, tăng 515 nghìn tấn so với năm 2020.

Thông tin từ ngành nông nghiệp nhiều tỉnh cũng cho thấy những kết quả khả quan trong sản xuất lúa và các cây trồng khác tại địa phương.

Ông Lê Hữu Toàn, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết, ước tỉnh sản lượng lúa của toàn tỉnh trong năm nay đạt gần 4,5 triệu tấn, tăng mạnh so với kế hoạch đề ra là 4,2 triệu tấn. Với sự tăng trưởng của sản xuất lúa và các cây trồng khác, cùng tăng trưởng của thủy sản, nông nghiệp là ngành kinh tế duy nhất ở Kiên Giang có sự tăng trưởng trong bối cảnh cả tỉnh gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, GĐ Sở NN-PTNT Long An, cho hay, dù bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, Covid-19, nhưng sản xuất lúa của tỉnh này cơ bản thắng lợi với sản lượng cả nước ước đạt 2,85 triệu tấn so với kế hoạch là 2,7 triệu tấn.

Với những kết quả như trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã biểu dương các tỉnh, thành ở ĐNB và ĐBSCL, dù phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng đã nỗ lực để đảm bảo cho tất cả các mùa vụ đều có kết quả khả quan. Bằng chứng là sản lượng lúa của cả Nam bộ vẫn tăng hơn nửa triệu tấn, các cây trồng khác cũng có sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá vật tư đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất lúa ở Nam bộ đã tăng đáng kể. Thông tin từ các Sở Tài chính, Sở nN-PTNT thuộc các tỉnh, TP ở ĐBSCL, cho thấy, từ vụ Hè Thu 2018 đến vụ Hè Thu 2020, giá thành sản xuất lúa luôn có xu hướng giảm xuống. Nhưng trong vụ Hè Thu 2021, giá thành đã tăng trở lại với mức tăng 222 đồng/kg trên toàn vùng.

Tập trung giảm giá thành lúa

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022 toàn khu vực Nam bộ sẽ có tổng diện tích xuống giống là 1,6 triệu ha, tăng 2 nghìn ha so với vụ Đông Xuân trước. Trong đó, Vùng ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu ha. Năng suất dự kiến trên toàn khu vực là 7,189 tấn/ha, sản lượng dự kiến 11,5 triệu tấn, tăng 50,42 nghìn tấn so với Đông Xuân 2020-2021. Trong đó, sản lượng dự kiến ở ĐBSCL là 11,024 triệu tấn.

Thông tin từ Tổng cục Thủy lợi cho thấy, đỉnh lũ trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10, tại Tân Châu dao động ở mức 2,8 - 3,2 m, thấp hơn khoảng 0,3 – 0,7 m so với BĐ1 (3,5m), thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5 - 0,9 m; tại Châu Đốc dao động ở mức 2,6 - 2,9 m, thấp hơn khoảng 0,1 – 0,4 m so với BĐ1 (3,0 m), thấp hơn TBNN khoảng 0,4 - 0,6 m.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức ở mức sớm và sâu hơn so với TBNN, khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021.

Với tình hình nguồn nước như trên, để đảm bảo thành công cho vụ Đông Xuân 2021-2022, khoảng 400.000 ha ở những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang), sẽ xuống giống sớm từ ngày 10-30/10/2021.

Tháng 11 là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, sẽ xuống giống khoảng 700.000 ha. Trong tháng 12, tiếp tục xuống giống khoảng 400.000 ha. Diện tích còn lại ở một số vùng Đông Xuân muộn, kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2022.

Một vấn đề rất quan trọng cần được ngành nông nghiệp đẩy mạnh trong vụ Đông Xuân 2021-2022 là giảm giá thành sản xuất lúa. Theo ông Lê Thanh Tùng, trong giá thành sản xuất lúa hiện nay, chi phí phân bón chiếm khoảng 25%, giống khoảng 10%. Lâu nay, nông dân vẫn đang sử dụng quá nhiều phân bón và phần lớn diện tích lúa vẫn đang sử dụng lượng giống quá nhiều, từ trên 100 kg/ha trở lên.

Do đó, trong bối cảnh giá phân bón lại đang tăng cao trở lại, ngoài việc đẩy mạnh kiểm soát thị trường phân bón của cơ quan quản lý, ngành nông nghiệp các địa phương cũng cần phổ biến các giải pháp giúp nông dân giảm lượng phân bón sử dụng và giảm lượng giống gieo sạ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương chú ý giảm chi phí sản xuất lúa ở khâu sử dụng phân bón và lượng giống gieo sạ.

Theo Thứ trưởng, năng suất của ta đã ở mức cao nhất thế giới, chỉ đứng sau Nhật Bản, do đó, dư địa tăng năng suất không còn mấy. Muốn tăng hiệu quả sản xuất của nông dân,  tăng sức cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam thì chỉ bằng cách tập trung nâng cao chất lượng, giảm giá thành.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh

Quý 3 là quý khó khăn nhất của ngành nông nghiệp Nam bộ nói riêng và cả nước nói dung do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng trồng trọt lại có mức tăng trưởng cao nhất, với mức tăng 3,3%, cả 9 tháng tăng 2,9%. Không chỉ ở Nam bộ, các vụ lúa trong năm nay ở miền Bắc, miền Trung đều có kết quả tốt. Ước tính cả năm, sản lượng lúa cả nước trong năm nay sẽ cao hơn cả năm 2020.

Để đảm bảo an toàn cho vụ Đông Xuân 2021-2022, các tỉnh ĐBSCL cần tranh thủ đẩy sớm việc gieo sạ 400 nghìn ha vùng ven biển, tập trung hoàn thành xuống giống ngay trong tháng 10.

Trong tháng 11, toàn vùng ĐBSCL tập trung xuống giống 700 ngàn ha, diện tích còn lại cố gắng làm gọn  trong tháng 12. Các tỉnh, thành ở ĐBSCL cần tập trung sản xuất các nhóm giống lúa chất lượng cao, đặc sản, lúa thơm, nếp … do có thị trường rộng mở. Thông tin từ FAO và các tổ chức khác cho thấy nhu cầu lương thực vẫn đang tăng lên trên toàn cầu.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.