| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền cơ sở còn mâu thuẫn trong cách xử lý thu hồi đất

Thứ Sáu 01/06/2012 , 10:02 (GMT+7)

Đó là ý kiến ĐBQH Trần Ngọc Vinh khi trả lời phỏng vấn báo NNVN.

Đó là ý kiến ĐBQH Trần Ngọc Vinh khi trả lời phỏng vấn báo NNVN.

Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đang là vấn đề nổi cộm của xã hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện đất đai kéo dài. Là đại biểu QH TP Hải Phòng, một địa phương được cho là khá “nóng” về đất đai, theo ông những nguyên nhân nào khiến cho khiếu kiện đất đai trở nên căng thẳng như vậy?

Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân nhưng tập trung chủ yếu ở mấy điểm sau: Thứ nhất là do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, Luật đất đai có tới hàng trăm văn bản hướng dẫn khác nhau nên ngay trong việc thực thi ở cơ sở vẫn còn những cách hiểu khác nhau. Thứ hai là quan điểm xử lý trong thu hồi đất, ví dụ đất khi thu hồi thì rất rẻ nhưng khi chuyển sang làm nhà để kinh doanh, phân lô bán gấp mấy chục lần; rồi người dân chấp hành di dời sớm thì nhận giá đền bù thấp nhưng người dân không chịu di dời sớm lại được giá đền bù cao hơn do vậy những người đi từ đầu lại quay về thắc mắc. Ở đây có thể thấy mâu thuẫn trong cách xử lý của cấp chính quyền cơ sở, có vẻ như họ hành động bằng cảm tính chứ không phải dựa trên luật pháp.

Không vận động được dân bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù một số địa phương đã sử dụng quyền lực để cô lập các gia đình, hạn chế chủ sử dụng đất, cũng như hạn chế những người thân của họ được thực hiện quyền công dân như: không chứng nhận đăng kí kết hôn, không chứng nhận xin việc làm, vay vốn ngân hàng... Ông đánh giá như thế nào về những hành động này của chính quyền cấp cơ sở?

Những việc làm đó là hoàn toàn sai. Chứng nhận đăng kí kết hôn, chứng nhận đi làm… nếu người ta đúng, đầy đủ điều kiện hợp pháp thì chính quyền buộc phải giải quyết cho dân. Địa phương nào từ chối thực hiện để gây sức ép với người dân nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng là trái với qui định của pháp luật.

Trường hợp chính quyền địa phương vận dụng cả tổ chức Đảng để gây sức ép với các đảng viên, thậm chí ra quyết định kỉ luật, khai trừ đối với đảng viên không chịu nhận tiền đền bù thì có đúng hay không?

Nếu chính quyền làm đúng, thực hiện đầy đủ các quy trình qui định của pháp luật mà anh là đảng viên, không chấp hành thì cũng phải có những biện pháp xử lí kỉ luật vì ngay cả đối với dân mà không chấp hành thì cũng bị cưỡng chế. Nhưng trong trường hợp người ta thấy chưa thỏa đáng, đang còn khiếu nại thì phải sau khi có kết luận phân định đúng sai của cơ quan có thẩm quyền. Nếu chưa có kết luận thì rõ ràng là địa phương đó đã xử lí sai.

Vậy những công dân bị “chèn ép” đó sẽ phải làm gì, thưa ông?

Theo tôi phải yêu cầu cấp trên, lãnh đạo của cấp ấy cho ý kiến xử lí về những việc như vậy.

Tức là khi chính quyền cơ sở làm sai thì người dân buộc phải tiếp tục khiếu nại lên cấp trên. Trở lại vấn đề làm thế nào để giải quyết dứt điểm khiếu kiện đất đai, theo ông nhà nước cần có những động thái gì?

Cần phải kiểm tra, rà soát lại việc thực thi pháp luật quản lý sử dụng đất đai ở cơ sở, đối với những cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm khắc theo luật định. Bên cạnh đó cũng nên gấp rút sửa Luật đất đai cho đồng bộ và phù hợp với thực tiễn tránh việc mỗi địa phương hiểu và thực thi luật pháp một kiểu khác nhau. Còn một bất cập nữa là hiện nhiều cán bộ làm công tác thể thao văn hóa bỗng dưng lại được phân công phụ trách địa chính vì vậy cần phải xem xét lại tiêu chuẩn để bố trí cán bộ phụ trách đất đai sao cho chuyên nghiệp, có hệ thống. Cán bộ địa chính phải đáp ứng điều kiện gì, được đào tạo qua trường lớp nào và làm bao nhiêu năm luân chuyển cũng cần phải tính toán lại cho khoa học.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.