| Hotline: 0983.970.780

Cho ăn thảo dược giúp tôm nuôi khỏe gan, lợi ruột, đủ điều kiện xuất khẩu

Thứ Ba 15/10/2024 , 17:45 (GMT+7)

TRÀ VINH Nông dân nuôi tôm cho ăn thảo dược giúp hạn chế dịch bệnh, đồng thời không có dư lượng kháng sinh khi xuất khẩu.

Nông dân nuôi tôm cho ăn thảo dược đang thu hoạch vụ đầu tiên. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân nuôi tôm cho ăn thảo dược đang thu hoạch vụ đầu tiên. Ảnh: Hồ Thảo.

Giảm tỷ lệ tôm chết do gan tụy cấp

Những năm gần đây, ngành nuôi tôm tại ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và tình trạng tôm chết hàng loạt.

Đáng ngại nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho các vùng nuôi tôm, khi chưa có vacxin phòng ngừa buộc người nuôi phải phụ thuộc vào kháng sinh. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tôm mà khó đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu do dư lượng kháng sinh.

Trong 9 tháng đầu năm, bệnh hoại tử gan tụy cấp đã lan rộng ra 112 xã thuộc 43 huyện của 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, với diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng hơn 1.000ha. Tại Sóc Trăng, diện tích tôm nhiễm bệnh nhiều nhất 319ha, tiếp theo là Trà Vinh và Bạc Liêu.

Để giải quyết vấn đề cấp bách trong phòng, trị bệnh gan tủy cấp cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng tôm nuôi trên thị trường, các chuyên gia cho rằng sử dụng thảo dược trong nuôi tôm là việc làm đã và đang được quan tâm.

Hiện, nhiều nghiên cứu cho thấy chiết xuất thảo dược không chỉ giúp kháng khuẩn mà còn cải thiện sức khỏe tôm, tăng khả năng hấp thụ thức ăn và nâng cao tỷ lệ sống. Đặc biệt, thảo dược còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho tôm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà không cần dùng kháng sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Trúc Linh, giảng viên Khoa Thủy sản, (Trường Đại học Trà Vinh), cho biết: Kết quả thử nghiệm tại trường cho thấy, tôm bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, sau 14 ngày được bổ sung thảo dược chiết xuất từ lá cây giấm và bình bát vào thức ăn, tỷ lệ chết giảm xuống còn 13%. Tương tự, khi bổ sung thảo dược chiết xuất từ lá cây ma dương, tỷ lệ hao hụt giảm còn 18%. Trong khi đó, nhóm tôm không được bổ sung thảo dược có tỷ lệ chết từ 46% đến 100%.  

Tôm của ông Hùng mới nuôi 2 tháng đã đạt 20 con/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Tôm của ông Hùng mới nuôi 2 tháng đã đạt 20 con/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Tại Trà Vinh nhiều nông dân đã áp dụng mô hình nuôi tôm bằng thảo dược, bước đầu cho thấy kết quả rất khả quan, sau nhiều năm nợ nần vì con tôm. 

Ông Lê Thanh Hùng, ở (ấp Giồng Trôm, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải) cho biết, hai năm trước gia định thiệt hại bạc tỷ đồng do tôm nuôi nhiễm bệnh. Được công ty tôm giống tư vấn nên năm nay ông quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm thảo dược.

Ông Hùng thử nghiệm nuôi tôm sạch trên diện tích 1.500m² mặt nước với mật độ 50.000 con giống/1.000m². Sau 2 tháng, tôm lớn đều và đẹp, về size 20 con/kg, tỷ lệ sống gần 100%. Nhờ nuôi tôm sạch, thương lái mua với giá cao, đây trở thành vụ nuôi thành công nhất của ông trong 3 năm qua, với lợi nhuận ước tính hơn 250 triệu đồng.

Theo ông Hùng trước đây, trong giai đoạn tôm 20 ngày tuổi trở xuống, ông thường lo lắng về việc nhiễm bệnh, nên hay cho tôm ăn kháng sinh và tạt thuốc xuống ao. Tuy nhiên, khi tôm đã mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp, chúng thường bỏ ăn, nên kháng sinh không còn tác dụng.

"Việc lạm dụng kháng sinh còn khiến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, làm giảm giá trị và gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Thay vào đó, chúng ta nên phòng bệnh cho tôm bằng cách bổ sung thảo dược có lợi cho gan và ruột, vừa đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu để gia tăng giá trị cho con tôm", ông Hùng chia sẻ.

Gia tăng giá trị sản phẩm bằng thương hiệu

Sở NN-PTNT Trà Vinh khuyến cáo, bệnh hoại tử gan tụy cấp thường xuất hiện nhiều nhất trên tôm nuôi từ 19-30 ngày tuổi, với các dấu hiệu như tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ, dạt vào mép bờ, cơ thể nhợt nhạt và mềm yếu. Ruột tôm bị teo lại, trống rỗng, và gan tụy xuất hiện những đốm đen có thể nhìn thấy bằng mắt thường. 

Người nuôi nên áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như sử dụng hệ thống ao lắng để xử lý và khử trùng nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi. Cần dùng chế phẩm sinh học, thức ăn sạch và kiểm soát bệnh trên tôm bố mẹ cũng như tôm giống.

Trước khi thả tôm, bà con cần kiểm tra độ mặn, tránh thả tôm vào mùa nắng nóng, đồng thời cải tạo ao để loại bỏ chất hữu cơ dư thừa, và kiểm tra vi khuẩn định kỳ trong nước và ao nuôi. Hệ thống ao lắng và lọc nước nên được sử dụng để loại bỏ các vật chủ mang mầm bệnh, duy trì an toàn sinh học trong ao nuôi...

Nuôi tôm cho ăn thảo dược còn gia tăng giá trị bởi đủ điều kiện xuất khẩu. Ảnh: Hồ Thảo.

Nuôi tôm cho ăn thảo dược còn gia tăng giá trị bởi đủ điều kiện xuất khẩu. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Diệp Thành Toàn, giảng viên Khoa Nông nghiệp, (Trường Đại học Trà Vinh) nhận định, trong bối cảnh giá đầu vào tăng cao, hiệu quả kinh tế của người nuôi tôm đang bị ảnh hưởng, vì vậy nông dân chuyển sang nuôi tôm sạch để thích ứng với thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học đang trở thành hướng đi bền vững, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

"Việc nuôi tôm sạch có thể tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, thông qua xuất khẩu hoặc xây dựng thương hiệu tôm hữu cơ bán cho các nhà hàng cao cấp. Ngoài ra, các HTX có thể sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng như tôm khô, bánh phồng tôm...", ông Toàn chia sẻ thêm.

Tính đến nay, tỉnh Trà Vinh đã ghi nhận thiệt hại khoảng 90 triệu con tôm sú giống trên diện tích 440ha và 521 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 728ha.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.