| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm mùa mưa lũ, dịch bệnh rình rập

Thứ Ba 01/10/2024 , 10:37 (GMT+7)

HÀ TĨNH Sau các đợt mưa lớn, hàng chục ha tôm nuôi quảng canh ở Hà Tĩnh gần như xóa sổ vì môi trường nước nhiễm khuẩn, dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh.

Nuôi tôm ngoài trời đối mặt nhiều rủi ro vào mùa mưa lũ. Ảnh: TN.

Nuôi tôm ngoài trời đối mặt nhiều rủi ro vào mùa mưa lũ. Ảnh: TN.

Rủi ro nuôi tôm ngoài trời

Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương có diện tích tôm nuôi quảng canh khá lớn nhưng hầu hết đều nuôi ngoài trời nên phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Riêng đợt mưa lớn trung tuần tháng 9 vừa qua, hàng chục ha tôm sú của người dân huyện Lộc Hà, Nghi Xuân gần như xóa sổ do môi trường nước thay đổi đột ngột, dịch bệnh phát sinh, gây hại.

Ông Trương Quang Lộc, Thành viên HTX Nuôi trồng Thủy sản Hà Voọc, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà ngậm ngùi cho biết, đợt mưa rất lớn từ ngày 18 - 23/9 khiến nước ao nuôi bị ngọt hóa quá nhanh, môi trường xáo trộn mạnh làm con tôm bị sốc, có hiện tượng hồng thân, bơi lội yếu, tiêu thụ thức ăn chậm, gan tụy có màu trắng xám. Chỉ sau 1 - 2 ngày, tôm chết hàng loạt, nổi trắng xung quanh bờ ao.

“Đây không phải vụ nuôi chính trong năm nên tôi thả giống theo hình thức quảng canh, tôm đã đạt kích cỡ từ 150 con/kg (trong 2 tháng). Vậy mà sau đợt mưa, hơn 40 vạn tôm mất trắng. Bây giờ cũng chưa thể thả nuôi lại vì nước đang bị nhiễm khuẩn”, ông Lộc buồn bã thông tin.  

Ngoài ông Lộc, gần 20ha nuôi tôm quảng canh của các hộ khác trong HTX Nuôi trồng Thủy sản Hà Voọc cũng xuất hiện hiện tượng tôm bị đỏ thân rồi chết. Chính quyền Hộ Độ đã báo với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con biện pháp khắc phục.

Theo đó, những hồ tôm bị chết, người nuôi đang tập trung vệ sinh lại ao hồ, xử lý nước bằng các loại hóa chất diệt khuẩn được phép của Bộ NN-PTNT, không rút nước khỏi ao và ao chứa nước thải làm lây lan dịch bệnh cho các vùng nuôi khác. Những hộ nuôi chưa bị ảnh hưởng, hướng dẫn thực hiện các giải pháp chăm sóc, tăng sức đề kháng cho tôm.

Ngoài biến động về nguồn nước, mưa lớn kéo dài còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như hồng thân, phân trắng, gan ruột…

Môi trường nước biến động đột ngột khiến tôm chết, chậm lớn, dễ mắc các bệnh về gan ruột, phân trắng, nhiễm khuẩn. Ảnh: TN.

Môi trường nước biến động đột ngột khiến tôm chết, chậm lớn, dễ mắc các bệnh về gan ruột, phân trắng, nhiễm khuẩn. Ảnh: TN.

Ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX Nuôi trồng Thủy sản Xuân Thành, huyện Nghi Xuân thông tin, để đề phòng dịch bệnh gây hại 10 hồ tôm với 2,5 triệu con giống, đơn vị đang huy động toàn bộ công nhân theo dõi sát hồ nuôi 24/24h.

Thực hiện duy trì mức độ sục khí cao cho đến khi có một số lượng vi sinh vật ổn định mới trong ao. Sử dụng các chế phẩm sinh học có thể giúp tăng tốc độ phân hủy và nitrat hóa, qua đó ức chế sự phát triển của các mầm bệnh.

Đồng thời, lấy mẫu nước, kiểm khuẩn và mẫu tôm để kịp thời phát hiện và xử lý các triệu chứng bất thường. Ngoài ra, chỉ cho ăn với lượng 30 - 50% so với lúc bình thường; bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, vi sinh đường ruột (men tiêu hóa), chất bổ gan, chất tăng đề kháng Beta-glucan để tăng cường sức chống chịu cho tôm trước thay đổi của thời tiết và môi trường.

“Khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày sẽ làm các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, độ mặn, pH, độ kiềm, hàm lượng khoáng, vi tảo, ôxy hòa tan… giảm đột ngột. Những nguyên nhân này đồng thời xảy đến có thể làm cho tôm bị sốc mạnh, lột xác không đều, mềm vỏ, óp thân và đục cơ, chậm lớn, dễ mắc các bệnh về gan ruột, phân trắng, nhiễm khuẩn… Mặc dù đã tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng dịch nhưng tôi vẫn rất lo lắng vì sau mưa môi trường nước bị ô nhiễm nhiều”, ông Dũng nói.

Ngoài điều chỉnh thức ăn, người nuôi cần bổ sung thêm các loại khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: TN.

Ngoài điều chỉnh thức ăn, người nuôi cần bổ sung thêm các loại khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: TN.

Điều chỉnh thường xuyên môi trường nước, thức ăn

Hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đang có gần 750 ha tôm nuôi với hơn 540 tấn chưa thu hoạch. Đề phòng mưa lớn trong tháng 10 gây thiệt hại, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo các cơ sở nuôi tôm giữ ổn định nhiệt độ và cải thiện môi trường nước ao nuôi. Theo dõi chặt chẽ mức độ sử dụng thức ăn để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Bổ sung vitamin C với liều lượng 3 - 6g/kg thức ăn, các loại khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Khuyến khích người nuôi thu mẫu tôm, nước định kỳ xét nghiệm một số bệnh nguy hiểm, nhất là vi khuẩn Vibrio tổng số trong mẫu nước để có biện pháp xử lý khi mật độ vi khuẩn vượt quá giới hạn cho phép.

Ngoài ra, giám sát chủ động các bệnh nguy hiểm thường gặp; thông tin kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y khi phát hiện thủy sản chết, bị dịch bệnh, thực hiện kịp thời các biện pháp bao vây, dập dịch.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.