| Hotline: 0983.970.780

Chớ chủ quan với dấu hiệu đau tức ngực

Thứ Bảy 30/03/2019 , 13:10 (GMT+7)

Đau tức ngực là một triệu chứng thường gặp ở khá nhiều người, nhất là những người ở độ tuổi lao động, người cao tuổi. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiểu chỉ dấu bạn đã mắc bệnh ung thư…

Cứ ngỡ đau vai gáy do lao động quá sức

Vừa qua, Bệnh viện K (Hà Nội) đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân với triệu chứng ban đầu tưởng như rất đơn giản đó là đau ngực, khó thở. Tuy nhiên, sau thăm khám cả hai bệnh nhân đều được chẩn đoán là ung thư giai đoạn muộn.

09-10-30_khoi_u_bn_v
Theo dõi hình ảnh khối u của một bệnh nhân

Đó là trường hợp bệnh nhân Lò Thị V. 35 tuổi (Nóng Nái, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nhập viện K vào ngày 14/2, trong tình trạng đau ngực, khó thở. Ngay lập tức chị V. được thăm khám, thực hiện các chỉ định chụp chiếu. Kết quả chụp CT cho thấy, lồng ngực có khối u kích thước 12x15x18 cm. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến ức, giai đoạn IV.

“Là người dân tộc Thái, hàng ngày hai vợ chồng phải lên nương rẫy để chuyển nông sản xuống bản. Mỗi bao tải mấy chục kg, cứ đều đặn vác liên tục nên thấy bị đau lưng, tức ngực tôi chủ quan chỉ nghĩ đau vai gáy thông thường. Đến khi khó thở quá tôi mới đi khám thì mới biết mình bị ung thư”, bệnh nhân V. phân trần.

Sau hơn 10 ngày nằm viện, theo dõi các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân V. TS. BS Nguyễn Khắc Kiểm cùng hai bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Thắng trực tiếp tham gia kíp mổ. Trong lúc mổ, các bác sĩ phát hiện khối u trung thất đã xâm lấn rộng màng tim và nhĩ phải, do kích thước rất lớn nên chèn ép lồng ngực là lý do khiến bệnh nhân không thể nằm ngửa được. Sau 3 giờ đấu trí căng thẳng, bằng phẫu tích tỉ mỉ, chính xác các bác sĩ đã bóc tách hoàn toàn khối u, cắt bỏ màng tim, cắt một phần nhĩ phải, cắt một phần thùy trên và giữ phổi phải.

“Đây là ca bệnh nặng bởi khối u kích thước lớn, chèn ép tim, việc phẫu thuật đòi hỏi cẩn trọng và chuẩn xác, nếu không bệnh nhân rất có thể sẽ mất nhiều máu, khối u không lấy được toàn bộ, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Lường trước được những nguy cơ có thể xảy ra do vậy các bác sĩ đã chủ động hơn khi phẫu thuật. Ca mổ diễn ra thành công, sau phẫu thuật bệnh nhân phục hồi tốt, tiếp tục được theo dõi, điều trị hóa xạ trị bổ trợ”, TS Nguyễn Khắc Kiểm cho biết.
 

Biểu hiện của một số bệnh ung thư

Cũng có những dấu hiệu tương tự như chị V, bệnh nhân Mai Thị T. 46 tuổi, quê tại Thanh Hóa cũng chủ quan không đi thăm khám. Cuối năm 2018, sau khi tình trạng đau tức ngực, khó thở, nuốt nghẹn không thuyên giảm, chị T. đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện K thì nhận kết quả có khối u tụy và đặc biệt là phổi trái cũng có u, kích thước rất lớn 14x15cm.

Bệnh nhân được hội chẩn tại khoa và toàn bệnh viện, do khối u quá lớn chiếm toàn bộ thùy dưới phổi trái, chèn ép phổi, xâm lấn cản trở hoạt động cơ hoành khiến bệnh nhân cảm thấy đau tức và khó thở kéo dài, nếu không phẫu thuật thì rất có thể diễn biến xấu.

Ngày 19/2, kíp phẫu thuật có PGS.TS Đoàn Quốc Hưng, Trường Đại học Y Hà Nội và các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện K đã phẫu thuật cho bệnh nhân. Kíp phẫu thuật đã loại bỏ hoàn toàn khối u nặng khoảng 2,5kg, cắt thùy dưới phổi trái và một phần cơ hoành, khâu phục hồi cơ hoành. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được theo dõi và tiếp tục điều trị u tụy sau khi ổn định.

Để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra chỉ từ những dấu hiệu điểm chỉ rất đơn giản, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác, TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm khuyến cáo khi gặp các triệu chứng như đau tức ngực, có thể kèm theo khó thở, nuốt nghẹn, chán ăn, sút giảm cân không rõ nguyên nhân... thì người dân không nên chủ quan.

“Khi thấy biểu hiện bất thường của cơ thể, người bệnh cần đi khám ngay để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý thông thường nhưng cũng không thể bỏ qua đó là dấu hiệu cảnh báo những bệnh ung thư thường gặp. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, mọi người nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn mỡ động vật, thức ăn nhanh…; đồng thời tích cực tập luyện thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giảm stress…”, BS. Nguyễn Khắc Kiểm nhấn mạnh.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Điều đáng báo động là số ca mắc mới ở Việt Nam đang tăng nhanh. Thực tế là 1/3 các bệnh ung thư có thể chữa khỏi nhờ chẩn đoán sớm. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán ung thư thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm căn bệnh, tránh để tế bào ung thư phát triển và lây lan sang các bộ phận khác.

 

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

7 lợi ích sức khỏe từ quả thanh long

Ăn thanh long không chỉ ngon miệng mà còn là 'trợ thủ' đắc lực cho việc giảm cân hiệu quả.