| Hotline: 0983.970.780

Chợ rau đêm Cốc Lếu

Thứ Năm 28/04/2011 , 10:45 (GMT+7)

Ở Cốc Lếu, thành phố Lào Cai có một cái chợ rau chỉ họp từ 1 giờ đến 6 giờ sáng...

Ở Cốc Lếu, thành phố Lào Cai có một cái chợ rau chỉ họp từ 1 giờ đến 6 giờ sáng. Một hôm anh Nguyễn Công Định, tổ trưởng tổ dân phố 22 phường Bắc Cường cho tôi hay: Ngày nào vợ chồng em cũng phải thức dậy từ 1 giờ đêm để chở rau lên chợ bán… thì tôi mới biết ở Lào Cai có một chợ rau đêm.

Tràn ngập rau Trung Quốc

Hôm sau vào khoảng 2 giờ sáng tôi dậy theo Định ra chợ, anh bảo: Lúc này chợ đã khá đông rồi. Trên đường Hoàng Liên, trong ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn đêm ngoài những chiếc xe đạp phía sau kèm hai cái sọt to tổ bố chở rau tịnh không có một thứ phương tiện giao thông nào khác. Đó là những người buôn rau về các chợ: Phố Mới, Kim Tân, Gốc Mít, Cam Đường…

Lúc này phía Nam chợ Cốc Lếu cạnh Nhà Thờ và phố Cốc Lếu đã kín người, xe cộ và tràn ngập rau xanh. Dưới ánh đèn đỏ đọc có mấy “cụ” xe tải, mỗi "cụ" cõng cả mấy chục tấn, đứng lừng lững như những ngôi nhà vừa được dựng giữa đường, sau xe mỗi "cụ" có gần chục người đang hì hục bốc vác bao tải rau chuyển xuống những chiếc xe đẩy, đưa ra các điểm tập kết cho khách hàng mua buôn, tiếng gọi nhau ơi ới, quát mắng xuống hàng nhanh, tiếng xe máy rồ ga, tiếng chửi thề… cảnh chợ đêm vô cùng náo nhiệt. Rau đóng trong bao tải dứa từ Thổ Tang, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) chở lên. Thấy tôi chụp ảnh lia địa một người trạc tuổi trung niên đội mũ sùm sụp gắt gỏng: Chụp gì mà chụp lắm thế, mấy thằng cửu vạn chứ có phải vua quan đâu…

Tôi lượn qua các sạp rau để xem người mua, kẻ bán. Đây là chợ ở thành phố vùng biên nên ngoài khu rau nội địa còn có khu rau Trung Quốc, Định mách cho tôi đi quá lên phía Bắc để xem hàng rau Trung Quốc. Đó là các chủng loại rau được chở từ Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam qua cầu Hồ Kiều từ buổi chiều hôm trước. Rau Trung Quốc chẳng biết có ngon không nhưng được cái đẹp mã. Những củ cải to tướng như bắp tay, dài thuồn thuỗn, trắng phau xếp thành hàng, thành lối, trông đã thấy ngon mắt; rồi su hào, cà rốt, cải bắp, cà chua, hành, tỏi... Nhìn chung rau Trung Quốc hình như đều được qua bàn tay công nghệ sinh học nên khá bắt mắt khác rau Việt Nam? Còn nó có chứa các chất “làm đẹp” khiến gieo rắc độc hại cho người tiêu dùng hay không thì “người trần mắt thịt” như tôi sao mà biết được.

Anh Định cho biết, cũng đã đi nhiều nhưng không thấy nơi nào có chợ rau ban đêm như thế này, ngoại trừ thủ đô Hà Nội. Đây là chợ đầu mối bán buôn. Các nguồn hàng đổ về từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nào là Phố Lu, Thái Niên, Sơn Hà, Sơn Hải, Xuân Giao, Gia Phú... (Bảo Thắng); nào là Bảo Nhai (Bắc Hà); nào là Đồng Tuyển, Bắc Cường, Phố Mới, Vạn Hoà, Bình Minh...(TP Lào Cai); nào là Cốc San (Bát Xát), Bản Lầu (Mường Khương) rồi Sa Pa... Ở ngoài tỉnh thì rau từ Vĩnh Phúc, Yên Bái... theo đường ô tô tải, đường tầu hoả ngoi lên. Rau từ Lai Châu cũng vượt qua đèo Sa Pa, Ô Quy Hồ bò xuống... Phải nói rau rất phong phú chủng loại. Không phải chỉ mùa nào thức nấy mà rau trái vụ cũng không thiếu.

Những người cầm tinh con... vạc

Vợ chồng anh Định bán “chuyên đề” rau thơm, mùa này chủ yếu là húng láng, húng dũi, rau răm... Dịp Tết Tân Mão, rau húng anh bán được năm mươi nghìn đồng một ki lô gam, thế mà nay chỉ còn ba đến năm nghìn. Định cười: Bây giờ một cân rau giá không bằng một phần mười dạo Tết... Hoá ra, trong cái cơn bão giá khủng khiếp đang tiếp tục bùng lên khiến cho người tiêu dùng bằng những đồng tiền thu nhập chân chính phải phát sốt, phát rét.

Một chị mang rau của nhà đi bán thở dài: Nói thật với anh, giá rau có tăng lên, người trực tiếp sản xuất cũng vẫn chẳng lãi được xu nào, nếu có tăng một chút thì bù cho đầu vào là huề. Giá tăng nhiều là do xăng lên, điện lên... thì hàng hoá trong thiên hạ cũng phải “té nước theo xăng” chứ sao? Giá rau chủ yếu bắt đầu tăng từ đoạn giữa, từ những nhà buôn chứ có tăng từ người trồng rau đâu?

Rồi chị cười buồn, nom nụ cười của chị trong đêm nhệch ra như mếu: Nếu nó tụt xuống như rau húng chú Định bán đây thì người trồng rau càng khốn nạn. Nói thật nhá, thời nào nông dân cũng là tầng lớp khốn khổ nhất. Chúng em thừa biết là “giầu nhà quê chẳng bằng ngồi lê thành thị” nhưng đã trót sinh ra ở quê rồi thì phải cam chịu thôi, không thể bỏ ruộng vườn lên phố làm ăn được, chả có vốn liếng lên đây để ăn mày hả anh? Bây giờ, trong khi cái mà chúng em bán thì giá sát mặt đất còn tất cả những nhu yếu phẩm chúng em cần mua thì đều thăng thiên tít cung trăng…

Gặp một anh quần soóc, áo phông, dáng vẻ ngang tàng, ga lăng bảo tôi: Anh chụp mấy em kia kìa. Con gái bán rau mà xinh ra phết. Tôi cười, hỏi anh buôn rau Trung Quốc về thuế má “nhập khẩu” thế nào? Anh ta không trả lời chỉ bảo: Cao! Thế thì có lãi không? Lãi chứ, không thì đi làm chó gì, bọn em phải mò mẫm đêm hôm thế này. Thuế cao thì trút hết vào túi “thượng đế” chứ đời nào chúng em chịu...

Trong cả một rừng chủng loại rau, tôi đặc biệt chú ý đến hai người đàn bà y phục dân tộc Giáy với hai túi rau má. Thấy tôi, một chị đon đả mời: Mua rau má đi anh. Rau này mang từ trong rừng ra, sạch sẽ, không có thuốc trừ sâu, không có hoá chất độc hại đâu... Thì ra cái thông tin về nguy cơ của rau không an toàn cũng đã đến được cả những người thường dân ở thôn quê. Họ biết điều đó nên tiếp thị dưới góc độ này để được đắt hàng.

Tôi hỏi: Thế các chị từ đâu về? Chúng em ở Quang Kim, Bát Xát - một chị đáp. Cái hàng rau má thật khiêm tốn, mỗi người chỉ có một túi ni lông áng chừng độ năm bẩy ki- lô- gam, thế mà đêm hôm cũng chịu khó dậy từ một giờ sáng, đi hàng chục cây số, mang đến chợ đầu mối để bán... buôn. Chả biết mớ rau má của những người đàn bà này lãi được bao nhiêu, nếu bán được, chắc cũng đỡ đần được họ chút ít. Chị bán rau cải ngồng ngồi bên cạnh thì nói vui: Ông Giời bắt chúng em cầm tinh con vạc nên cứ phải lọ mọ đêm hôm mới kiếm được cái ăn...

Những chiếc xe bán tải đỗ trên đoạn phố Cốc Lếu trước cửa chợ đã chất đầy rau các loại. Hỏi một chị chủ xe, chị nói, rau này mang đi Sa Pa. Sa Pa là xứ lạnh nên rau Sa Pa đi Lào Cai, đi Yên Bái, Hà Nội và ngược lại. Các "thượng đế” ở nơi này thường thích sản phẩm ở nơi kia, rồi các "thượng đế" ở nơi kia lại thèm khát những sản vật ở nơi nọ, bởi nó là của lạ… Chị ta che miệng cười chỉ sang mấy người đang đẩy các xe rau bảo: Số người kia lại chở rau của mình sang Trung Quốc bán. Đủ loại: Rau má, cải xoong, rau bí, cải ngồng… ít thôi nhưng mỗi ngày cũng vài tấn đấy bác ạ…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm