| Hotline: 0983.970.780

Cho rừng xanh mãi

Thứ Tư 03/08/2011 , 14:57 (GMT+7)

Có thể nói, trong suốt chặng đường 15 năm của Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh (1996- 2011), những vùng đất trống đồi núi trọc của tỉnh này nay đã trở thành những cánh rừng màu xanh nối tiếp màu xanh...

Có thể nói, trong suốt chặng đường 15 năm của Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh (1996- 2011), những vùng đất trống đồi núi trọc của tỉnh này nay đã trở thành những cánh rừng màu xanh nối tiếp màu xanh bằng các loài cây bản địa, cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao như keo, tràm, cao su… góp phần đưa độ che phủ rừng lên 53%, tạo công ăn việc làm cho trên 3 vạn hộ nông dân.

Rừng xanh vẫy gọi

Giữa những ngày tháng 7, chúng tôi có chuyến thực tế đến vùng rừng trồng ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Đức Thọ, rồi lên Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang... Phóng tầm mắt về phía trước, bao la một màu xanh ngút ngàn trùng điệp. Ông Đặng Bá Thức là nhà khoa học lâm nghiệp của tỉnh cho rằng, có được màu xanh hôm nay là nhờ các dự án đầu tư trồng rừng, bởi những khu rừng trồng này trước là đất trống đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt không phát huy được hiệu quả nhưng sau khi có các dự án 327, 661, dự án ODA đầu tư trồng, phát triển vốn rừng thì nay trở thành những cánh rừng xanh tốt, đời sống nhân dân trong vùng dự án ngày càng được nâng cao.

 Ông Hán Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh vui vẻ tâm sự: Công việc phục hồi bảo vệ và phát triển vốn rừng đến việc phân chia 3 loại rừng như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là nhiệm vụ chính của ngành lâm nghiệp. Để có được màu xanh của những cánh rừng hôm nay cần thực hiện tốt vấn đề giao đất giao rừng cho các đối tượng có điều kiện nhận khoán chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

 Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, ngoài tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền quản lý 3 loại rừng, Chi cục còn tham mưu xây dựng quy trình trồng rừng xen kẽ trên các đối tượng đất lâm nghiệp đảm bảo quy trình quy phạm về chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ khai thác và sử dụng rừng đúng mục đích, hiệu quả. Hướng dẫn công tác quản lý giống; tổ chức tập huấn các cơ chế chính sách trong lâm nghiệp cho cán bộ các huyện, Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng và các xã; phối hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế với phòng hộ môi trường để quản lý rừng bền vững.

 Theo đó, Chi cục Lâm nghiệp khuyến khích người dân thực hiện các dự án trồng rừng theo chương trình 147/2007/QĐ-TTg; dự án 661 trồng 5 triệu ha rừng; các dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc...

15 năm nhìn lại

15 năm qua CBCNV Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh đã cùng nhân dân địa phương trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, đưa tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh từ 210.784 ha, độ che phủ 32,1% năm 1996 lên 318.205 ha, tăng hơn 107.000 ha, độ che phủ đạt gần 53% năm 2010. Diện tích rừng trồng đạt 107.946 ha trong đó dự án PAM 4304 trồng 7.500 ha, dự án 327 giai đoạn 1993-1998 trồng được 16.700 ha, dự án ODA từ 1997-2002 trồng 6.800 ha, dự án IFAD giai đoạn 2000-2003 trồng 650 ha và dự án 661 từ 1999-2010 trồng 76.296 ha rừng với sự tham gia của hàng trăm ngàn lượt hộ, cơ cấu cây trồng chủ yếu là loài cây bản địa như: Lim, de, cồng... và cây nguyên liệu như keo, thông…

Bình quân mỗi năm Hà Tĩnh trồng được từ 8-10 triệu cây phân tán; khai thác từ rừng tự nhiên 8- 10 nghìn m3 gỗ; 200-250 nghìn m3 gỗ rừng trồng; hàng chục nghìn tấn nhựa thông, mủ cao su, ngoài ra còn các sản phẩm từ rừng như song mây, tre nứa; phát triển diện tích cao su đại điền và cao su tiểu điền ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Kỳ Anh, đến nay toàn tỉnh đã có tổng diện tích cây cao su đạt xấp xỉ 10.000 ha, trong đó số diện tích đưa vào khai thác đạt trên 2.000ha, năng suất mủ bình quân đạt trên 1.000 tấn/ha/năm.

Hằng năm Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh còn ứng dụng KHCN vào việc SX giống, xây dựng nhiều mô hình phát triển rừng như mô hình trồng, nâng cấp 800 ha rừng phòng hộ bằng cây bản địa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên, huyện Hương Sơn; mô hình trồng cây nguyên liệu như keo lai, bạch đàn; mô hình trồng rừng ngập mặn ven biển... Cũng theo ông Hán Duy Anh, quá trình đầu tư phát triển trồng rừng trong 15 năm qua đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần to lớn trong việc nâng cao thu nhập cho hàng vạn hộ gia đình sống trong vùng rừng, cân bằng môi trường sinh thái, đảm bảo môi sinh môi trường.

Một người dân ở huyện Hương Sơn phấn khởi khoe với chúng tôi: Nhờ có chủ trương giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình, đồng thời được sự quan tâm của Chính phủ hỗ trợ kinh phí nên mấy năm qua chúng tôi đã tập trung toàn lực trồng rừng nguyên liệu, cứ 5 năm một lứa xuất bán cho các NM băm dăm trên địa bàn, nhờ vậy đời sống dân cư phát triển, rừng ngày một bảo toàn và tốt hơn. Dân có việc làm, có thu nhập ổn định, có tiền nuôi con cái ăn học, nâng cao đời sống.

Sau khi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và quy hoạch 3 loại rừng ở Hà Tĩnh, đoàn công tác Bộ NN- PTNT đánh giá: "Tài nguyên rừng của Hà Tĩnh còn rất đa dạng và phong phú, có được kết quả này chắc hẳn công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Trong đó phải kể đến 2 chủ rừng là DNNN gồm Cty LN& DV Hương Sơn, Cty LN& DV Chúc A, huyện Hương Khê. Cả hai Cty đều là cái nôi của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Ngoài ra còn có các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đây là những đơn vị nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả. Phải nói rằng, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh duy nhất của cả nước còn gìn giữ được kho báu tài nguyên rừng”.

Được biết, ngoài nhiệm vụ trồng,chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh còn chú trọng khai thác tiềm năng lợi thế của rừng, đất lâm nghiệp; phát triển rừng gắn với bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng chắn sóng, chắn cát ven biển, khoanh nuôi; đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng giúp người dân có thu nhập ổn định; chú trọng phát triển cây cao su và cây nguyên liệu; đầu tư xây dựng các cơ sở SX cây giống bằng công nghệ cao...

Đánh giá thành tích bảo vệ và phát triển rừng 15 năm qua của Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói: “Những thành quả và đóng góp của Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh đối với sự nghiệp BV& PTR là rất to lớn. Đặc biệt trong mấy năm qua, Chi cục đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, các cấp ngành tập trung phát triển rừng trồng, quy hoạch 3 loại rừng gắn với phát triển rừng bền vững. Giao đất khoán rừng cho các tổ chức, cá nhân có hiệu quả. Có thể nói kể từ khi thành lập đến nay, CBCNV Chi cục đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Chính phủ, Bộ NN- PTNT cũng như lãnh đạo tỉnh đánh giá cao".

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Chi cục Lâm nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu CBCNV đơn vị phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục phát triển rừng ngày một hiệu quả và bền vững.

Ông Hán Duy Anh- Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh:

Năm 1996 tổng diện tích rừng của Hà Tĩnh có 210.784 ha trong đó rừng tự nhiên 187.100 ha, rừng trồng 23.683,4 ha. Sau 15 năm đến nay Hà Tĩnh đã trồng mới thêm được 84.438,6 ha, khoanh nuôi tái sinh thành rừng đạt 22.982 ha nâng tổng số diện tích có rừng lên 318.205,2 ha, độ che phủ rừng đạt từ 32,1% năm 1996 lên 52,8% năm 2010.

Ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh đã tham mưu có hiệu quả việc bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 cho lãnh đạo các cấp, trong đó tập trung chỉ đạo tốt các hoạt động khai thác hợp lý tài nguyên rừng, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng bền vững. Đồng thời chú trọng đầu tư nâng cấp rừng phòng hộ, đặc dụng. Đẩy mạnh thâm canh trồng rừng SX, tăng cường đầu tư phát triển các công trình hạ tầng cơ sở lâm nghiệp. Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, đánh giá giá trị rừng, giao rừng gắn với việc giao tài sản cho các chủ rừng SX…

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.