| Hotline: 0983.970.780

Chống đói rét, quản lý đàn gia súc di cư mùa đông

Thứ Sáu 10/12/2021 , 08:00 (GMT+7)

LÀO CAI Người dân thường đưa đàn gia súc từ vùng cao xuống vùng thấp vào mùa giá rét. Vì vậy, cùng với phòng chống đói, rét, cần quản lý chặt lượng gia súc di chuyển này.

Trâu, bò là tài sản lớn của người dân vùng cao. Vì vậy, người dân đã chú trọng tích trữ thức ăn, che chuồng trại để phòng chống đói rét cho gia súc.

Khả năng xảy ra 3 - 4 đợt băng giá

Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng Thuỷ văn tỉnh Lào Cai cho biết, thời tiết mùa đông xuân năm 2021 - 2022 diễn biến rất phức tạp, khó lường; hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra với tần suất nhiều hơn.

Không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiều khả năng rét đậm, rét hại xuất hiện sớm. Dự báo tỉnh Lào Cai sẽ chịu ảnh hưởng từ 12 - 13 đợt không khí lạnh, vùng thấp khả năng có khoảng 7 - 8 đợt rét đậm, rét hại từ 4 ngày trở lên; vùng cao có khoảng 11 - 13 đợt và khả năng xảy ra khoảng 3 - 4 đợt băng giá với cường độ từ nhẹ đến trung bình.

Hiện nay, người dân vùng cao Lào Cai đã chú trọng cho việc phòng, chống đói rét cho gia súc trong mùa đông. Ảnh: HĐ.

Hiện nay, người dân vùng cao Lào Cai đã chú trọng cho việc phòng, chống đói rét cho gia súc trong mùa đông. Ảnh: HĐ.

Nhiệt độ trung bình toàn tỉnh Lào Cai ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,3 – 0,5 độ C; nhiệt độ thấp nhất ở các khu vực vùng thấp 3 - 4 độ C, vùng cao 1 - 2 độ C, vùng núi cao nhiệt độ có thể xuống thấp dưới 0 độ C.

Theo ông Tráng A Lử, Chủ tịch UBND xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai), năm nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển ổn định, tổng đàn đại gia súc và sản lượng xuất chuồng có xu hướng tăng so với năm 2020, mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã có 5.220 con, trong đó trâu 1.345 con; bò 13 con; đàn ngựa 101 con; lợn 3.546 con; dê 215 con; đàn gia cầm 16.422 con.

Trước dự báo thời tiết diễn biến bất thường, khả năng xảy ra băng giá, đặc biệt ở vùng cao Y Tý nhiệt độ mùa đông thường rất thấp. Tại đây, cũng là nơi đón những đợt băng giá đầu tiên của Lào Cai. Mặc dù băng giá góp phần thúc đẩy du lịch nhưng đối với nông dân, thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi, canh tác. Do đó, hiện nay người dân trên địa bàn xã đã che chắn chuồng trại cho đàn gia súc, dự trữ rơm đảm bảo đủ thức ăn cho vật nuôi khi xảy ra rét đậm, rét hại.

Thôn Choản Thèn, một địa điểm du lịch đẹp của Lào Cai với những ngôi nhà trình tường bằng đất. Người dân ở đây cũng đã được tài trợ để xây dựng chuồng trại nuôi nhốt tập trung riêng, cách xa khu vực dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Ly Cá Thứ, thôn Choản Thèn cho biết, sau khi xã có thông báo, tuyên truyền, người dân trong xã đã tự che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho trâu bò là rơm khô, đảm bảo duy trì qua mùa rét (cỏ voi không phù hợp vì khi trời quá lạnh, cỏ cũng bị chết).

Quản lý đàn gia súc di chuyển đi tránh rét

Theo ông Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai), huyện đã rà soát, thống kê tổng đàn gia súc lớn, tình hình chuồng trại, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Theo đó, số chuồng trại đảm bảo phòng chống rét là 5.659 chuồng, chuồng tạm chưa đảm bảo 838 chuồng, chưa có chuồng là 592 chuồng (trong đó thả rông là 116 hộ). Tổng đàn gia súc lớn là 19.816 con. Trong đó, có 16.499 con trâu, 1.281 con bò, 2.081 con ngựa.

Khu nuôi nhốt trâu, bò của người dân thôn Choản Thèn, xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) nằm cách xa khu dân cư, đảm bảo việc phòng chống đói, rét cho gia súc. Ảnh: H.Đ.

Khu nuôi nhốt trâu, bò của người dân thôn Choản Thèn, xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) nằm cách xa khu dân cư, đảm bảo việc phòng chống đói, rét cho gia súc. Ảnh: H.Đ.

Hiện nay, người dân đã chuẩn bị cơ bản lượng thức ăn cho đại gia súc trong vụ đông xuân. Lượng thức ăn này được dự trữ từ 422 ha cỏ, cung cấp 3.376 tấn (đáp ứng 59,2% nhu cầu). Các hộ dân tích trữ rơm rạ khô với lượng bình quân 200 kg/hộ với 1.377,6 tấn, đáp ứng 13,6 % nhu cầu.

Qua thống kê, rà soát tình hình chuẩn bị phòng chống rét cho đàn gia súc tại các xã, thị trấn nhìn chung đã được người dân quan tâm, triển khai thực hiện, từ khâu dự trữ rơm rạ cho đàn gia súc đến trồng cỏ để chăn nuôi; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo phòng chống rét đạt trên 80%.

Ngoài ra, huyện đã vận động người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm, rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho gia súc; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh. Thức ăn được dự trữ phải đảm bảo chất lượng, không bị thối mốc; số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi trâu, bò tối thiểu phải đạt 400 kg/con trở lên.

Về chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm, huyện đã khuyến cáo người dân vỗ béo gia súc gầy yếu, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa đông.

Thói quen của người dân vào mùa rét, thường đưa đàn gia súc từ vùng cao xuống vùng thấp. Do đó, UBND huyện cũng yêu cầu các xã có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét thực hiện thống kê số hộ đăng ký di chuyển đàn gia súc, số lượng đàn gia súc các hộ dự kiến di chuyển đi và nơi gia súc di chuyển đến.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đẩy đủ cho đàn gia súc; thực hiện khai báo với UBND xã nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại tạm thời để giữ ấm cho đàn gia súc (có mái che, kín gió, cao ráo)...

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.