Hà Giang còn hơn 20.800 hộ chăn nuôi chuồng tạm
Theo đó, tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm với chủ đề “Các giải pháp tổng hợp về kỹ thuật phòng chống đói rét cho trâu, bò”; tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng chống đói rét cho trâu bò; hỗ trợ cám thức ăn công nghiệp cho bà con vùng khó khăn…
Qua các sự kiện cả nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi đều đưa ra nhận định, muốn trâu bò, gia súc chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt trước hết chúng cần khỏe mạnh, được ăn no, ăn đủ, tiêm phòng tốt để tăng sức đề kháng.
Trọng tâm của các sự kiện là chương trình tọa đàm với chủ đề: “Các giải pháp tổng hợp về kỹ thuật phòng chống đói rét cho trâu, bò”. Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi, thắc mắc về kỹ thuật chăm sóc, cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được người chăn nuôi của các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình… đưa ra và được các nhà khoa học, nhà quản lý trả lời kịp thời.
Thực trạng dễ thấy ở Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung là người chăn nuôi vẫn còn thờ ơ với việc phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc. Bởi vậy, đợt rét đậm, rét hại vừa qua, đã có hàng nghìn con gia súc bị chết rét (Hà Giang có 6 con trâu bị chết). Trâu, bò chết là mối thiệt thòi lớn đối với bà con vùng cao, tuy nhiên chính sách hỗ trợ cũng cần được thắt chặt để nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của chính mình của người nông dân vùng cao.
Hiện toàn tỉnh Hà Giang vẫn còn hơn 20.800 hộ chăn nuôi chuồng tạm. Đặc biệt có 13 hộ tại huyện Hoàng Su Phì vẫn còn chăn nuôi theo hình thức thả rông, chưa có chuồng trại.
Tại buổi tọa đàm, một cán bộ thú y của xã gặp lúng túng khi con trâu, bò bị cứng chân tay rồi lăn ra chết. Vị cán bộ này nhận định là trâu, bò bị bệnh bại não. Sau khi hỏi rõ tình trạng bệnh lý, thời gian mắc phải, triệu chứng… của đàn gia súc, Tiến sỹ Phùng Quang Trường, Trung tâm nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi) lý giải: Bò, trâu bỗng dưng bị ngã, chân cứng, không đứng dậy được và thường gặp vào mùa nóng là bệnh cảm nắng và cảm nóng. Nguyên nhân là gia súc được chăn thả trên đồi, hay cánh đồng nhiệt độ thời tiết cao, không có bóng râm cho chúng trú nắng nên phát bệnh.
Tiến sỹ Trường cho biết, bệnh này khá dễ chữa, khi phát hiện gia súc bị bệnh kịp thời đưa gia súc vào khu vưc có bóng râm rồi dùng quạt để quạt mát cho gia súc, sau đó truyền nước muối sinh lý để gia súc ổn định huyết áp. Sau đó truyền tiếp đường 5%, và các loại thuốc bổ… Khi đã truyền xong không nên để chúng vận động ngay vì gia súc sẽ rất dễ bị chết.
Phải có kế hoạch phòng chống đót rét từ sớm
Câu chuyện phòng chống rét đậm, rét hại tại vùng cao giờ đây không còn là việc đến gần mùa mới chuẩn bị phòng như trước đây nữa. Các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp phòng từ rất sớm. Như vậy khi thời tiết rét đậm, rét hại đột ngột diễn ra bà con đã chủ động được tất cả thì việc thiệt hại sẽ thấp hơn.
Để làm được điều đó, khâu tuyên truyền, vận động có vai trò khá quan trọng. Bên cạnh đó, người dân có thể tham gia mua bảo hiểm cho đàn gia súc, giúp giảm thiệt hại đáng tiếc cho người chăn nuôi.
Với mỗi con trâu, bò có giá từ 10 đến 50 triệu, thực sự là khối tài sản lớn của bà con nông dân vùng cao. Bởi vậy, người nông dân vùng cao yêu quý, gắn bó và coi nó là người bạn, là thành viên trong gia đình.
Gia đình chị Nông Thị Vinh, thôn Đồng, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên thường xuyên chăn nuôi 10 con trâu, bò. Vì vậy chị ý thức được việc giữ gìn sức khỏe cho chúng rất quan trọng. Ở vùng cao quê chị, ruộng bậc thang nhỏ hẹp không thể dùng máy cầy được nên sức trâu vẫn là chủ yếu.
Qua buổi tập huấn, tọa đàm chị Vinh được chuyên gia hướng dẫn các quy trình chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cũng như cách thức chế biến, ủ thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và bảo quản được lâu. Hiểu được chăn nuôi không thả rông gia súc và không cho gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C cũng như các chủ trương chính sách và giải pháp khoa học trong phát triển phát triển trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho gia súc cũng được giải thích cụ thể, dễ hiểu.
Theo Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, qua các hoạt động này, đã giúp Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá được thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong phát triển chăn nuôi gia súc tại Hà Giang.
Từ đó làm cơ sở để các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia súc vụ đông, hạn chế ở mức thấp nhất trâu bò chết do đói, rét; tạo được mối liên kết giữa nông dân với các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp.