| Hotline: 0983.970.780

Chống hạn "kiểu" Hòa Bắc

Thứ Ba 23/08/2011 , 09:53 (GMT+7)

Trong khi nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải gồng mình chống hạn thì bà con xã miền núi Hòa Bắc vẫn bình chân như vại.

Hút nước ngầm tại chỗ, kiểu chống hạn độc đáo và hiệu quả ở xã Hòa Bắc

Vụ hè thu này, trong khi nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải gồng mình chống hạn cho gần 1.000 ha lúa hè thu, thì bà con xã miền núi Hòa Bắc vẫn bình chân như vại.

Giải pháp chống hạn bằng cách hút nước ngầm tại chỗ triển khai đồng loạt vài ba năm nay không chỉ đủ nước sản xuất năm 2 vụ mà còn giúp nông dân xã này đưa hàng chục ha bỏ hoang vào canh tác. Hiện đang là giai đoạn cao điểm của khô hạn nhưng đồng ruộng Hòa Bắc đâu đâu cũng tươi tốt, xanh ngắt, hứa hẹn mùa vụ bội thu.

Kiểu chống hạn độc đáo trên được một vài hộ ở thôn Nam Yên triển khai cách đây 5 năm, khi họ mạnh dạn khoan giếng ngay tại góc ruộng, dùng máy bơm loại nhỏ hút nước cứu lúa trước nguy cơ bị khô cháy. Quả là trong cái khó ló cái khôn. Vụ đó, lúa của những hộ khoan giếng năng suất rất cao, trong khi hàng chục ha khác thất thu vì khô hạn. Các vụ tiếp theo, số giếng khoan cứ thế tăng dần.

Để hỗ trợ xã miền núi còn nhiều khó khăn này phát triển sản xuất, UBND huyện Hòa Vang có hẳn dự án đảm bảo nước tưới bằng việc hỗ trợ đưa lưới điện từ khu dân cư ra đồng, khoan cùng lúc hàng chục giếng ngầm. Vào mùa khô hạn, đến các cánh đồng Hòa Bắc, chứng kiến hàng chục máy bơm cùng xả nước ra ruộng trong sự hân hoan phấn khởi của nông dân, ai trong chúng tôi cũng vui lây trước kiểu chống hạn độc đáo nơi đây.

Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết trước đây, vụ hè thu nỗ lực lắm toàn xã chỉ canh tác 49 ha lúa. Năm nay, ít nhất gần 100 giếng đã khoan trên ruộng, nhờ vậy 81 ha đất lúa của địa phương đều canh tác hết và đều đủ nước tưới. Các dự án thủy lợi bằng cách hút nước ngầm tại chỗ do địa phương kết hợp với Phòng NN-PTNT huyện triển khai đã làm chuyển biến hẳn sản xuất lúa của xã.

Gia đình ông Phạm Sỹ Sinh, ở thôn Nam Yên có 4 sào đất lúa, hàng chục năm rồi chỉ sản xuất 1 vụ/năm. Vài ba năm gần đây, nhờ chủ động nước không chỉ sản xuất năm 2 vụ mà vụ nào lúa nhà ông cũng cũng bội thu. Đón dòng nước mát từ máy bơm chảy ra, ông Sinh lạc quan: Tưới kiểu này tiết kiệm nước tối đa. Khi ruộng sắp cạn, đưa máy bơm ra là có ngay dòng nước mát để tưới cho lúa. 2-3 năm gần đây, năm nào năng suất lúa nhà tôi cũng xấp xỉ 60 tạ/ha. Ở đây, bà con chủ yếu bơm vào ban đêm kết hợp bẫy đèn bắt bướm. Tại máy bơm, bắt thêm 1 bóng đèn, phía dưới đặt chậu nước. Từ cách làm này mà đồng ruộng ít sâu bệnh, năng suất khá cao.

Trước nông dân thôn Phò Nam sản xuất gần 30 lúa hè thu đều dựa vào nước trời, thu nhập bấp bênh, có vụ mất trắng do khô hạn. Năm nay, huyện Hòa Vang đã kịp hoàn thành dự án lắp đặt 19 giếng khoan trước khi bước vào mùa vụ. Không thể nói hết niềm vui của nông dân khi ruộng của họ không còn cảnh khô hạn. Chị Bùi Thị Tiến phấn khởi cho biết, vụ hè thu này 3 sào lúa nhà chị đủ nước, chí ít cũng thu 700-800 kg thóc.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.