| Hotline: 0983.970.780

Chống khai thác IUU: Không có ngoại lệ, xử lý cả hành chính và hình sự

Thứ Hai 05/02/2024 , 20:56 (GMT+7)

Kiên Giang EC kiểm tra lần thứ 5 là cơ hội cuối cùng để gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam nếu chúng ta thực hiện tốt các khuyến nghị chống khai thác IUU.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trung Chánh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trung Chánh.

Chiều 5/2, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với 28 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đợt kiểm tra thứ 5 của đoàn thanh tra EC (dự kiến vào tháng 4/2024) sẽ là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ thẻ vàng cảnh báo đối với thủy sản. Chúng ta phải hết sức quyết tâm, thực hiện đồng bộ các pháp để gỡ thẻ vàng thủy sản. Tập trung vào 4 khuyến nghị của EC: Một là phải ngăn chặn triệt để được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng về chống khai thác IUU mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh Việt Nam với quốc tế. Hai là kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn hành vi “rửa cá”. Ba là kiểm soát tình trạng tàu cá “3 không” - không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép. Bốn là xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư báo cáo về tình hình, kết quả chống khai thác IUU. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư báo cáo về tình hình, kết quả chống khai thác IUU. Ảnh: Trung Chánh.

Báo cáo về tình hình, kết quả chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính từ đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay tiếp tục xảy ra 17 tàu/190 ngư dân bị các nước bắt giữ, xử lý. Còn tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, tổng số đã xảy ra 64 tàu/550 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Về quản lý đội tàu, hiện cả nước còn gần 15.200 tàu cá “3 không”, nhiều nhất là tại tỉnh Bình Thuận với 1.868 tàu.

Ngoài ra, tình trạng tàu cá mua bán, sang tên đổi chủ giữa các địa phương kiểm soát chưa được chặt chẽ, đặc biệt là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc dừng đóng mới tàu cá…

Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, từ đầu năm đến nay đã xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằn trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh đang tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đặc biệt là đã truy tố, đưa ra xét xử được 1 vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Qua vụ việc, đã tạo được tính răn đe, hiệu ứng rất tốt, góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong việc tuân thủ pháp luật trên biển.

Theo đại diện tỉnh Quảng Ninh, để góp phần chống khai thác IUU, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung phát triển nuôi biển, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế biển bền vững. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã tận dụng thời gian ngư dân đưa tàu về bờ nghỉ đón Tết Nguyên đán là dịp để tăng cường tuyên truyền, vận động tuân thủ pháp luật, góp phần chống khai thác IUU.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo, các Bộ, ngành và địa phương phải xem đây là thời gian vàng, tập trung quyết liệt vào 2 nhiệm vụ chính là không để xảy ra tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo, các Bộ, ngành và địa phương phải xem đây là thời gian vàng, tập trung quyết liệt vào 2 nhiệm vụ chính là không để xảy ra tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Ảnh: Trung Chánh.

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ nay đến ngày đoàn thanh tra EC qua lần thứ 5 thời gian rất ngắn. Vì vậy, các Bộ, ngành và địa phương phải xem đây là thời gian vàng để thực hiện quyết liệt nhiệm vụ chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung quyết liệt vào 2 nhiệm vụ chính: Một là không để xảy ra tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Hai là xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, không có ngoại lệ, kể cả xử lý hình sự, phạt tù.

Kiểm soát tốt tàu cá xuất bến, vào bến cảng, bốc dỡ hàng. Xử lý mạnh đối với tàu cá bị mất kết nối, nhất là các địa phương có tàu cá mất kết nối nhiều như Kiên Giang, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre... Trong trường hợp cần thiết có thể đóng cửa biển, cấm biển có thời hạn để khôi phục nguồn lợi thủy sản. 

Tăng cường tuyên truyền cho ngư dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tàu về bờ nghỉ nhiều, thời gian nghỉ dài ngày. Nội dung tuyên truyền phải tập trung nhắc nhở ngư dân tuân thủ pháp luật, chống khai thác IUU, nếu vi phạm không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà cả xử lý hình sự.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.