Xác định thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, những năm qua Nghệ An đã bám sát định hướng, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ NN-PTNT để kịp thời nhập cuộc, từ đó tạo những chuyển biến mang tính căn cơ.
Tiếp nối thành quả trước đó, năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành 11 văn bản để chỉ đạo, điều hành, trực tiếp giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị ven biển, thể hiện tâm thế sẵn sàng cho chương trình làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4.
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển nghề cá ổn định, bền vững, bên cạnh việc phát huy những kết quả đạt được, nhất thiết phải khẩn trương khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém. Trong năm qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo IUU đã tổ chức 13 cuộc họp nhằm đánh giá tổng quan tình hình, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện.
Chống khai thác IUU là nội dung mang tính bao hàm, dàn trải, muốn đến được đích không thể tự bước đơn lẻ, ngược lại cần tăng cường, đẩy mạnh quá trình phối, kết hợp giữa các bên. Nghệ An làm tốt điều này khi chủ động ký kết Quy chế phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa trong công tác quản lý tàu cá.
Không chỉ có thế, ngày 6/11/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND về việc thành lập Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, trong đó có bổ sung chức năng “Kiểm ngư địa phương” để đảm bảo các điều kiện trong thực thi nhiệm vụ.
Để lan tỏa sâu rộng chủ trương lớn, phải phát huy công tác tuyên truyền. Năm qua, các Sở, ban, ngành địa phương đã tập trung đẩy mạnh tập huấn pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp về chống khai thác IUU… Đến nay, 100% chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Những con số thống kê chứng minh ngành thủy sản Nghệ An đang chuyển dịch tích cực, công tác chống khai thác IUU đang đi đúng hướng. Hiện toàn tỉnh có trên 2.400 tàu các đã đăng ký, 2.204/2.458 tàu cá (đạt 89,67%) được cấp giấy phép khai thác thủy sản, 953/1.103 tàu (đạt 86,4%) được cấp giấy chứng nhận ATTP, 100% phương tiện thực hiện đánh dấu tàu cá khi làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.
Việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng được chú trọng. Trong năm 2023, cơ quan chuyên ngành đã thực hiện giám sát hơn 3.300 lượt tàu cá cập cảng với sản lượng trên 5.500 tấn. Đây là con số thực sự ấn tượng, nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức (nguồn lợi suy giảm, thị trường bấp bênh…)
Điểm trừ trong quá trình thực hiện IUU của Nghệ An đến từ số lượng tàu cá mất kết nối khá nhiều, cán mốc gần 300 phương tiện. UBND các huyện đã làm việc với các chủ tàu vi phạm để làm rõ nguyên nhân, đồng thời yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị có phương án khắc phục… Dù vậy, việc xử lý như “muối bỏ bể”, cơ bản mới dừng lại ở mức độ lập biên bản nhắc nhở chứ chưa xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
Một vấn đề khác cần lưu tâm là tình trạng vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Theo thông báo của Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 1, trong năm 2023, Nghệ An có 34 lượt tàu cá vượt ranh giới…
Về yếu tố khách quan, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của ngành thủy sản tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trách nhiệm, nhiệm vụ được giao ngày càng nặng nề nhưng năng lực chuyên môn và lực lượng còn thiếu và yếu. Một số xã, phường trọng điểm nhưng chưa có cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản…
Từ nhu cầu thực tiễn, Nghệ An xác định phải tăng cường thời lượng, đổi mới cách thức… nhằm tạo bước đột phá về chống khai thác IUU trong thời gian tới. Quá trình thực thi sẽ tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ tàu cá, sẽ quản lý chặt chẽ nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là nhóm tàu cá “3 không”.
Bên cạnh đó, sẽ chủ động rà soát hồ sơ, điều tra, xác minh, xử phạt dứt điểm các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặt mục tiêu đến tháng 4/2024 sẽ chấm dứt hoàn toàn vấn nạn trên.
Để nhiệm vụ chống khai thác IUU đạt kết quả cao hơn nữa, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu, bổ sung quy định về chế tài xử lý, yêu cầu ngư dân phải chấp hành xóa đăng ký tàu cá khi tàu đã bán, cháy, chìm hoặc giải bản. Tương tự là chế tài đủ sức nặng đối với các cơ sở đăng kiểm vốn không cập nhật đầy đủ dữ liệu lên hệ thống VnFishbase.
Ngày 11/1/2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Đoàn công tác đã kiểm tra kết quả chống khai thác IUU tại Nghệ An. Dưới góc độ tổng quan, Thứ trưởng đánh giá cao kết quả, chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2023, trong đó có dấu ấn đậm nét của ngành nông nghiệp, của lĩnh vực thủy sản.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, về chống khai thác IUU, tỉnh cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa để sớm tháo gỡ "thẻ vàng", phải tập trung quản lý, giám sát, phân loại tàu cá tốt hơn, chặt chẽ hơn, cần áp dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả. Quá trình thực hiện đòi hỏi sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.