| Hotline: 0983.970.780

Từ vụ khủng bố liên hoàn tại Paris:

Chống khủng bố không thể chiến thắng chỉ bằng bom đạn

Thứ Ba 17/11/2015 , 08:30 (GMT+7)

Toàn thế giới vẫn đang bị sốc và cầu nguyện cho 132 nạn nhân bị giết (và hơn 400 người khác bị thương) trong loạt tấn công xảy ra trong tối thứ sáu tuần trước tại Paris.

Ở khắp các thành phố lớn, các cuộc cầu nguyện trong yên lặng thể hiện sự đồng cảm với nước Pháp đang diễn ra. Các nhà lãnh đạo phát biểu thể hiện sự đoàn kết với nhân dân Pháp trong thời khắc khó khăn này.

Tối chủ nhật theo giờ Pháp, Tổng Thống Hollande tuyên bố không quân Pháp cất cánh từ các căn cứ tại Vùng Vịnh đã xuất kích tiêu diệt các mục tiêu của ISIS, nhóm khủng bố đứng ra nhận trách nhiệm cho loạt tấn công khủng bố vào Paris, trong đợt không kích 'lớn nhất được thực hiện bởi Pháp đến nay'.

Trong bối cảnh an ninh tại Paris và toàn nước Pháp vẫn ở mức cao nhất từ sau loạt tấn công khủng bố hồi tháng 1 năm nay thì loạt tấn công vào tối thứ 6 tuần trước đặt ra một loạt câu hỏi không chỉ cho nước Pháp mà cho toàn bộ các nước đồng minh đang tham gia không kích tại Syria.

14 năm trước và bây giờ

14 năm trước, sau sự kiện 11/9, Tổng Thống Bush tuyên bố loạt tấn công khủng bố của Al-Qaeda là 'hành động chiến tranh' và 'chỉ có một cuộc chiến chống khủng bố được phát động trên toàn cầu' mới thể hiện được sự trả đũa tương xứng. Không khó để nhận ra sự tương đồng về ngôn từ của Bush 14 năm trước và của Hollande sau loạt tấn công vào Paris.

Tương tự như người cựu đồng cấp, Hollande cũng gọi loạt tấn công vào Paris là 'hành động chiến tranh' và rằng 'nước Pháp sẽ đáp trả không thương tiếc'.

Về hành động, Tổng Thống Hollande cũng đã thể hiện sự tương đồng với người đồng cấp 14 năm trước. Hơn 20 quả bom được thả xuống các mục tiêu ở gần Raqqa, thành trì của ISIS ở Syria, trong một cuộc tấn công 'mang đậm tính biểu tượng chính trị', theo như thiếu tướng đã nghỉ hưu James Mark của quân đội Mỹ.

Trong thời lượng ngắn của bài báo thì việc đi sâu vào 14 năm của cuộc chiến chống khủng bố là điều không thể nhưng nhận xét một cách ngắn gọn, cuộc chiến kéo dài này không làm chúng ta an toàn hơn so với trước thời điểm 11/9.

Nhóm nghiên cứu ở trường đại học Oxford dẫn đầu bởi Paul Rugers có bài nhận xét tổng thể về 14 năm của cuộc chiến chống khủng bố và kết luận rằng 'cuộc chiến này đã thất bại trong hầu hết các mục tiêu đặt ra như tiêu diệt các chỗ chú ẩn cho khủng bố và từ đó tạo nên các xã hội dân chủ ở vùng chiến sự (sự thay đổi chiến lược từ sau năm 2004)'.

Al-Qaeda vẫn chưa bị tiêu diệt, các nhóm khủng bố khác như ISIS thậm chí còn mạnh hơn gấp nhiều lần Al-Qaeda ở thời điểm 2001-2005, cuộc chiến tại Afghanistan bước sang năm thứ 15 với lực lượng NATO vẫn phải đồn trú để trợ giúp lực lượng an ninh bản địa trước sức tấn công mạnh mẽ của Taliban tại phía nam.

Giáo sư Rogers kết luận trong bản báo cáo rằng chúng ta phải 'nghiên cứu kĩ hơn về việc làm thế nào mà các tổ chức khủng bố có thể chiêu mộ người trẻ tuổi vào hàng ngũ' và đặc biệt là tác động 'cực đoan hoá' giới trẻ hồi giáo của các cuộc can thiệp quân sự từ phương Tây vào Trung Đông và chính sách chống khủng bố có nhiều tính chia rẽ cộng đồng ngay tại 'sân nhà'.

Đây là thời điểm mà góp ý của Rogers có thể giúp nước Pháp định hình lại chính sách chống khủng bố của mình.

Đối với Syria

Mặc dù còn hơi sớm để đưa ra nhận định rằng tổng thống Hollande có thay đổi quan điểm của Pháp tại Syria hay không và nếu có thì sẽ thay đổi như thế nào nhưng lựa chọn sáng suốt nhất cho Pháp có thể bắt đầu từ việc lắng nghe đề nghị của tổng thống Putin: Tổng thống Assad phải là một phần trong bất kì giải pháp chính trị nào tại Syria.

Khi Nga tuyên bố tham gia không kích tại Syria (cả quân nổi dậy thân phương Tây lẫn ISIS), Pháp là nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất và giữ nguyên lập trường rằng điều kiện tiên quyết cho bất kì giải pháp chính trị nào tại Syria là Tổng Thống Assad phải ra đi. Điều này là dễ hiểu khi mà kể từ đầu cuộc nội chiến, Pháp là nước đầu tiên trong NATO công nhận lực lượng nổi dậy FSA là lực lượng hợp pháp tại Syria.

Từ đó cho đến nay, Hollande vẫn không thay đổi quan điểm 'Assad và ISIS tệ như nhau của mình'. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius thậm chí còn phát biểu hồi đầu năm nay là chính phủ của Assad 'phải bị tiêu diệt'.

Tuy nhiên thì sau khi Nga can thiệp không kích tại Syria thì Pháp đang ngày càng bị cô lập về vị thế của mình tại Syria khi Pierre Haski, CEO của trang báo điện tử độc lập Rue89.com cho rằng Mỹ sẽ sẵn sàng lắng nghe đề nghị từ phía Nga để giải quyết cuộc khủng Syria tại hội nghị G20 trong tuần này. Điều này đặt Pháp vào tình thế khó khăn trong lập trường đơn độc của mình tại Syria.

Mặc dù bất đồng là việc khó tránh khỏi nhưng Pháp và Nga chắc chắn có thể tìm được điểm tương đồng khi cả hai cường quốc (khả năng cao) đều là nạn nhân của các cuộc khủng bố tổ chức bởi ISIS. Vào thời điểm này, sẽ là hợp lí hơn nếu Pháp từ bỏ lập trưởng cứng rắn đối với Assad và tập trung vào ISIS.

Dấu hiệu tích cực đầu tiên đã đến trong hôm 14/11 khi mà đoàn đại diện cấp cao của Pháp lần đầu tiên gặp tổng thống Assad tại Damascus, cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên của phái đoàn Pháp kể từ năm 2012.

Sự nguy hiểm của các phần tử khủng bố xuất thân tại châu Âu

Loạt tấn công vào Paris tối thứ 6 vừa qua một lần nữa cảnh báo sự nguy hiểm từ các kẻ hồi giáo cực đoan có xuất thân tại châu Âu. 4 kẻ trực tiếp tham gia vào các cuộc khủng bố mang quốc tịch Bỉ hoặc Pháp và kẻ được cho là đầu não của loạt tấn công, Abdelhamid Abaaoud, mang quốc tịch Bỉ.

Cuộc khủng bố vào toà soạn báo Charlie Hebdo cũng được thực hiện bởi những kẻ mang quốc tịch Pháp, 2/3 kẻ khủng bố thực hiện cuộc khủng bố London 7-7 mang quốc tịch Anh.

Sự cực đoan hoá các phần tử Hồi giáo bản địa là một vấn đề không thể giải quyết được bằng bom đạn. Alejandro Beutel từ viện nghiên cứu MFI cho rằng cực đoan hoá bắt đầu khi một cá nhân có vấn đề về hoà nhập, danh tính cá nhân trong một xã hội.

Những cá nhân này sẽ tìm đến các nhà truyền giáo (cực đoan) để định hình về xã hội mình đang sống. Nếu như họ không được giúp đỡ từ xã hội ở giai đoạn này thì họ sẽ dần dần bị lôi cuốn vào thế giới cực đoan khi mà ngày ngày họ dành thời gian qua lại với những kẻ cực đoan có cùng lí tưởng.

Việc phát triển của mạng Internet đã khiến quá trình này trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi những kẻ cực đoan chỉ cần đăng tải các ấn phẩm bạo lực từ Syria trên mạng Internet là sẽ có hàng nghìn người theo dõi ở tận châu Âu hay châu Mỹ.

Nghiên cứu của Beutel chỉ ra một vấn đề mà chúng ta không còn lạ lẫm nữa: chính sách hoà nhập các cộng đồng tôn giáo và thiểu số vào xã hội chung của chúng ta đang có vấn đề. Rõ ràng là trước bối cảnh này thì việc các đảng cực hữu kêu gọi tăng cường các trính sách có tính phân biệt đối với cộng đồng người Hồi giáo là việc phản tác dụng. Việc làm này sẽ chỉ càng cực đoan hoá thêm các thành phần giới trẻ Hồi giáo và đẩy họ vào vòng tay của những kẻ khủng bố.

 Để kết thúc bài viết, tôi muốn mượn lời bình luận của tờ The Guardian: 'ở thời điểm khó khăn này, chúng ta phải bảo vệ những giá trị đã định hình xã hội của chúng ta: tự do, đa sắc tộc và đoàn kết'. Chỉ khi bắt đầu hiểu được cuộc chiến chống khủng bố không thể chiến thắng chỉ bằng bom đạn, chúng ta mới có thể vạch ra một chiến lược khác hiệu quả hơn.

(Từ Manchester, Anh)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm