| Hotline: 0983.970.780

Chủ cơ sở chăn nuôi nông hộ không được gây ảnh hưởng đến người xung quanh

Thứ Tư 10/04/2024 , 16:30 (GMT+7)

TP.HCM Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM khuyến cáo cơ sở chăn nuôi phải có giải pháp xử lý chất thải, không được gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Các hộ nuôi trên địa bàn TP.HCM cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xử lý mùi hôi, thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các hộ nuôi trên địa bàn TP.HCM cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xử lý mùi hôi, thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố số gia súc, gia cầm khá lớn với khoảng gần 130.000 con heo, 74.500 con trâu, bò; 2.500 con dê, cừu và 162.000 con gia cầm. 

Do đó, nếu không có các biện pháp xử lý khoa học, hợp lý đối với chất thải chăn nuôi sẽ ảnh hưởng môi trường xung quanh, dễ lây lan, phát sinh dịch bệnh và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM khuyến cáo, các hộ, cơ sở chăn nuôi cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xử lý mùi hôi, thu gom, xử lý chất thải đúng quy định.

Trong đó, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện như có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi. Có biện pháp bảo vệ môi trường, có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại...

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Các tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại phải có trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi, bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và các chất thải khác.

Chủ cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ sẽ phải thực hiện các yêu cầu như có biện pháp xử lý về phân, nước thải, khí thải chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Vật nuôi bị chết vì dịch bệnh và các chất thải nguy hại khác sẽ phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường,… Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, giữ gìn môi trường sinh thái.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi không những tạo ra các loại phân bón hữu cơ có giá trị, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, mà còn thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với công tác bảo vệ môi trường.

Chi cục Chăn nuôi  và Thú y TP.HCM yêu cầu các tổ chức, cá nhân chăn nuôi cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mưa lớn kéo dài, hàng ngàn ha lúa đông xuân mới gieo sạ ngập úng

BÌNH ĐỊNH Những đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 11/12 đến nay đã khiến hàng ngàn ha lúa đông xuân 2024-2025 tại Bình Định mới gieo sạ bị ngập úng, có nguy cơ chết giống.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.