| Hotline: 0983.970.780

Chủ động hạ giá điện ngay khi chi phí giảm

Thứ Năm 06/10/2022 , 15:26 (GMT+7)

Bộ Công thương yêu cầu EVN hạ giá bán điện tương ứng mức giảm của chi phí sản xuất, là nội dung mới trong Dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg.

Bộ Công thương yêu cầu EVN chủ động giảm giá điện vào ngày 1/10 hàng năm, nếu kết quả tính toán chi phí đầu vào năm liền trước giảm.

Bộ Công thương yêu cầu EVN chủ động giảm giá điện vào ngày 1/10 hàng năm, nếu kết quả tính toán chi phí đầu vào năm liền trước giảm.

Trong quá trình xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, Bộ Công thương nêu 6 nội dung chính. Một trong số đó, là quy định về cách thức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (giá điện).

Theo Quyết định 24, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ được tăng giá điện nếu giá điện tăng từ 3% nếu nguyên nhân là từ biến động yếu tố đầu vào. Nhưng tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất, nếu đầu vào tăng từ 1-5%, EVN được quyền điều chỉnh tăng giá điện.

Trường hợp chi phí đầu vào tăng từ 5%, EVN phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương, để Bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát. Nếu chấp thuận, EVN mới được tăng giá điện.

Với trường hợp tăng từ 10% hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến, trước khi trình Thủ tướng để điều chỉnh giá điện.

Một số ý kiến cho rằng, EVN có thêm quyền tăng giá điện. Để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, Bộ Công thương cho biết: Trước ngày 1/8 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán điện. Nếu kết quả cho thấy giá điện giảm, ở bất kỳ mức nào, EVN phải giảm giá bán tương ứng. Thời gian thực hiện điều chỉnh là từ ngày 1/10 của năm đó.

Hiện giá điện sinh hoạt được áp dụng, từ năm 2019, là 1.864,44 đồng/kWh. Giá do Chính phủ chốt cứng dựa trên các chi phí đầu vào như phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý... nhằm đảm bảo ngành điện có lãi và đủ tái đầu tư. 

Giá điện Việt Nam so với các nước và trung bình của thế giới. (Đơn vị tính: USD)

Giá điện Việt Nam so với các nước và trung bình của thế giới. (Đơn vị tính: USD)

Ngoài việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công thương đánh giá dự thảo khắc phục được 3 tồn tại hiện nay.

Đó là: tần suất điều chỉnh giá điện, khả năng đáp ứng với thị trường có nhiều người mua - bán trong tương lai, và bổ sung sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, dự thảo đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục để hỗ trợ giảm tiền điện khi có chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng, giống đợt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 năm 2020 và 2021.

Ngoài ra, dự thảo quy định chi tiết hồ sơ xây dựng phương án giá điện hằng năm. Bao gồm: Báo cáo tài chính, báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN được kiểm toán độc lập; Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm liền trước của đoàn kiểm tra liên ngành; Các thông số đầu vào của 6 tháng đầu năm và dự kiến cho 6 tháng còn lại của năm tính giá.

Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng trong Quý IV năm 2022.

Song song với xây dựng Dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, Bộ Công thương cũng đề xuất cách tính tiền điện sinh hoạt mới, với phương án rút gọn từ 6 bậc thành 5, thậm chí 4 bậc. Bậc rẻ nhất được áp dụng cho hộ dùng dưới 100 kWh/tháng, thay vì 50 kWh như trước.

Nếu đề án này được triển khai trong thực tế, Bộ Công thương tin biểu giá mới sẽ xóa mờ được việc nhóm sử dụng điện sinh hoạt phải bù chéo cho khối sản xuất, vốn sử dụng nhiều điện năng, để EVN cân bằng doanh thu.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.