Xây dựng phương án kiểm soát, phân bổ nguồn nước
Theo Tổng cục Thủy lợi, từ sau năm 2012, các hồ chứa nước lớn phía Trung Quốc trên sông Lan Thương và các thủy điện dòng nhánh hoạt động, đã có tác động tới dòng chảy về ĐBSCL, gây nên biến đổi quy luật xâm nhập mặn.
Trong 5 năm gần đây, ĐBSCL xảy ra hai đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Phạm vi xâm nhập mặn cũng tăng so với trước đây, ranh mặn 4 gam/lít xuất hiện thường xuyên hơn tại vị trí cách cửa sông Cửu Long 80 km, thay vì chỉ xảy ra vào những năm cao điểm.
Đặc biệt, kỳ hạn mặn năm 2015-2016, gây thiệt hại 405.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho khoảng 210.000 hộ dân. Trong khi đó, hạ tầng thủy lợi tại ĐBSCL chủ yếu phục vụ nhu cầu canh tác lúa, chưa khai thác được hết tiềm năng, nguồn lợi từ nước mặn, nước lợ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay với ngành Thủy lợi là kiểm soát tốt nguồn nước để phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Về chủ động nguồn nước, hiện nay, ở ĐBSCL còn khu vực nam Cà Mau và nam Quốc lộ 1 tỉnh Bạc Liêu đang còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, với quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Bộ NN-PTNT đang triển khai kế hoạch đảm bảo danh mục đầu tư cho những công trình lớn như điều tiết nước trên sông Vàm Cỏ, công trình chuyển nước xuống nam Cà Mau...
Nếu kế hoạch vốn đáp ứng được đến năm 2030, thì chắc chắn sẽ kiểm soát hoàn toàn và chủ động được nguồn nước. Đến năm 2050, dựa trên sự biến động nguồn nước ở thượng nguồn chảy về cũng như kịch bản biến đổi khí hậu thời điểm đó, tiếp tục điều chỉnh, đầu tư các công trình điều tiết nước ngọt, nước mặn tại các cửa sông.
Về vấn đề nguồn nước ở ĐBSCL phân bổ không đều ở cả không gian và thời gian, ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: Diện tích đồng bằng của toàn bộ lưu vực sông Mê Kông chỉ có 5%, nên tổng lượng dòng chảy rất lớn, tới 430 tỷ m3/năm. Từ đó, có thể thấy tổng lượng dòng chảy không thiếu nhưng phân bố không đều, đặc biệt chịu tác động bởi yếu tố con người, quản lý nguồn nước ở khu vực thượng nguồn. Vì vậy, ngành Thủy lợi nên nghiên cứu đến các giải pháp trữ nước, nếu không có hồ chứa lớn ven biển, chúng ta phải xây dựng hệ thống cống ở trên sông để trữ nước mùa hạn, mở thoát nước mùa lũ.
“Chúng ta nên có những nghiên cứu để chủ động về nguồn nước một cách hoàn toàn, tránh những tác động từ thượng nguồn. Các giải pháp trữ nước phải nghiên cứu đồng bộ, cả trên các con sông và hồ chứa ven biển” ông Đào Xuân Học bày tỏ quan điểm.
Kiểm soát sụt lún sạt lở đất, nước biển dâng
Theo ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, vấn đề úng ngập của ĐBSCL hiện nay rất nghiêm trọng. Trong báo cáo quy hoạch Hà Lan đang giúp Việt Nam thực hiện, cho thấy trong 10 năm tới (từ 2021-2030), mực nước sẽ dâng lên 7 cm, lún đất bình quân một năm là 2,5 cm.
Từ đó, dễ dàng nhìn thấy đất ở ĐBSCL, đặc biệt đoạn từ giữa đồng bằng ra đến biển có nguy cơ sẽ lún sụt thêm 32,5 cm. Vì vậy, giải quyết vấn đề chống ngập của ĐBSCL rõ ràng cần phải có giải pháp tổng thể và lâu dài.
“Chúng ta không thể làm như hiện nay, ngập đến đâu bao đê đến đấy. Nếu làm như vậy, ở ĐBSCL có thể lên đến 300.000-500.000 km đê, dẫn tới không thể đủ kinh phí để duy tu bảo dưỡng hàng năm”, ông Đào Xuân Học cho hay.
Cũng theo ông Đào Xuân Học, đối với vấn đề sạt lở do hồ chứa xây dựng nhiều giữ lại phù sa trên thượng nguồn, phía hạ lưu hoạt động khai thác cát diễn ra mạnh. Chúng ta phải nhìn nhận đây là quy luật của quá trình phát triển không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đã xảy ra ở các nước trên thế giới trước đây.
Khi đất nước phát triển, nhu cầu về điện, xây dựng sẽ lớn hơn, đẩy hoạt động xây dựng hồ chứa để sản xuất điện và khai thác cát xây dựng tăng lên, dẫn đến làm xói lở, hạ thấp mực nước sông ở hạ lưu rất lớn.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần có chính sách tổng thể cho cả đồng bằng theo hướng lâu dài, trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố tác động từ phía thượng nguồn, nội tại phát triển của vùng và tác động của biển. Nghiên cứu áp dụng một số chính sách cho hoạt động xây dựng để giảm lượng cát san nền, từ đó sẽ giảm hoạt động khai thác cát trên sông, góp phần giảm hiện tượng sụt lún.