| Hotline: 0983.970.780

Chu mỏ vì xoài cát Chu

Thứ Sáu 30/07/2010 , 19:55 (GMT+7)

Nản chí, ông chạy sang lại Đồng Nơ cầu cứu “sư phụ” là nhà khoa học già đã dẫn dắt ông vào nghiệp trồng xoài nhưng 8 ha xoài trước đây chẳng thấy đâu và thay vào đấy là 8 ha cao su mới trồng. Không chỉ vườn của vị giáo sư già mà cả những vườn xoài của những tiến sĩ trẻ Viện khoa học nông nghiệp miền Nam cũng đã được đổi chủ và cao su là sự lựa chọn của những ông chủ mới.

Xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, 2 giống xoài đặc sản của ĐBSCL từng ồ ạt đổ bộ lên miền Đông Nam bộ với diện tích cả chục nghìn ha nhưng sau hơn 10 năm chúng đã bị đánh bật hoàn toàn bởi áp lực sâu bệnh, chất lượng ngày một kém…

Xoài cát không hợp đất Đông Nam bộ.

Năm 1994, ông Nguyễn Xuân Cường là bộ đội phục viên làm một cuộc cách mạng – bán hết nhà cửa, lợn gà, bò me, ruộng khoán ở Nam Đàn, Nghệ An vào lập nghiệp tại xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Rất ý thức được tầm quan trọng của tư liệu sản xuất nên số tiền 30 triệu lận lưng được, vợ chồng bàn bạc chỉ để tậu đất, giống má mà không tơ hào cho việc chi dùng hàng ngày. Trước hết ông dùng 15 triệu mua được một khoảnh rừng le của đồng bào dân tộc rộng khoảng 5 ha.

Ngày nào cũng vậy, mới hừng đông vợ chồng đã vác dao lên rẫy hì hụi chặt phát quang, đốt, đến tối mịt thì túp lều cỏ tranh ven sông Bé mới đỏ lửa bập bùng. Không điện, không nước, không thịt cá, không tivi… ngày cứ nối ngày, sau gần 1 năm thì cái rẫy cũng đã thành hình và có thể trồng tỉa. Đang ở nơi đất chật người đông, nay có được miếng đất mênh mông, ông bà lâng lâng với thành quả đầu tiên của ý chí và sự quyết đoán.

Trồng cây gì? Lấy ngắn nuôi dài là phương châm được quán triệt. 3 ha cao su là sự lựa chọn đầu tiên vì lúa nương, ngô, đậu, sắn có thể xen vào. 2 ha còn lại? Cây cao su 7 năm mới khai thác được, phải trồng cây gì ngắn hơn – ông Cường nghĩ.

Trong một chuyến đi lên xã Đồng Nơ, Bình Long, tình cờ ông gặp được một nhà khoa học ở Viện sinh học nhiệt đới. Được thăm 8 ha xoài mới trồng của chính nhà khoa học, lại được dẫn đi thăm nhiều vườn xoài khác ven hồ Dầu Tiếng mà nghe rằng là của các tiến sĩ thuộc Viện khoa học nông nghiệp miền Nam, ông mê mẩn và quyết chí làm theo. Nhẩm tính, mỗi cây xoài chí ít cũng thu được 10 kg, bán được 6.000 đ/kg, 800 cây được 80 tấn, vị chi gần 500 triệu, một con số ông chưa từng mơ. Theo số điện thoại của nhà khoa học cho, ông về tận Cao Lãnh, Đồng Tháp mua giống xoài cát Chu, thuê hẳn một chuyến xe tải chở về Bình Phước.

Cây xoài cát Chu tỏ ra phấn khích với vùng đất mới, chỉ mới trồng 1 năm mà gốc xoài đã mập mạp bằng cán dao, vượt quá đầu người, đều tăm tắp. Sau 4 năm đã cho lứa bói đầu nhưng sao vị xoài lại ngả sang chua chứ không “ngọt ngay” như quê hương Đồng Tháp. Thoáng chút ngỡ ngàng nhưng ông Cường vẫn an ủi vợ – quả bói nó vậy, năm sau mình tăng cường thêm kali thì nó lại ngon ngay mà.

Để ăn chắc vụ xoài đầu tiên làm đà cho các vụ sau, ông Cường đã tích cực đầu tư ngay từ khi thu hoạch quả bói theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Cây xoài đáp ứng tức thì, đồng loạt bật ngay chồi lá mới.

Thế nhưng một buổi sáng sớm ông Cường không thể tin nổi vào mắt mình, những tàng lá mới còn màu đồng chưa kịp xanh thì đã tơi tả rơi xuống đất. Phải chạy lên Chi cục Bảo vệ thực vật mới biết thủ phạm là những con côn trùng cánh cứng có tập tính thành đàn thường có ở những khu vực mới khai hoang, chuyên gây hại vào ban đêm. Cũng chẳng phải chờ đợi lâu, vào khoảng 8 giờ tối đêm hôm sau, vợ chồng ông đang “mật phục” thì bỗng nghe ù ù, đàn côn trùng hàng triệu con đáp xuống vườn xoài. Tức thì 2 bình thuốc sâu đã được pha sẵn, hai vợ chồng thi nhau phun. Mặc cho thuốc phun như mưa, đàn côn trùng vẫn bám như keo vào các tầng lá. Phun hết 2 bình thuốc thấy không ăn thua, vợ chồng chạy đi rung cây, con nào rớt thì cứ rớt, con nào cắn phá lá non thì cứ cắn phá, rớt xuống lại bay lên, đàn côn trùng chỉ chịu bay đi khi “cơ bản” đã cắn nát tầng lá non mới. Báo hại, sáng hôm sau đàn gà gần 100 con của ông cũng lăn ra chết sau khi chén đẫy những con côn trùng cánh cứng dính thuốc chết đêm qua.

Chắc cũng như ong, ông Cường nghĩ – Vậy là cứ mỗi đợt nhú lá mới ông lại tranh thủ phun ngay thuốc ngừa để xua đuổi những con trinh sát. Cách làm của ông không biết có đúng không nhưng đã hạn chế đáng kể sự tấn công của chúng mặc dù bộ lá vẫn không thể đẹp như xoài trồng vùng ĐBSCL.

Mùa xoài đầu đến một cách tự nhiên, cả vườn ngan ngát hương, rồi những chùm xoài chi chít quả hiện ra cùng với bệnh thán thư, bệnh nấm bồ hóng xuất hiện. Ban đầu bệnh lác đác nhưng càng về sau nấm bệnh càng nặng, phải phun thuốc định kỳ, phải liên tục thay thuốc 1 tuần/lần… Bao nhiêu công sức, chờ đợi và hy vọng nhưng sản lượng chỉ đạt trên dưới 10 tấn. Không có một thương lái nào mua vì “nhìn dạng trái thì đúng là xoài cát nhưng sao lại hơi chua”, buộc ông phải tự chở xuống bến xe miền Đông bán cho mấy xe đò phía Bắc được 3.000 đ/kg.

“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, ông tìm đọc thêm sách vở, rồi về tận Cao Lãnh, nơi bán giống cho ông học cách làm xoài trái vụ. Lại tốn thêm tiền mua thuốc Paclo, mua Thiurea, KNO3 và rất nhiều dầu cho việc bơm tưới. Năm 2001 lại hạn nặng, giếng không đủ bơm phải đưa máy bơm xuống tận vực sông Bé và chẳng may một lần ông trượt té bị gãy xương sườn, dập môi, miệng sưng vù lên và tiền xoài thu được cũng chỉ đủ trang trải tiền thuê nhân công và viện phí, hơn 10 triệu tiền vay ngân hàng không trả được.

Nản chí, ông chạy sang lại Đồng Nơ cầu cứu “sư phụ” là nhà khoa học già đã dẫn dắt ông vào nghiệp trồng xoài nhưng 8 ha xoài trước đây chẳng thấy đâu và thay vào đấy là 8 ha cao su mới trồng. Không chỉ vườn của vị giáo sư già mà cả những vườn xoài của những tiến sĩ trẻ Viện khoa học nông nghiệp miền Nam cũng đã được đổi chủ và cao su là sự lựa chọn của những ông chủ mới.

Khi chặt bỏ vườn xoài, ông Cường chu mỏ tặc lưỡi - Dẫu sao mình vẫn còn may hơn các nhà khoa học và bao người khác vì còn 3 ha cao su đã bắt đầu khai thác.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.