Tha thiết kêu gọi ngư dân chung tay chống khai thác IUU
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, với 9.800 tàu cá đăng ký hoạt động. Trong đó, có 3.884 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, hoạt động đánh bắt xa bờ, có gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Mặc dù thời gian qua, các đơn vị chức năng, các địa phương trong tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Tuy nhiên, tình trạng tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị phát hiện khai thác IUU vẫn còn xảy ra, cả trong nước và ở vùng biển nước ngoài. Cụ thể, theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, trong 9 tháng đầu năm 2022, có 90 tàu cá bị phát hiện vi phạm khi khai thác trên vùng biển trong nước, trong đó có 53 vụ vi phạm trên biển và 37 vụ vi phạm thiết bị giám sát hành trình. Còn theo thông tin từ Bộ NN-PTNT và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm 2022, có 11 vụ với 17 tàu cá của ngư dân Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, vùng nước lịch sử giáp ranh với các nước lân cận bị bắt giữ và xử phạt.
“Trên tinh thần đó, tôi kêu gọi bà con ngư dân, đặc biệt là chủ tàu, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản và thuyền trưởng, hãy tích cực hưởng ứng lời kêu gọi này, không đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín và danh dự của quốc gia, dân tộc”, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tha thiết kêu gọi người dân hưởng ứng việc chống khai thác IUU.
Trước tình hình đó, ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có thư kêu gọi chủ tàu cá, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, thuyền trưởng và ngư dân trên địa bàn hưởng ứng việc chống khai IUU.
Trong thư, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang viết: “Là người con xứ biển, chúng tôi chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề đi biển và cũng rất tự hào về những đóng góp tích cực của bà con ngư dân cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và cho đất nước. Chúng ta từng hưởng ứng rất tích cực chương trình đánh bắt xa bờ của Chính phủ, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên biển, từng là cột mốc di động trên biển để khẳng định chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh hiện tại, khi nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt nghiêm trọng, mà lượng tàu thuyền lại phát triển quá mức, gánh nặng kinh tế gia đình cùng với áp lực trả nợ ngân hàng, đã buộc một số bà con phải lựa chọn cách đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài. Đây là cách làm bất đắc dĩ, không mong muốn. Cách quản lý nghề cá theo kiểu truyền thống, để tồn tại nhiều bất cập trong thời gian dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn hiện nay.
Đây là trách nhiệm của chính quyền các cấp, là Chủ tịch UBND tỉnh, tôi xin nhận trách nhiệm này và hứa sẽ làm hết sức mình trong thời gian tới để sắp xếp, lại cơ cấu lại nghề cá phù hợp. Đẩy mạnh phát triển nuôi biển theo hướng bền vững. Tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để khai thác bền vững. Cố gắng tập trung xây dựng chính sách đồng bộ, kịp thời hỗ trợ có hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân, như: Chính sách liên quan đến vay vốn ngân hàng, hỗ trợ phí lắp đặt, phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình… Đồng thời, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
10 ngàn lá thư kêu gọi đã đến tay ngư dân
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thời gian qua, các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền về chống khai thác IUU và trao 10 ngàn lá thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo Khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Qua đó, đã nâng lên sự hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, người dân, nhất là cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp thủy sản, về các quy định chống khai thác IUU.
Nội dung thư nêu rõ: “Ngày 23/11/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu (EU), từ vị trí thứ 2 đã tụt xuống vị trí thứ 5 về lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Nguyên nhân của tình hình trên là do Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác IUU, đặc biệt là đưa tàu đi đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Công tác quản lý nghề cá ở Việt Nam chưa tương đồng với nghề các khu vực và thế giới, đặc biệt là chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác của EC”.
Sau 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo Khuyến nghị của EC, tỉnh ta đã cùng với cả nước cố gắng khắc phục khó khăn, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tăng cường công tác quản lý hoạt động nghề cá ngày càng chặt chẽ hơn theo hướng bền vững, tương đồng với nghề cá khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép phép vùng biển nước ngoài trong đó có tàu cá Kiên Giang vẫn tiếp tục tiếp diễn. Chính vì vậy, phía EC khẳng định sẽ không gỡ “Thẻ vàng” nếu chưa chấm dứt được tình trạng này và như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ bị cảnh báo “Thẻ đỏ”, hàng hóa thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU và một số thị trường quan trọng khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Như lời chia sẻ rất chân tình về lòng tự trọng của một vị nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang: “Không có quốc gia, dân tộc nào có thể tự hào khi làm ăn bất hợp pháp, đi ăn cắp, ăn trộm tài nguyên của quốc gia, dân tộc khác”.
Thông tin có sự phối hợp của Ban Chỉ đạo Chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang