| Hotline: 0983.970.780

Chú trọng sức khỏe, dinh dưỡng, hiệu quả chăn nuôi bò tăng trông thấy

Thứ Sáu 30/08/2024 , 11:31 (GMT+7)

Lai Châu Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò thương phẩm ở vùng cao cho thấy hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường, giảm dịch bệnh.

Chăn nuôi gia súc tập trung cho thấy hiệu quả hơn nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: H.Đ.

Chăn nuôi gia súc tập trung cho thấy hiệu quả hơn nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: H.Đ.

Sử dụng đệm lót sinh học hạn chế dịch bệnh

Với diện tích chuồng nuôi hơn 200m2, ông Nguyễn Duy Huy ở tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên (Tân Uyên, Lai Châu) đã nuôi được hàng chục con bò, trâu, mang thu nhập ổn định hàng năm. 

Qua tìm hiểu kỹ thuật, nhận thấy nuôi trâu bò nhốt chuồng không khó, vốn đầu tư nhỏ, chủ động khâu chăm sóc, vỗ béo, không phụ thuộc vào nguồn thức ăn ngoài tự nhiên, hiệu quả kinh tế cao, ông Huy mạnh dạn thay đổi tư duy trong chăn nuôi. 

Cùng với vay vốn của ngân hàng, ông chuyển đổi một phần đất trồng chè của gia đình để chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng và làm mô hình vườn ao chuồng. Ông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên hỗ trợ kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học, hướng dẫn sử dụng chế phẩm EM.

Từ năm 2018, chỉ với 7 con cả trâu và bò, đến nay đàn trâu, bò của gia đình ông trên 50 con gồm 35 bò và 15 trâu sinh sản. Số bê, nghé được sinh ra hàng năm từ 28 đến 32 con, sau 6 tháng tuổi xuất chuồng làm giống. Giá mỗi con từ 6 đến 7 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình ông thu được từ 168 đến 192 triệu đồng từ bán bê, nghé giống.  

Bên cạnh đó, gia đình ông dành khoảng 5.000 m2 đất trồng ngô, cỏ voi, tận dụng phân chuồng ủ để chăm bón, tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn vật nuôi. Chăn nuôi gia súc theo đúng các quy trình kỹ thuật và tiêm phòng vắcxin định kỳ, đàn bò, trâu sinh trưởng, phát triển tốt.

"Thời gian qua, được sự hỗ trợ của nhà nước, nên hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với chăn nuôi truyền thống. Lúc đầu tôi chỉ có vài con, dần dần sinh sản ra. Từ bán bò kinh tế gia đình ổn định hơn, không phải khó khăn như trước. Tôi sử dụng đệm lót sinh học để chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường mà giúp vật nuôi ít dịch bệnh", ông Nguyễn Duy Huy chia sẻ.

Kỹ thuật nuôi trâu, bò sinh sản quy mô nông hộ sử dụng đệm lót sinh học dễ làm, không đòi hỏi kỹ thuật cao, mọi nông hộ đều có thể áp dụng. Ưu điểm là giảm mùi hôi chuồng trại, loại trừ các mầm bệnh có hại; hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm bệnh tật, giảm công lao động, giảm chi phí, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi. 

Từ đó, từng bước thay đổi phương pháp chăn nuôi truyền thống của bà con vùng cao Tân Uyên. Việc hướng tới chăn nuôi tập trung, an toàn, hiệu quả, bền vững… giúp tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Trâu bò được ăn thức ăn xanh, không còn cảnh thả rông kiếm ăn ngoài tự nhiên. Ảnh: H.Đ.

Trâu bò được ăn thức ăn xanh, không còn cảnh thả rông kiếm ăn ngoài tự nhiên. Ảnh: H.Đ.

Bỏ thả rông chuyển sang nuôi nhốt tập trung

Nhiều năm trở lại đây, thị trấn Tân Uyên đã xác định chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung là hướng đi mới giúp người dân giảm nghèo bền vững. Do đó, thị trấn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động người dân bỏ thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp để nuôi quy mô, hiệu quả hơn.

Gia đình ông Đoàn Văn Kiên ở tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên trước đây chỉ nuôi vài con trâu, bò, chưa biết đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi nhốt tập trung. Sau khi được tham quan học hỏi từ nhiều mô hình của bà con trong huyện, ông đã đầu tư hệ thống chuồng trại và được cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật. Sau vài năm đàn bò của gia đình ông đã lên 50 con, chủ yếu là bò sinh sản và ông còn nuôi thêm lợn. 

Để đàn bò phát triển tốt, ông sử dụng men vi sinh nuôi gia súc trên đệm lót sinh học để xử lý chất thải gia súc. Song song với đó, ông đầu tư xây dựng khu nhà chế biến ủ thức ăn, ủ rơm cho trâu, bò; khu chế biến, giết mổ gia súc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, gia đình ông thu lãi hàng trăm trăm triệu đồng/năm.

Ông Vũ Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Uyên cho hay, các hộ chăn nuôi từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống, thả rông sang chăn nuôi tập trung và có tính toán theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các mô hình chăn nuôi tập trung, nuôi nhốt trâu, bò đã được xây dựng và nhân rộng. 

Các chính sách hỗ trợ của nhà nước hỗ trợ các hộ, nhóm hộ gia đình làm chuồng trại, trồng cỏ, giống và qua vận động, tuyên truyền trên địa bàn thị trấn đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi trâu bò. Thị trấn cũng khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã trên địa bàn sử dụng giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao... 

Theo thống kê từ năm 2021 đến nay, toàn huyện Tân Uyên đã hỗ trợ gần 30 hộ gia đình, hợp tác xã trên địa bàn làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, trồng cỏ, đệm lót sinh học với kinh phí từ Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu. 

Đàn gia súc của huyện Tân Uyên hiện đạt trên 50.000 con, trong đó đàn trâu, bò hơn 21.600 con. Ngoài ra, toàn huyện có 2 hợp tác xã chăn nuôi lớn với quy mô 100 con, 6 nhóm nông hộ và trên 30 gia trại, quy mô chăn nuôi từ 10 - 50 con gia súc.

Sử dụng đệm lót sinh học, hạn chế dịch bệnh và mùi hôi. Ảnh: H.Đ.

Sử dụng đệm lót sinh học, hạn chế dịch bệnh và mùi hôi. Ảnh: H.Đ.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên cho hay, huyện Tân Uyên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò theo các mô hình nuôi nhốt tập trung. 

Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi gia súc. Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống. Tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia súc… 

Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu có 5 đến 7 hợp tác xã phát triển tập trung về chăn nuôi và có gần 40 nhóm hộ chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại. Qua đó, thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. 

Theo Hội nông dân huyện Tân Uyên, để tạo điều kiện cho hội viên vươn lên làm giàu, hàng năm, Hội phối hợp với các phòng chuyên môn, doanh nghiệp tư vấn hỗ trợ nông dân; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên ở các xã, thị trấn.

Hỗ trợ vốn sản xuất thông qua các kênh như: Quỹ Hỗ trợ nông dân, ngân hàng cho vay vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho nông dân quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng việc đưa sản phẩm tham gia các sự kiện lớn của tỉnh, huyện, bày bán ở các cửa hàng bán nông sản của Hội Nông dân tỉnh và các huyện. Qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, làm giàu trên mảnh đất quê hương. 

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.