| Hotline: 0983.970.780

Chữa cháy rừng cơ cực lắm thay

Thứ Hai 23/09/2024 , 08:09 (GMT+7)

Chế độ cho người lao động tại các đơn vị chủ rừng thấp lè tè. Đồng lương còm cõi nhưng việc gì cũng đến tay, gay go nhất là những đợt chữa cháy rừng.

Anh Hoàng Văn Sùm bị bỏng nặng trong quá trình chữa cháy rừng, sau đó phải nhập viện điều trị nhiều ngày. Ảnh: Ngọc Linh.

Anh Hoàng Văn Sùm bị bỏng nặng trong quá trình chữa cháy rừng, sau đó phải nhập viện điều trị nhiều ngày. Ảnh: Ngọc Linh.

Hiểm nguy rình rập

Đến giờ vụ cháy rừng diễn ra vào ngày 23/8/2024 tại tiểu khu 960, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vẫn ám ảnh những người trực tiếp tham gia. Địa điểm là rừng thông xen keo, vốn là chất “bắt lửa” hữu hiệu, kết hợp không khí hanh khô, địa hình dốc khiến công tác ứng phó gặp muôn vàn trắc trở.

Từ những lực cản đó, phải sau hàng giờ đồng hồ quần thảo liên tục, hàng trăm con người thuộc đầy đủ các thành phần (dân quân tự vệ, kiểm lâm, chủ rừng…) mới ngăn được đám cháy nghiêm trọng này. Gắng sức 200% giữa nắng nóng hầm hập khiến ai nấy đều bơ phờ, rã rời chân tay, lắm người mặt mày  choáng váng, lảo đảo trong từng bước đi.

Vụ cháy xảy ra tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc khiến nhiều người ám ảnh. Ảnh: Ngọc Linh.

Vụ cháy xảy ra tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc khiến nhiều người ám ảnh. Ảnh: Ngọc Linh.

Vụ này Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc thiệt đơn thiệt kép, vừa mất trắng nhiều diện tích rừng trồng lại gặp sự cố không mong muốn về mặt quân số. Quá trình xông pha nơi biển lửa bao trùm, 2 cán bộ thuộc lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (lực lượng 2B) đã bị lửa “táp” vào gây bỏng nặng, buộc phải tiến hành nhập viện khẩn cấp để điều trị tích cực. Gần 1 tháng kể từ khi biến cố xảy ra, nỗi lo vẫn chưa dứt.

Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Văn Trường, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ nói thay nỗi lòng của anh em: “Nắng nóng kéo dài càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Công tác ứng phó cực kỳ khó nhằn do địa hình bất thuận, nơi xảy cháy tựa như “cái om” với mái dốc, trên tuyến đầy đá cuội sắc nhọn, lổm cộm như chông. Cách nhau tầm 5m lại xuất hiện những khe, rãnh sâu hoắm, tiết diện rộng khoảng 1,5 - 2m, sâu chừng 2,5 - 3m, chỉ một thoáng sơ sẩy là sụt chân xuống liền. Nguy hiểm hơn cả là khi gió thổi mạnh, cuốn theo lửa, khói thổi rạt về một hướng, lúc này bất trắc vô cùng. Nói thực, đặt trong bối cảnh đó đến di chuyển không thôi đã cơ cực chứ nói gì đến thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”.

Tâm tư của Phó ban Trần Văn Trường mới lột tả phần não nỗi gian truân của nghề chữa cháy rừng tại Nghệ An, nơi được ví von là “chảo lửa” khu vực miền Trung. Nhìn nhận tổng quan thấy rằng các đơn vị chủ rừng phải gánh gồng áp lực nặng nề quá đỗi, với bộ phận bảo vệ rừng chuyên trách nỗi niềm càng nhân đôi. Họ là lực lượng truân chuyên, luôn tiên phong xông pha điểm nóng, chẳng ngần ngại hiểm nguy nhưng thụ hưởng chế độ chính sách “eo hẹp”. Họ không được hưởng chế độ độc hại, chẳng được hưởng thâm niên…, cứ thế lầm lũi với đầy rẫy bất an, lo lắng.  

Công tác chữa cháy rừng đối diện với đầy rẫy âu lo. Ảnh: Ngọc Linh.

Công tác chữa cháy rừng đối diện với đầy rẫy âu lo. Ảnh: Ngọc Linh.

Lấy luôn trường hợp của anh Trịnh Xuân Hà, người bị bỏng nặng phải chuyển tuyến ra Hà Nội điều trị làm minh chứng. Bản thân anh Hà là người có kinh nghiệm dạn dày với hơn 15 năm trong nghề, vốn kinh qua hàng chục vụ chữa cháy thực tế nhưng vẫn gặp sự cố nghiêm trọng. Bỏng nặng nên quá trình điều trị kéo dài lê thê, mãi đến thứ 5 vừa rồi mới đủ điều kiện để cấy ghép da để ngăn ngừa khả năng hoại tử. Lúc này tính mạng của anh Hà không còn bị đe dọa nhưng di chứng để lại là điều khó tránh, lâu dài là thế còn trước mắt là muôn vàn nỗi lo thường trực.

Hỏi rõ mới biết, anh chị có hai cháu sinh đôi mới vào lớp 1, vợ chồng bận bịu tối ngày phải nhờ cậy bà ngoại từ huyện Thanh Chương xuống chăm nom, quán xuyến. Ngặt nỗi bà năm nay đã ngoài 70 nên đi lại khá bất tiện, chung quy chỉ thạo việc nhà, thành thử lắm hôm phải nhờ hàng xóm đón đưa các cháu. Nay anh Hà gặp biến cố, chị nhà phải bỏ dỡ công việc ra túc trực 24/24 tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác để tiện bề chăm sóc chồng, mọi thứ bỗng chốc rối tung rối mù hết cả.   

Đau đáu, trăn trở

Một chiều mưa lất phất, chúng tôi tìm Bệnh viện Đa khoa hữu nghị Nghệ An gặp anh Hoàng Văn Sùm, người không may bị bỏng cấp độ 2 khi đang làm nhiệm vụ chữa cháy tại tiểu khu 960.

Nhớ lại khoảnh khắc hãi hùng, bất chợt anh Sùm rùng mình thảng thốt. Mất một hồi lâu định tâm trở lại, anh Sùm nhấn mạnh phận đời lâm nghiệp đối diện với muôn vàn hiểm nguy, trắc trở nhưng bất an nhất là nhiệm vụ chữa cháy. Nghề này chẳng ai đoán trước được, như anh có đến 22 năm công tác trong ngành, lăn lộn không biết bao nhiêu bận nhưng vẫn canh cánh âu lo.

Anh Sùm kể lại phút giây sinh tử, nơi sự sống và cái chết là một lằn ranh. Ảnh: Ngọc Linh.

Anh Sùm kể lại phút giây sinh tử, nơi sự sống và cái chết là một lằn ranh. Ảnh: Ngọc Linh.

“Như vụ việc vừa rồi, ngay khi tiếp nhận thông tin tổ chúng tôi (anh Sùm cùng 4 người khác) đã khẩn trương chuẩn bị vật dụng hòng tiếp cận hiện trường. Mỗi người mỗi việc, bản thân tôi được giao phát đường băng cản lửa, tay cầm dao phay, tay ôm máy thổi cứ thế dò dẫm từng bước tiến vào trong. Hôm đó thời tiết không ủng hộ, nắng nóng lập đỉnh khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội, anh em đang dàn quân theo kế hoạch thì trời nổi gió lớn, thổi rạt ngọn lửa theo hướng ngược lại.

Lửa bén sát người khiến chúng tôi hoàn toàn bị động, trong thế cấp bách anh em chỉ biết hô hoán nhau chạy thoát thân. Tôi mang vác đồ đạc lịch kịch, phần khác đã kiệt sức do quần thảo suốt nhiều giờ nên ngã dúi dụi xuống đống than đang đỏ rực khiến đôi tay, đầu gối bị bỏng nặng”.

Đầu ấp tay gối nhiều năm rồi, chị Chu Thị Lan hiểu nằm lòng chất công việc đặc thù của chồng mình: “Khi hay tin anh Sùm gặp nạn, cảm giác bấn loạn lấn át hết tâm trí trong tôi. Nghề lâm nghiệp lắm hiểm nguy, anh quanh năm suốt tháng biền biệt trên rừng, lắm khi tuần tra tận 4 – 5 giờ sáng mới lọ mọ về đến nhà, nhiều hôm đang say giấc lại cấp tốc lên đường nhận nhiệm vụ. Thấy chồng vất vả tôi nhiều lần khuyên nhủ kiếm công việc khác phù hợp hơn, anh đáp lại nghề chọn người, gắn bó bao năm rồi không bỏ được. Vừa giận vừa thương, bổn phận làm vợ chỉ biết cầu mong may mắn song hành cùng anh thôi”.

Công tác chữa cháy rất nhọc nhằn, người lao động đối diện nhiều hiểm nguy nhưng chưa được hưởng chế độ tương xứng. Ảnh: Ngọc Linh.

Công tác chữa cháy rất nhọc nhằn, người lao động đối diện nhiều hiểm nguy nhưng chưa được hưởng chế độ tương xứng. Ảnh: Ngọc Linh.

Toàn Ban có khoảng 800 ha được thụ hưởng từ Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An về chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Với định mức 300.000 đồng/ ha, quy đổi số tiền thực nhận khoảng 240 triệu đồng/ năm, rải đều cho 20 con người chuyên trách giữ rừng từ văn phòng đến đội trạm, ấy là chưa kể phải điều tiết một phần cho những đầu mục chuyên môn khác…

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.