| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân Nghị quyết

Thứ Hai 19/02/2024 , 06:00 (GMT+7)

Ròng rã 2 thập kỷ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Nghệ An mới tìm thấy danh phận của riêng mình, Nghị quyết được thông qua mang theo khát vọng lớn lao.

Trước khi Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ra đời, cuộc sống khốn khó của lực lương bảo vệ rừng chuyên trách là câu chuyện không hồi kết. Ảnh: Việt Khánh.

Trước khi Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ra đời, cuộc sống khốn khó của lực lương bảo vệ rừng chuyên trách là câu chuyện không hồi kết. Ảnh: Việt Khánh.

Hạnh phúc vỡ òa

Nghệ An có diện tích rừng lớn nhất cả nước với trên 1 triệu ha, nhiệm vụ giữ rừng đặc biệt quan trọng nhưng nguồn lực Nhà nước dành cho nội dung này còn hạn chế, trung bình chỉ trên dưới 50 tỷ đồng/ năm.

Thiếu tiền, thiếu nhân lực trầm trọng khiến nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng luôn căng như dây đàn, lắm khi án kỷ luật treo lơ lửng trên đầu. So sánh đơn thuần thấy rằng vai trò của hệ thống lâm nghiệp chưa được nhìn nhận tương xứng. Trong nội hàm toàn ngành, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (hợp đồng tự trang trải) khó khăn, thua thiệt hơn cả.

Lấy mốc 2022 đổ về trước, trên địa bàn Nghệ An chưa có chính sách, quy định rõ ràng về quyền lợi cho bộ phận này. Để “níu chân” lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, UBND tỉnh đã xin cơ chế đặc thù, sau đó được Bộ NN-PTNT  cho áp dụng định mức 100.000 đồng/ha/năm.

Bộ phận này quanh năm suốt tháng lầm lũi giữ rừng trong điều kiện hết sức kham khổ. Ảnh: Việt Khánh.

Bộ phận này quanh năm suốt tháng lầm lũi giữ rừng trong điều kiện hết sức kham khổ. Ảnh: Việt Khánh.

Linh động dưới dạng “giật gấu vá vai” không thể khỏa lấp đi hàng loạt mối lo hiện hữu. Mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đối với những lao động thâm niên 15 – 20 năm rõ ràng chẳng hề tương xứng, tựu chung quá ít ỏi so với mồ hôi, công sức bỏ ra. Chờ đợi mòn mỏi không thấy lối thoát khiến nhiều người dần buông xuôi tư tưởng, đây là kết cục được báo trước khi gánh nặng cơm áo gạo tiền không cho phép họ thỏa giấc mơ với nghề.

Những con số thống kê thực sự giật mình, nội trong giai đoạn 2016 – 2022 đã có hơn 100 lao động chuyên trách chính thức bỏ việc. Quân số bị… rút ruột trầm trọng khiến tâm lý của các chủ rừng như ngồi trên đồng lửa, nhìn xa hơn nếu không có giải pháp phù hợp tài nguyên rừng Nghệ An khó giữ.

Đáng nói, tình trạng bỏ việc nêu trên chưa thấm vào đâu so với tổng số lao động đang “chênh vênh” tư tưởng. Nếu không yêu nghề, tiếc tuổi xuân xanh quăng quật khắp chốn rừng già chắc hẳn đã diễn ra một cuộc tháo chạy hàng loạt. Dù vậy việc này không thể gắng gượng lâu, muốn ngăn chặn nạn chảy máu nhân lực đòi hỏi những quyết sách căn cơ mang tính đột phá.

Chế độ chính sách, điều kiện sinh hoạt không hề tương xứng với mồ hôi, công sức bỏ ra. Ảnh: Việt Khánh.

Chế độ chính sách, điều kiện sinh hoạt không hề tương xứng với mồ hôi, công sức bỏ ra. Ảnh: Việt Khánh.

Khổ nỗi Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 một lần nữa “bỏ quên” lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Nhận thấy tính chất hết sức cấp bách Nghệ An đã chủ động vào cuộc, dưới định hướng, chỉ đạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã xắn tay xây dựng Nghị quyết đặc thù.

Ngày 7/7/2023 là “dấu mốc” không thể nào quên khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Hiệu ứng lan tỏa tức thì, bao nhiêu áp lực dồn nén bấy lâu như thể tan biến hết thảy. Toàn ngành lâm nghiệp Nghệ An thở phào nhẹ nhõm, các chủ rừng và bộ phận bảo vệ rừng chuyên trách như mở cờ trong bụng.

Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: “Ngành lâm nghiệp Nghệ An có dư địa phát triển rất lớn, cốt lõi là làm cách nào để phát huy hết tiềm năng, lợi thế đó. Nghệ An đã nhìn ra vấn đề, thể hiện qua việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Nghị quyết đã lan tỏa mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh, vừa san sẻ gánh nặng cho người giữ rừng, giúp họ có thể sống được bằng chính nghề của mình đồng thời tạo động lực, niềm tin để tiếp tục cống hiến trên hành trình đã định”.

Tươi mới

Bài toán “đầu tiên” đã tìm thấy lời giải, gánh nặng cơm áo giảm tải đi nhiều, cánh bảo vệ rừng chuyên trách giờ đây đã có thể chuyên tâm giữ rừng. Bao năm chịu cảnh thua bạn kém bè nay đã được thụ hưởng chế độ tương xứng, khỏi nói bộ phận này hân hoan ra sao.

Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương nói hộ tâm tư: “Nghị quyết 02 đã thay đổi hoàn toàn tâm thế của bộ phận bảo vệ rừng chuyên trách, đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho họ, những người có đóng góp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng suốt những năm qua. Anh em tếu táo gọi đây là mùa xuân Nghị quyết, là mùa xuân đáng nhớ nhất từ khi gắn chặt đời mình với nghiệp lâm nghiệp”.

Dù gian nan, cơ cực, nhưng nhiều người vẫn kiên định bám trụ. Ảnh: Việt Khánh.

Dù gian nan, cơ cực, nhưng nhiều người vẫn kiên định bám trụ. Ảnh: Việt Khánh.

Trước khi Nghị quyết ra đời, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương thuộc diện chủ rừng khó khăn bậc nhất của tỉnh Nghệ An. Đơn vị này có tổng cộng 8 Trạm bảo vệ được phân công quán xuyến khoảng 22.000 ha rừng, trải dài từ địa phận xã Thanh Thủy lên đến Khe Vều, giáp huyện Anh Sơn, nằm dọc theo biên giới Việt Lào.

Thiếu kinh phí trầm trọng nên trạm nào cũng đói rách như xơ mướp, riêng 2 Trạm Khe Vều và Khe Sướn bi đát hơn cả, nơi đây gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, không điện nước, chẳng sóng điện thoại, nơi ăn chốn ở sơ sài, tuềnh toàng quá mức, điều kiện sống và sinh hoạt chẳng khác nào năm… 1945.

Vẫn nhớ như in khi thực hiện tuyến bài dài kỳ “Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt”, trực tiếp lăn lộn vào khu vực Khe Vều, Khe Sướn, cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ giữa chốn rừng già mới thấm thía hết nỗi cơ cực của anh em lâm nghiệp đã trải qua. Năm này qua năm khác vẫn chung một kịch bản cũ kỹ, lầm lũi qua ngày đoạn tháng chẳng biết sẽ trôi về đâu, nỗi thất vọng, chán chường hiện rõ trên từng mặt người, từng lời nói, cử chỉ chất chứa bao nỗi muộn phiền.

Ấy vậy nhưng chỉ sau 1 năm gió đã đổi chiều, Nghị quyết được thông qua như nắng ấm tràn về, thắp sáng và sưởi ấm niềm tin của những người… sống chậm. Vẫn những con người ấy nhưng dung mạo tươi tắn, đàng hoàng hơn xưa, đặc biệt chẳng ai màng đến chuyện tháo chạy nữa rồi.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, thuộc Trạm bảo vệ rừng Hoa Quân (BQLRPH Thanh Chương), qua 29 năm công tác thấu hiểu hơn ai hết nỗi gian truân: “Từ năm 2022 trở về trước đơn vị chủ yếu nhìn vào nguồn tự trang trải nên khó khăn vô vàn, đồng lương còm cõi không đủ nuôi sống bản thân thì nói gì đến lo toan cho gia đình, con cái. Anh em phải chạy vạy từng đồng, thậm chí vay lãi ngân hàng để sống lay lắt qua ngày. Áp lực dồn nén tứ phía, tư tưởng bị xáo trộn nặng nề thành thử khó toàn tâm toàn ý vào nhiệm vụ chuyên môn.

Nói sợ anh không tin chứ nhiều dịp nghỉ lễ, đặc biệt là thời điểm khai giảng năm học mới hay ngày quốc tế thiếu nhi nhiều người chẳng dám bước chân về nhà, trong túi nhẵn thính, đến tấm quà gói bánh cho con trẻ cũng chẳng có thì tự tin với ai. Bản thân đồng chí Trưởng ban và các Trạm trưởng đã nhiều lần đứng ra vay mượn, hoặc bỏ tiền túi để hỗ trợ anh em chuyên trách phương tiện đi lại, rồi sắm sang, trang bị vật dụng, thức ăn, nước uống hàng ngày, đó là sự thực”.

Chẳng hề dấu diếm, ông Tuệ khẳng định chỉ 1 năm trước thôi tình hình hết sức bi quan, riêng tại Trạm bảo vệ rừng Hoa Quân có 4/7 người làm sẵn đơn xin nghỉ việc, bao gồm chính ông.

Giờ đây những người giữ rừng chuyên trách tại Nghệ An đã có thể mỉm cười. Ảnh: Việt Khánh.

Giờ đây những người giữ rừng chuyên trách tại Nghệ An đã có thể mỉm cười. Ảnh: Việt Khánh.

Từ năm 2023 bộ phận chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng định mức 300.000 đồng/ ha, quy đổi mức lương hàng tháng khoảng 7 – 9 triệu đồng/người, cao ít tùy vào thâm niên cống hiến. Đồng lương đầy đặn hơn, tháng nào nhận đủ tháng ấy thay vì mòn mỏi đợi chờ cả năm như trước nên ai nấy đều hồ hởi, hân hoan. Về mặt nghiệp vụ anh em còn được đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, áp lực công việc nhờ đó giảm tải đi nhiều”. 

Xét tại Trạm bảo vệ rừng Hoa Quân không ai có thâm niên hơn ông Đặng Quốc Tiến, SN 1972. Ngót nghét 3 thập kỷ với nghiệp giữ rừng, đã từng kinh qua những nơi gian khổ bậc nhất (Khe Sướn, Khe Vều), dành cả xuân xanh ăn dầm nằm dề giữa chốn rừng thiêng nước độc, khó khăn đến mấy cũng không làm phiền được người đàn ông rắn rỏi này, ngặt nỗi lắm lúc buồn tủi vì nghề bạc bẽo lại than thân trách phận. Ở cuối đường hầm, bất chợt nắng ấm đã xuất hiện:

“Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng chưa bao giờ dễ dàng, phải thực sự yêu nghề mới có thể gắn bó đến tận bây giờ. Lâu dài ngành lâm nghiệp cần những quyết sách đủ lớn để tạo động lực phát triển, đặc biệt là thu hút những người trẻ lựa chọn và dấn thân. Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh Nghệ An như cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn, giúp xua tan đi không khí ủ dột đè nén suốt bấy lâu, anh em chúng tôi chờ đợi ngày này lâu lắm rồi”, nói đoạn ông Tiến cười giòn tan.  

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất